TĐKT - Sáng 2/7, tại Hà Nội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) giai đoạn 2012 - 2017.
Tới dự có các đồng chí: Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thứ trưởng Bộ nội vụ, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương.
Trong những năm qua, phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” được tổ chức, triển khai hiệu quả trong tầng lớp CNVCLĐ cả nước và trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường phát động phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong hoạt động công đoàn”
Đặc biệt, giai đoạn 2012 - 2017, phong trào tập trung vận động đông đảo cán bộ khoa học kỹ thuật, các nhà quản lý và CNVCLĐ hăng hái thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ mới vào sản xuất, kinh doanh, công tác, hướng tới mục tiêu khai thác tối đa các nguồn lực trong nước, trong đó có nguồn lực về khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu, hạ giá thành sản phẩm, giữ vững thương hiệu hàng Việt Nam để cạnh tranh ngay trên thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” luôn gắn chặt với quá trình nghiên cứu, áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, qua đó thúc đẩy phát triển một số ngành khoa học, công nghệ mũi nhọn của đất nước; đồng thời, đưa tiến bộ khoa học, công nghệ vào quá trình phát triển nông nghiệp và nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Để tổ chức tốt phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” trong CNVCLĐ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức nhiều hoạt động: Phong trào Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu khoa học; Hội thi Sáng tạo kỹ thuật; Hội thi thợ giỏi ngành, nghề… Qua đó, thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia và thực sự tạo động lực thúc đẩy và nâng cao chất lượng phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất, kinh doanh và công tác.
Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn đã coi trọng công tác nghiên cứu bổ sung, sửa đổi kịp thời đối tượng và tiêu chuẩn khen thưởng, nhằm không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng cho phù hợp với yêu cầu thực tế: Ban hành quy định sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn tặng Bằng Lao động sáng tạo phù hợp với thực tiễn.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà trao Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho các tập thể tiêu biểu
Để phong trào này phát triển ngày càng sâu rộng và có hiệu quả, trong 5 năm qua, Tổng Liên đoàn đã phối hợp với các các bộ, ngành liên quan duy trì và phát triển nhiều hoạt động với hình thức đa dạng, phong phú: Đẩy mạnh hoạt động của các Quỹ hỗ trợ khoa học, công nghệ, Quỹ hỗ trợ tài năng sáng tạo nữ; phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các cơ quan hữu quan tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật 2 năm một lần và Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) hàng năm, Tổng Liên đoàn xem xét tặng thưởng Bằng Lao động sáng tạo cho các cá nhân là CNVCLĐ đoạt giải tại hội thi.
Các cấp công đoàn đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật của ngành, địa phương, hưởng ứng Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc và tham gia Giải thưởng VIFOTEC.
Kết quả, tính riêng từ năm 2012 – 2017, đã có 1.248.637 lượt cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân, lao động có đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến, hợp lý hoá sản xuất, trong đó: 77.753 đề tài nghiên cứu khoa học và 1.170.884 sáng kiến, làm lợi hàng trăm ngàn tỷ đồng; 596 giải pháp đề tài khoa học của CNVCLĐ được gửi tham dự Giải thưởng VIFOTEC và 239 giải pháp, đề tài khoa học đạt giải toàn quốc; 1800 giải pháp kỹ thuật gửi tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc và 270 giải pháp kỹ thuật đạt giải. Tổng Liên đoàn đã xét và tặng thưởng Bằng Lao động sáng tạo cho trên 4.200 lượt CNVCLĐ với gần 6 tỷ đồng tiền thưởng.
Ghi nhận kết quả phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” trong 5 năm qua, tại Hội nghị, Tổng Liên đoàn đã tặng Cờ thi đua cho 22 tập thể và tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 22 cá nhân.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” giai đoạn (2012 – 2017).
Đồng chí khẳng định: Góp phần vào kết quả chung của cả nước có sự đóng góp không nhỏ của các phong trào thi đua yêu nước của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong đó có phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”. Từ phong trào đã đóng góp cho đất nước nhiều mô hình hay, điển hình tiêu biểu. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng liên tục đổi mới, có nhiều hình thức khen thưởng, kịp thời tôn vinh, biểu dương, động viên các tầng lớp CNVCLĐ tiếp tục đóng góp trí tuệ, sức sáng tạo.
Tuy nhiên, để phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” tiếp tục phát huy hiệu quả tốt hơn nữa, theo Thứ trưởng Trần Thị Hà, thời gian tới, hệ thống công đoàn các cấp cần phối hợp chặt chẽ với Ban Thi đua - Khen thưởng và các cơ quan truyền thông, báo chí ở các địa phương tăng cường phát hiện, tuyên truyền, làm lan tỏa mạnh mẽ các mô hình, điển hình tiên tiến là công nhân, viên chức, người lao động.
Cùng với đó, rà soát, điều chỉnh lại những tiêu chí thi đua cho phù hợp với tình hình giai đoạn hiện nay. Thứ trưởng Trần Thị Hà gợi ý cụ thể là cần nghiên cứu phát động mạnh mẽ hơn phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” với các tiêu chí thi đua phù hợp đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tránh hiệu ứng ngược trong thi đua là “người lao động càng có nhiều sáng kiến, sáng tạo thì càng bị chủ doanh nghiệp giao thêm nhiều chỉ tiêu, áp lực tăng năng suất lao động càng cao”.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cho rằng, hiện nay tỷ lệ khen cho CNVCLĐ là người lao động trực tiếp vẫn còn ít. Thời gian tới, quy chế khen thưởng của công đoàn các cấp cần chuyển trọng tâm - từ giới thiệu điển hình, cộng dồn thành tích sang tích cực phát hiện, đề xuất khen thưởng các điển hình nhân tố mới thông qua phong trào thi đua.
“Khen đúng, khen trúng sẽ là động lực to lớn góp phần động viên người lao động hăng say sáng tạo và lao động sản xuất”. Thứ trưởng Trần Thị Hà nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường đã phát động phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong hoạt động công đoàn”.
Mai Thảo