TĐKT - Nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, “Công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”, trong thời gian qua, từ phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phát động, Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh đã chủ động đổi mới và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, vận động công nhân, viên chức, lao động thành phố tích cực tham gia và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hồ Chí Minh Kiều Ngọc Vũ: Phong trào thi đua và công tác khen thưởng luôn đi đôi với việc xây dựng tổ chức công đoàn. “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời sẽ động viên, giáo dục và thúc đẩy phong trào thi đua phát triển liên tục.
5 năm qua, LĐLĐ TP Hồ Chí Minh không ngừng nâng cao nhận thức về vai trò của công tác thi đua, khen thưởng. Công đoàn với chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các phong trào thi đua. Bằng nhiều biện pháp đa dạng, phong phú, thiết thực, LĐLĐ TP Hồ Chí Minh đã chủ động tổ chức cho các cấp công đoàn phối hợp với chính quyền cùng cấp, căn cứ vào tình hình của từng địa phương, đơn vị, tổ chức phát động các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” gắn với các hoạt động chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại trong nước.
Với nhiều hình thức phong phú, đa đạng, phù hợp với từng loại hình ngành, nghề, các phong trào thi đua nhanh chóng thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tích cực hưởng ứng, tham gia. Qua đó, đã có trên 48.548 lượt công đoàn cơ sở (CĐCS) hưởng ứng thi đua, thực hiện 19.521 đề tài, công trình nghiên cứu khoa học; 65.198 sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi 1.048 tỷ đồng; 989 đề tài tham gia các hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật và nhiều công trình, sản phẩm tiêu biểu, được LĐLĐ thành phố gắn biển công trình và tặng Bằng khen; giới thiệu 15 đề tài tiêu biểu tham gia Chương trình Tự hào trí tuệ lao động Việt Nam do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh Kiều Ngọc Vũ tham luận tại Đại hội Thi đua yêu nước trong CNVCLĐ toàn quốc lần thứ X.
Đặc biệt, để các phong trào thi đua đạt được hiệu quả thiết thực, LĐLĐ TP Hồ Chí Minh xác định mục tiêu, tập trung vào những vấn đề mấu chốt, hướng phong trào vào những khâu yếu, những việc khó, những vấn đề bức xúc, tồn tại đang đặt ra để tập trung giải quyết, trên cơ sở đó xây dựng nội dung và tiêu chuẩn thi đua phải thật cụ thể, sát với nhiệm vụ chính trị của từng tập thể, từng cá nhân. Đồng thời, LĐLĐ thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng nhằm tuyên truyền, phổ biến các gương điển hình để mọi người học tập, noi theo.
Giải thưởng Tôn Đức Thắng được coi là đỉnh cao của phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Giải thưởng do LĐLĐ thành phố phối hợp cùng Báo Sài Gòn Giải phóng tổ chức lần đầu tiên vào năm 2000, nhằm biểu dương, tôn vinh những công nhân, lao động tiêu biểu có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, trong hoạt động công đoàn và xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh trên địa bàn thành phố.
Những cá nhân tiêu biểu được xét trao giải phải là các cán bộ kỹ thuật, công nhân lao động trực tiếp sản xuất đang làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố (có tổ chức công đoàn), hiện giữ chức vụ: Quản đốc, trưởng phân xưởng; đội trưởng, tổ trưởng, thuyền trưởng…, là những người tốt nghiệp THPT trở lên, có thâm niên làm việc từ 5 năm trở lên; có nhiều sáng kiến, sáng tạo đã được ứng dụng vào thực tiễn mang lại giá trị lợi ích về mặt kinh tế - xã hội; kèm cặp, bồi dưỡng tay nghề cho công nhân trong tổ, đội, xí nghiệp trở thành thợ giỏi, được nâng bậc trước thời gian.
Tính đến năm 2020, LĐLĐ TP Hồ Chí Minh và Báo Sài Gòn Giải phóng đã phối hợp tổ chức 20 lần trao giải và đã xét tặng cho 211 công nhân ưu tú được tuyển chọn từ cơ sở tập trung vào 4 ngành công nghiệp trọng điểm thành phố gồm: Cơ khí chế tạo; điện - điện tử công nghiệp; hóa chất - cao su, nhựa; chế biến tinh lương thực, thực phẩm. Trong đội ngũ ưu tú ấy có không ít công nhân, kỹ sư đã thể hiện sự kết hợp một cách chặt chẽ giữa mục tiêu lao động sáng tạo, đào tạo thợ giỏi và phấn đấu trở thành người Đảng viên như một chuẩn mực của người công nhân trong giai đoạn cách mạng mới. Họ sống, lao động, cống hiến với những suy nghĩ giản đơn là công nhân có thêm việc làm, nhà máy có thể sản xuất và mở rộng thị trường bằng những sản phẩm có chất lượng cao.
Chính vì thế, họ đã được tập thể đơn vị trân trọng, tôn vinh bằng những danh hiệu vừa thân thiết, vừa cao quý và trong những số đó đã có trên 20 cán bộ, công nhân đã được đề bạt vào những chức vụ lãnh đạo quản lý.
Trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2020
LĐLĐ TP Hồ Chí Minh còn khởi xướng Giải thưởng 28/7 - Giải thưởng tôn vinh Chủ tịch công đoàn cơ sở có thành tích đặc biệt nổi trội. Năm 2009, nhằm góp phần khẳng định vai trò quan trọng, đặc biệt của Chủ tịch Công đoàn cơ sở trong việc cụ thể hóa các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, tôn vinh “thủ lĩnh” của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động ở cơ sở, LĐLĐ TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quy chế thành lập “Giải thưởng 28/7” kèm theo Quyết định số 23/QĐ-LĐLĐ ngày 02/7/2009 và lễ trao giải được tổ chức hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.
Giải thưởng này dành cho các chủ tịch công đoàn cơ sở đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc hệ thống Công đoàn TP Hồ Chí Minh. Các cá nhân đạt “Giải thưởng 28/7” là các chủ tịch công đoàn cơ sở đã thể hiện trách nhiệm của mình đối với tổ chức công đoàn và người lao động; có phương pháp hoạt động sáng tạo và đạt được kết quả đặc biệt và nổi bật nhất trong nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để động viên cán bộ công đoàn có thành tích xuất sắc trong hoạt động, LĐLĐ TP Hồ Chí Minh đã xây dựng tiêu chí, cách thức bình chọn danh hiệu “Người cán bộ Công đoàn của chúng tôi” với phương thức tuyên dương luân phiên hàng năm tại công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và LĐLĐ thành phố sẽ tuyên dương các cá nhân 5 năm/lần.
Từ năm 2016 - 2020, đã có 826 công đoàn cơ sở bình chọn 2.096 lượt cán bộ công đoàn được tuyên dương cấp trên cơ sở; 61 cán bộ công đoàn được tuyên dương cấp thành phố. LĐLĐ thành phố đã trao tặng “Giải thưởng 28/7” cho 50 Chủ tịch Công đoàn cơ sở có nhiều phương pháp mới, hiệu quả trong hoạt động công đoàn tại đơn vị.
Bên cạnh phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, LĐLĐ thành phố còn nhiều phong trào khác nổi bật như: Phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phong trào chăm lo cho công nhân, viên chức, lao động thành phố; phong trào ôn lý thuyết, luyện tay nghề “Thi thợ giỏi”; phong trào thi đua yêu nước gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được cụ thể hóa bằng 6 tiêu chí “chủ động, hợp tác, chia sẻ, trách nhiệm, tiết kiệm”; phong trào “Xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động”; phong trào thi đua “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”...
Năm 2015, với nhiều thành tích xuất sắc, tiêu biểu đã đạt được trong nhiều năm qua, LĐLĐ TP Hồ Chí Minh vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới.
Hưng Vũ