TĐKT - Phát huy truyền thống 75 năm “Đi trước mở đường” của ngành Giao thông vận tải (GTVT), thời gian qua, các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Công đoàn Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) triển khai tiếp tục nhận được sự hưởng ứng tích cực từ đội ngũ cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trong toàn ngành.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ và Chủ tịch Công đoàn GTVT Đỗ Nga Việt biểu dương, chúc mừng các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của Tổng cục ĐBVN 5 năm qua
Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đổi mới, sáng tạo, Công đoàn Tổng cục ĐBVN đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp và tạo điều kiện của chuyên môn, phát động, tổ chức các phong trào thi đua đa dạng và phong phú, phù hợp với đặc điểm của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; động viên cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ nâng cao tính năng động, sáng tạo, tích cực phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học, công nghệ góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị chung của toàn ngành.
Các phong trào thi đua yêu nước đã trở thành động lực quan trọng trong hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều phong trào thi đua đã có sức lan toả mạnh mẽ. Đặc biệt, việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo bước chuyển biến quan trọng trong mọi mặt công tác và đời sống.
Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 - 2020 được triển khai quyết liệt và sâu rộng. Tổng cục ĐBVN đã chỉ đạo, phối hợp, thực hiện xây dựng Thông tư, sổ tay hướng dẫn, quy mô kỹ thuật, thiết kế định hình công trình giao thông nông thôn; xây dựng 186 cầu dân sinh cho khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Đặc biệt dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRamP) đã được Tổng cục tập trung chỉ đạo, phát động nhiều đợt thi đua cao điểm, kết quả từ năm 2017 đến nay đã xây dựng, bàn giao đưa vào sử dụng hơn 1.850 cầu dân sinh. Những công trình này đã góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, tăng cường kết nối phục vụ mục tiêu xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội cho các thôn, bản khó khăn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới trên 50 tỉnh trong cả nước.
Mặt khác, Tổng cục luôn quan tâm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước chuyên ngành Đường bộ, tạo sự thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp: Xây dựng nhiều hệ cơ sở dữ liệu chuyên ngành về quản lý tài sản đường bộ, quản lý tài sản đường địa phương, quản lý mặt đường, quản lý cầu, quan trắc cầu dây văng, giám sát hành trình vận tải, quản lý giấy phép lái xe, quản lý kiểm soát tải trọng xe; thực hiện cơ chế một cửa đối với hầu hết các thủ tục hành chính, qua đó rút ngắn thời gian làm thủ tục, tiết kiệm chi phí. Thực hiện nhiều ứng dụng công nghệ tự động vào quản lý như: Công nghệ Trạm kiểm soát tải trọng xe, hệ thống thu phí không dừng, hệ thống giám sát doanh thu BOT; hoàn thiện, nâng cấp các phần mềm quản lý phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; sử dụng hiệu quả hệ thống họp trực tuyến phục vụ các chương trình làm việc, họp, hội nghị với các cơ quan, đơn vị trực thuộc và tham gia các cuộc họp do lãnh đạo Bộ GTVT chủ trì, đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai nhiệm vụ, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19.
Với đặc thù quản lý rộng trên địa bàn cả nước, tiếp xúc rất nhiều với người dân và doanh nghiệp ở lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, phong trào 4 xin, 4 luôn được ngành Đường bộ triển khai sâu rộng, nhận được sự tham gia, hưởng ứng rất tích cực. Phong trào đã góp phần nâng cao đạo đức công vụ, thái độ làm việc thân thiện, cởi mở, tạo sự gần gũi, thoái mái hơn giữa công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước với người dân.
Triển khai phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bỏ lại phía sau”, “Tết vì người nghèo”, “Áo ấm mùa đông”…, trong 5 năm qua, toàn ngành đã kêu gọi, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các nhà hảo tâm đóng góp, ủng hộ vào các quỹ Xã hội được trên 8,395 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, phong trào thi đua “Giữ đường thông suốt - An toàn - Sạch đẹp”, phong trào xây dựng “Chi cục Quản lý đường bộ kiểu mẫu và an toàn giao thông”, phong trào “Tết trồng cây làm theo lời Bác” vì mục tiêu Giảm tai nạn giao thông, không còn xe quá tải… là những phong trào xuyên suốt của ngành từ nhiều năm nay đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đoàn viên công đoàn trong ngành Đường bộ.
Kết quả tiêu biểu qua tổ chức các phong trào thi đua chuyên đề là hơn 24.500 km quốc lộ được giao quản lý luôn đảm bảo giao thông thông suốt, sạch sẽ, an toàn, êm thuận. Ngành Đường bộ đã tập trung xử lý xóa 1.250 điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, sơn 1.200 km vạch sơn đường; bổ sung 245 km hộ lan phòng hộ, xây dựng 28 đường cứu nạn, hốc cứu nạn; trồng được hơn 30.000 cây xanh dọc 2 bên các đoạn tuyến quốc lộ vừa tác dụng bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), chống xói lở nền lề đường…
Trụ sở của 26 Chi cục và 215 Hạt Quản lý đường bộ ngày càng khang trang, xanh - sạch - đẹp. Đời sống, thu nhập, văn hóa tinh thần của người lao động ngành đường bộ ngày càng được nâng lên. Nhiều sáng kiến và giải pháp cải tiến xuất hiện từ các phong trào thi đua như: Phần mềm quản lý GovOne để quản lý, chỉ đạo hiện trường tại các Chi cục Quản lý đường bộ; cải tiến máy bạt lề, đào rãnh thoát nước, máy phun nước rửa đường, lan can… trong các đơn vị bảo trì đường bộ; sáng kiến dán phản quang vào cột KM, vào cọc H, cọc tiêu và tiêu phản quang Hộ lan mềm để người lái xe để quan sát; sáng kiến cải tiến cân xe tự động giảm người đứng trực tiếp ở hiện trường và phòng, chống tiêu cực rất hiệu quả.
Đặc biệt sáng kiến Hốc cứu nạn thay cho đường cứu nạn tại các đường đèo dốc nguy hiểm, địa hình phức tạp và tường cứu hộ bằng lốp ô tô cũ, thay cho tường cứu nạn bằng bê tông cốt thép lắp đặt tại các đường đèo dốc, vực sâu, vách đá đã cứu được nhiều xe khi mất phanh, giảm mức độ thiệt hại về người và phương tiện. Góp phần kéo giảm cả 3 tiêu chí tai nạn giao thông suốt 5 năm qua, được người dân và xã hội đánh giá cao. Tình trạng xe quá tải cơ bản được kiểm soát, hiện chỉ còn khoảng dưới 9% chủ yếu cố tình hoạt động trên các tuyến ngắn, đường địa phương.
Phong trào thi đua sáng kiến cải tiến kỹ thuật tiếp tục được duy trì trong cán bộ, công chức, viên chức, lao động. Toàn ngành đã có hàng trăm sáng kiến, giải pháp trong công tác và lao động sản xuất được áp dụng; giá trị làm lợi hàng chục tỷ đồng. Nhiều sáng kiến được ứng dụng trong sản xuất như: Công nghệ tái chế móng mặt đường, bê tông nhựa ấm, bê tông tính năng cao UHPC trong sản xuất dầm cầu; vật liệu Carboncor Asphan CA 19 và CA 12,5, công nghệ bê tông nhựa nguội chịu nước, neo đất SEEE, công nghệ NEO WEB để gia cố nền đường, công nghệ cào bóc tái sinh tại chỗ công nghệ của Đức, ứng dụng BTN ấm trong bảo trì; phủ Microsufacinh trên mặt đường BTXM; ứng dụng phần mềm quản lý dữ liệu cầu, đường; tài sản đường bộ….
Phong trào thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ được duy trì thường xuyên. Một số đơn vị đã duy trì hội thao, hội diễn truyền thống. Tổng cục ĐBVN đã tổ chức 3 kỳ Hội thao truyền thống vào năm 2015, 2017, 2019 với sự tham gia của gần 1200 lượt vận động viên đến từ các đơn vị trực thuộc và sở GTVT; hàng năm đều tham gia Hội thao Cụm Văn hóa thể thao do Công đoàn GTVT Việt Nam tổ chức giữa các đơn vị trong ngành GTVT khu vực Hà Nội và đã đạt nhiều giải cao.
Với sự cố gắng vượt qua khó khăn, sáng tạo trong các phong trào thi đua, toàn ngành Đường bộ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Chính phủ và Bộ GTVT giao. Thông qua các phong trào đã xuất hiện nhiều gương người tốt việc tốt; nhiều tập thể và cá nhân trong ngành đã được Nhà nước, Chính phủ phong tặng các danh hiệu, Chiến sĩ thi đua, Huân chương Lao động, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và các hình thức khen thưởng khác.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn 2020 - 2025, Tổng cục ĐBVN sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, chú trọng đến công tác an toàn giao thông, an toàn lao động, nâng cao hơn nữa chất lượng đảm bảo an toàn giao thông.
Trang Lê