Phong trào thi đua tạo động lực mạnh mẽ, đưa Tuyên Quang đổi mới và phát triển
31/08/2020 - 15:17

TĐKT - Trong những năm qua, phát huy truyền thống thi đua yêu nước theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn đoàn kết, sáng tạo, ra sức thi đua vượt qua mọi khó khăn, thách thức phấn đấu xây dựng quê hương Tuyên Quang phát triển nhanh, bền vững, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. 

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, công tác thi đua, khen thưởng đã bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị; chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua ngày càng được nâng lên và phát triển ở tất cả các lĩnh vực, các địa bàn trong toàn tỉnh.

Phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới” đã được các cấp, các ngành vào cuộc mạnh mẽ, nhân dân đồng tình hưởng ứng. Cán bộ, đảng viên đã ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong tham mưu, chỉ đạo, vận động tuyên truyền, tổ chức triển khai và chung sức xây dựng nông thôn mới. Người dân phát huy tốt vai trò làm chủ trong việc tham gia đóng góp ý kiến khi xây dựng kế hoạch, mục tiêu, đáp ứng nguyện vọng của người dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, góp phần làm cho diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt, đời sống vật chất, đời sống văn hóa tinh thần của người dân được nâng cao. Nhiều vùng nông thôn đã xây dựng và hình thành mô hình cảnh quan xanh, sạch, đẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh có 46 xã đạt chuẩn nông thôn mới, số tiêu chí bình quân đạt trên 15 tiêu chí/xã. Phấn đấu hết năm 2020, có 3 xã hoàn thành đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; đến năm 2025, có ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trên tổng số xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.

 

Tuổi trẻ huyện Lâm Bình và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tuyên Quang phối hợp làm đường bê tông nông thôn tại thôn Bản Kè B, xã Lăng Can (Lâm Bình).

Phong trào thi đua “Tuyên Quang chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” được cả hệ thống chính trị và người dân quan tâm thực hiện. Các cấp, các ngành triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, dự án, chính sách giảm nghèo phù hợp với điều kiện, đặc thù, khả năng huy động nguồn lực của tỉnh. Trong đó, chú trọng hỗ trợ giảm nghèo đối với các huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm từ 27,81% đầu năm 2016 xuống còn 11,8% cuối năm 2019, bình quân giảm 4%/năm (vượt kế hoạch đề ra); năm 2020, phấn đấu giảm thêm 2,06% tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh (từ 11,8% xuống còn 9,74%).

 

Trên địa bàn tỉnh hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao

Phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” được triển khai sâu rộng đến các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích, phát triển doanh nghiệp, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ doanh nhân, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân trong tỉnh tăng cả về số lượng, chất lượng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, có những đóng góp cụ thể vào sự phát triển của tỉnh, tạo việc làm cho người lao động, tích cực tham gia các chương trình an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa trên địa bàn tỉnh.

Phong trào thi đua trong phát triển kinh tế đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,18%; thu ngân sách năm 2020 dự kiến đạt 2.309 tỷ đồng, tăng 61,1% so với năm 2015; Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 ước đạt 18.029 tỷ đồng, bình quân tăng 12,1%/năm; sản lượng thép, gỗ tinh chế, điện thương phẩm, điện sản xuất, bột giấy, xi măng... tăng khá so với kế hoạch; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được xây dựng đáp ứng nhu cầu sản xuất, thu hút, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 37 dự án sản xuất công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp - xây dựng.

Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Tuyên Quang thi đua thực hiện văn hóa công sở” được Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện tốt. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thực hiện nội dung “Thi đua xây dựng cơ quan, tổ chức, đơn vị văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp” gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa dịch vụ hành chính công. Nội dung “Thi đua thực hiện kỷ cương, trách nhiệm, tận tụy, chuyên nghiệp” được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia thực hiện, góp phần thay đổi phong cách, thái độ phục vụ tổ chức, nhân dân tại các cơ quan, đơn vị, địa phương;  từng bước góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tinh thần cầu thị, lắng nghe, có thái độ làm việc tận tụy, tâm huyết, nghiêm túc, trách nhiệm, không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách trước những khó khăn, bức xúc của người dân.

Cùng với các phong trào thi đua của toàn quốc, ở ngành nào, địa phương nào cũng có những phong trào thi đua, với hình thức tổ chức phong phú, nội dung thiết thực, động viên và lôi cuốn đông đảo quần chúng nhân dân tham gia như: Phong trào thi đua “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Dân vận khéo”, “Xây dựng cơ quan văn hóa kiểu mẫu”, “Thi đua quyết thắng”, "Vì an ninh Tổ quốc"... Các phong trào thi đua đã khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trong việc xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa và trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh.

Có thể nói, phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Tuyên Quang trong 5 năm qua đã thực sự là động lực, động viên, thu hút sự tham gia đông đảo các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trong tỉnh, tạo sự đồng tâm, hiệp lực, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, tạo đà cho tỉnh Tuyên Quang tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo.

Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, nhiều tập thể, cá nhân của tỉnh đã được khen thưởng kịp thời. Trong 5 năm qua, đã có 295 tập thể và cá nhân tiêu biểu, xuất sắc được Đảng, Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý và Huân, Huy chương các loại; hàng nghìn tập thể, cá nhân được tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng của các cấp, các ngành. Đó là biểu hiện sinh động, tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, phát huy sức mạnh và sức sáng tạo của các tập thể, cá nhân; tạo động lực mạnh mẽ và góp phần thiết thực vào những thành công trong công cuộc đổi mới và phát triển tỉnh Tuyên Quang.

Nguyệt Hà