Tăng cường kỷ cương, nền nếp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
05/09/2016 - 00:00

TĐKT - Trước thềm năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức họp báo đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm mà toàn ngành sẽ triển khai. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì cuộc họp.

 

Họp báo khai giảng năm học mới 2016 – 2017

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, phương hướng chung năm học mới 2016 – 2017 là tăng cường kỷ cương, nền nếp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Trong đó, giáo dục mầm non chú trọng đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm. Giáo dục phổ thông chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng. Khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định. Giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao và gắn với nhu cầu thị trường lao động. Đối với mô hình trường học mới (VNEN), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đây là một mô hình mới, cần có lộ trình đổi mới phù hợp. Bộ sẽ rút kinh nghiệm trong vấn đề hướng dẫn, tổ chức và kiểm tra triển khai mô hình, không nhất thiết địa phương nào cũng phải áp dụng mô hình này và mỗi nơi áp dụng phải có điều kiện kèm theo.

Đối với việc dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định dạy thêm, học thêm là nhu cầu mà thực tế ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…cũng có tình trạng này nhưng ở nước ta cần ngăn chặn việc dạy thêm, học thêm tràn lan, tiêu cực. Tuy nhiên, muốn giảm dạy thêm, học thêm, phải có lộ trình, trong đó có cả chỉnh sửa chương trình thi cử và chỉnh sửa chương trình sách giáo khoa.

Về đổi mới giáo viên, Bộ xác định có 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp căn bản. Trong đó, Bộ xác định nâng cao chất lượng đội ngũ và cán bộ quản lý giáo dục là trọng tâm, quyết định sự thành bại của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.  

Theo đó, Bộ sẽ rà soát, xây dựng các quy chuẩn đối với giáo viên các cấp, bậc học, đối với cán bộ quản lý. Từ đó, rà soát xem các thầy cô đang ở đâu trong chuẩn và xây dựng các khóa học bồi dưỡng ngắn hạn, giúp các thầy cô đáp ứng được các chuẩn đó. Bộ cũng sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo từ xa để bồi dưỡng các thầy cô chứ không chỉ đào tạo theo phương pháp truyền thống. 

La Giang