TĐKT - Nhận thức rõ, công tác tuyên truyền đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thành công của Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã triển khai sáng kiến tổ chức Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về bầu cử trong công nhân, viên chức, lao động. Thành công của Cuộc thi đã góp phần lan tỏa phong trào thi đua tìm hiểu, học tập pháp luật về bầu cử sôi nổi, rộng rãi trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ).
Những con số ý nghĩa
Diễn ra từ 00h00 ngày 3/5/2021 và kết thúc lúc 23h55 ngày 16/5/2021, Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức là một hoạt động trọng tâm của công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trong CNVCLĐ.
Mặc dù việc triển khai trong thời gian ngắn (2 tuần), đúng vào dịp nghỉ lễ 30/5 – 1/5 nhưng cuộc thi được các cấp công đoàn tích cực hưởng ứng và khẩn trương thực hiện. Cuộc thi đã thu hút đông đảo đoàn viên, CNVCLĐ thuộc 83/83 liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương tham gia, với 534.709 lượt CNVCLĐ dự thi.
Nhiều liên đoàn lao động tỉnh, thành phố đã có cách thức triển khai hiệu quả, thu hút nhiều đoàn viên, CNVCLĐ tham gia, như: Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa (hơn 77 nghìn lượt người tham gia), Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An (hơn 38 nghìn lượt), Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai (hơn 35 nghìn lượt), Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên (hơn 29 nghìn lượt), Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh (gần 27 nghìn lượt). Một số liên đoàn lao động tỉnh khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên như Yên Bái, Sơn La, Gia Lai, Kon Tum… có số lượng đoàn viên, CNVCLĐ ít, điều kiện triển khai khó khăn nhưng đều có từ hơn 5 - 8 nghìn lượt đoàn viên, CNVCLĐ tham gia dự thi. Đặc biệt, có một số LĐLĐ huyện đã vận động với tỷ lệ cao đoàn viên, CNVCLĐ tham gia như: LĐLĐ huyện Như Thanh (tỉnh Thanh Hóa); một số công đoàn cơ sở ở tỉnh Thừa Thiên Huế có 99% người lao động dự thi bằng điện thoại thông minh.
Kết thúc cuộc thi, có gần 39 nghìn CNVCLĐ đã trả lời đúng 13/13 câu hỏi trắc nghiệm. Ban tổ chức cuộc thi cấp tỉnh, ngành đã căn cứ thêm kết quả thi tự luận để quyết định trao giải thưởng cho các tập thể và cá nhân tiêu biểu, xuất sắc của địa phương mình.
Đó là những con số biết nói, cho thấy sức hút của cuộc thi khá lớn, đã tạo nên một phong trào thi đua sôi nổi, rộng rãi trong CNVCLĐ tìm hiểu, học tập pháp luật góp phần tuyên truyền, phổ biến, lan tỏa các kiến thức pháp luật, thông điệp về bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến đông đảo cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ và các tầng lớp nhân dân trong cả nước.
Những thông điệp truyền cảm hứng
Điều đáng ghi nhận thông qua cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về pháp luật bầu cử trong CNCLĐ đó là những hình ảnh đẹp, những thông điệp, những bài thơ ca quần chúng, mang ý nghĩa to lớn, thể hiện ý thức trách nhiệm của người CNVCLĐ đối với cuôc bầu cử trên mạng xã hội, góp phần đầy lùi thông tin tiêu cực, chống phá cuộc bầu cử - Ngày hội của toàn dân tộc ta.
Chị Dương Thị Mỹ Hạnh, Ủy viên BCH Công đoàn Chi nhánh may Phú Bình 3 Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Thái Nguyên) đã gửi đến Cuộc thi hình ảnh ý nghĩa kèm những dòng nội dung: Ngày 23 tháng 5 tới đây trong cơn bão của dịch bệnh COVID trên tinh thần thực hiện nghiêm túc 5K,tuy nhiên trách nhiệm của một công dân,chúng tôi vẫn tích cục tham gia bầu cử để bầu ra những người đủ đức đủ tài, tâm sáng trí bền. Tôi mong muốn những ứng cử viên được chúng tôi và nhân dân tin tưởng giao trọng trách sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình và đem hết khả năng, tâm huyết của mình phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Mong muốn các ứng cử viên sau khi trở thành ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, ngoài việc quan tâm đến tình hình chung về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của đất nước sẽ là cầu nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp”.
Bức ảnh ý nghĩa của BCH Công đoàn Chi nhánh may Phú Bình 3 Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Thái Nguyên)
Còn nữ công nhân Nguyễn Hương Giang (Thanh Hóa) đã chia sẻ: Qua cuộc thi, tôi được hiểu nhiều hơn về cuộc bầu cử ý nghĩa. Đặc biệt, đọng lại trong tôi là một bài thơ rất ý nghĩa mà tôi đã đọc được.
“Tháng năm ngày hội non sông
Cư tri cả nước một lòng thi đua
Đại biểu Quốc hội phải lo
Hội đồng các cấp là cho chính mình
Bầu sao cho thật anh minh
Chẳng vì lợi ích riêng mình mà nên
Chọn người xứng đáng bầu lên
Được thêm ích nước lại thêm lợi nhà
Dẫu rằng Quốc hội ở xã
Chung tay bầu cử ấy là của dân
Hội đồng lại ở rất gần
Sáng suốt lựa chọn góp phần đi lên
Cử tri xin nhắc chớ quên
Chủ nhật bầu cử nhớ quyền công dân.”
Ông Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đánh giá cao, cuộc thi là một hoạt động thiết thực nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ tuyên truyền chính trị - pháp luật, giúp cho đoàn viên, CNVCLĐ hình thành thói quen tự giác, quan tâm và chủ động tìm hiểu để nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật.
Hiệu ứng của cuộc thi cũng đã thúc đẩy hành động của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ thực hiện tốt quyền công dân; tích cực, tự giác, chủ động tham gia bầu cử, góp phần cho thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2026.
Những con số ấn tượng, những thông điệp ý nghĩa là kết quả của tư duy đổi mới, đột phá trong hướng dẫn, chỉ đạo cuộc thi. Công tác truyền thông về mục đích, ý nghĩa của cuộc thi cũng được chú trọng triển khai với nhiều phương thức khác nhau để tiếp cận CNVCLĐ. Điều đó cũng phản ánh khả năng thuyết phục, vận động của những người làm công tác tuyên truyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn, của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ đối với “Ngày hội của toàn dân”.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xây dựng các thông điệp bằng hình ảnh, video hướng dẫn để tuyên truyền trên báo chí, trang thông tin điện tử và mạng xã hội. Cuộc thi ứng dụng trực tuyến với giao diện khoa học, dễ sử dụng, tích hợp với sử dụng các mạng xã hội phổ biến như facebook, zalo và hộp thư điện tử (gmail), nhất là việc xuất hiện “bản đồ” tên từng đơn vị cấp tỉnh, ngành với số lượng CNVCLĐ đăng ký và số lượt thi đã tạo khí thế thi đua, cạnh tranh giữa các địa phương, ngành và giữa từng người dự thi với nhau. Việc thống kê kết quả tự động đến công đoàn cấp trên cơ sở và danh sách đoàn viên, CNVCLĐ tham gia dự thi ở từng công đoàn cơ sở là sự công khai trong thi đua, cũng là căn cứ để đánh giá khách quan hiệu quả công tác triển khai thực hiện ở các cấp công đoàn.
Các cấp công đoàn đã tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp tại cơ sở, đồng thời giao chỉ tiêu cho các công đoàn cơ sở. Nhờ vậy, đã tạo ra được chuỗi hoạt động truyền thông về cuộc thi có hiệu ứng lớn nhất…
Mai Thảo