TĐKT - Với lực lượng chiếm 51,1% dân số của tỉnh, trong đó có trên 260 nghìn hội viên phụ nữ, 5 năm qua, các tầng lớp phụ nữ Thái Nguyên luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, hăng hái thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khẳng định vai trò, vị thế quan trọng trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tặng hoa và bức trướng “Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên đoàn kết, sáng tạo, hội nhập, phát triển”
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIII, phong trào phụ nữ tỉnh Thái Nguyên đã có những bước phát triển mới, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các mục tiêu, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào phụ nữ do Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XIII đề ra đều hoàn thành: 9/9 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XIII và 7/7 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII đều đạt và vượt, trong đó nhiều chỉ tiêu vượt cao.
Cụ thể: 100% Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) cấp huyện đã cụ thể hóa tiêu chí thực hiện phong trào thi đua; có 3.467 điển hình được phát hiện, biểu dương, tuyên truyền (vượt 1.687 điển hình); trung bình hằng năm, các cấp Hội cơ sở tổ chức được 2.250 hoạt động tuyên truyền (vượt gần 1.900 hoạt động). 100% cơ sở Hội đăng ký với cấp ủy, chính quyền thực hiện ít nhất một hoạt động tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; trong nhiệm kỳ đã giúp trên 21.000 hộ đạt tiêu chí gia đình 5 không, 3 sạch (vượt 5.593 hộ). Toàn tỉnh có trên 170.800 lượt bà mẹ và 61.800 thành viên khác trong gia đình có con từ 0 - 16 tuổi được cung cấp kiến thức và kỹ năng nuôi, dạy con (vượt chỉ tiêu Nghị quyết). Phối hợp đào tạo, tư vấn nghề cho trên 24.600 lao động nữ, trong đó 74,1% lao động nữ có việc làm sau đào tạo (vượt 4,1%). Xây dựng được 511 mô hình phát triển kinh tế; hỗ trợ 202 phụ nữ khởi nghiệp, giúp 2.376 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo, hỗ trợ thành lập 16 hợp tác xã có phụ nữ tham gia quản lý (vượt chỉ tiêu Nghị quyết).
Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh, cấp huyện đề xuất được 15 chính sách/chương trình/đề án liên quan đến phụ nữ; các cấp Hội giám sát 1.004 chính sách; góp ý 1.424 dự thảo các văn bản (vượt chỉ tiêu Nghị quyết). Số hội viên tăng thêm 15.198 người (vượt 3.198 người); không có cơ sở Hội tập hợp dưới 50% phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia hoạt động Hội. Tỷ lệ hội viên nòng cốt đạt 42,23% (vượt 2,23%)...
Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ Thái Nguyên đã tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tỷ lệ đảng viên nữ tăng 4,69% so với năm 2016. Nữ tham gia cấp ủy và giữ vị trí lãnh đạo, quản lý đều tăng so với nhiệm kỳ trước; tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tăng 6,28%, cấp huyện tăng 3,28%, cấp xã tăng 4,04%. Đặc biệt, lần đầu tiên tỉnh Thái Nguyên có đồng chí nữ Bí thư Tỉnh ủy.
Trong lĩnh vực kinh tế, các hội viên phụ nữ tích cực hưởng ứng, thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Nhiều phụ nữ đã mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, đầu tư mở rộng quy mô, tập trung cây trồng chủ lực, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều phụ nữ hăng hái thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Sản xuất - kinh doanh giỏi”; chủ động nắm bắt thị trường, trở thành những doanh nhân giỏi, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và sự phát triển bền vững của tỉnh.
Ngoài ra, phụ nữ Thái Nguyên cũng có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tuyên truyền, quảng bá, giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ...
5 năm qua, đã có hàng nghìn phụ nữ được biểu dương khen thưởng; 642 tập thể, 376 cá nhân phụ nữ tiêu biểu được nhận các giải thưởng, danh hiệu cao quý, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và của tỉnh.
Có được kết quả trên là do trong nhiệm kỳ qua, Hội LHPN tỉnh thực hiện tốt các phong trào thi đua các cuộc vận động và khâu đột phá như: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; phụ nữ rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tăng giàu, giảm nghèo góp phần xây dựng nông thôn mới”.
Có thể khẳng định, dù ở bất kỳ lĩnh vực, cương vị, lứa tuổi nào, phụ nữ Thái Nguyên cũng luôn đoàn kết, phát huy truyền thống tốt đẹp, chủ động, sáng tạo, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, chăm lo, vun đắp hạnh phúc gia đình và vươn lên khẳng định vai trò, vị thế trong xã hội.
Tại Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 – 2026, phụ nữ Thái Nguyên thống nhất xác định mục tiêu tổng quát trong nhiệm kỳ mới là: Phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, chủ động hội nhập, ý thức làm chủ của các tầng lớp phụ nữ; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động hiệu quả, phấn đấu vì bình đẳng, hạnh phúc và sự phát triển của phụ nữ; góp phần xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030. Đồng thời xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong nhiệm kỳ tới, gồm: Hỗ trợ phụ nữ phát triển, hội nhập và vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp hiệu quả.
Minh Phương