Phong trào Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô: Hướng khen thưởng về cơ sở
16/08/2016 - 00:00
TĐKT – Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý chung của cả dân tộc, chúng ta phải ra sức làm cho nó dồi dào thêm và lan rộng mãi. Ban đầu thì lan khắp một đơn vị, một nhà máy, một làng… dần dần lan tràn khắp cả quân đội, cả ngành công nghiệp, cả nước. Sáng kiến và kinh nghiệm cũng như những con suối nhỏ chảy vào sông to, như sông to vào biển cả. Không biết quý trọng và phổ biến sáng kiến tức là lãng phí của dân tộc”. Từ lời dạy của Bác, các cấp công đoàn Hà Nội đã tích cực duy trì phát động và triển khai hiệu quả phong trào Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô trong nhiều năm qua.

Công đoàn Thủ đô luôn chủ động, sáng tạo

Năm 2016, tròn 10 năm phong trào Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô được triển khai thực hiện, đã khẳng định được tác dụng to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, được đông đảo cộng đồng doanh nghiệp và công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) mọi lĩnh vực tích cực hưởng ứng, từ đơn vị sản xuất, kinh doanh đến nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, y tế, môi trường và quản lý Nhà nước... “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” đã trở thành một phong trào hành động cách mạng sôi nổi của TP Hà Nội.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Nguyễn Văn Ngàng đánh giá, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu, nghiêm túc, sáng tạo trong triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước trong hệ thống công đoàn Việt Nam.

Phong trào Lao động sáng tạo do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động năm 1996, qua thời gian tổ chức triển khai đã tạo ra sức lan tỏa lớn, được đông đảo các cấp chính quyền, công đoàn, chủ doanh nghiệp và người lao động Thủ đô hưởng ứng mạnh mẽ. Tuy nhiên, phong trào cũng dần bộc lộ những hạn chế cần được nghiên cứu, điều chỉnh và bổ sung. Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện phong trào Lao động sáng tạo (1996 - 2006) đã chỉ ra rằng: cần nghiên cứu, điều chỉnh và tiếp tục phát triển phong trào Lao động sáng tạo phù hợp với tình hình mới, khi mà quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới ở nước ta đang diễn ra mạnh mẽ, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh, đặc biệt là Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới WTO. Vấn đề đặt ra đối với đội ngũ CNVCLĐ và các doanh nghiệp là phải tạo ra một năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn, với những sản phẩm hàng hóa có thể đứng vững trước những thách thức khó khăn của quá trình hội nhập.

Trước những đòi hỏi đặt ra, LĐLĐ Hà Nội đã đề xuất với UBND TP ban hành quyết định số 2036/QĐ - UBND ngày 3/5/2006 về việc thành lập Ban chỉ đạo phong trào “Lao động sáng tạo khoa học kỹ thuật” trong CNVCLĐ Thủ đô. Sau một năm phát động, cùng với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố và sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành, đặc biệt là tổ chức công đoàn các cấp, phong trào đã được triển khai đến đông đảo đội ngũ CNVCLĐ trên toàn địa bàn, tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng đến từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2007) lần đầu tiên LĐLĐ Hà Nội tổ chức Lễ tôn vinh “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”, đã có 160 cá nhân và các sản phẩm, đề tài nghiên cứu xuất sắc được xét chọn tôn vinh. Bắt đầu từ năm 2007, phong trào Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô đã được UBND thành phố ban hành Quy chế xét tặng theo Quyết định số 90/2007/QĐ - UBND ngày 08/8/2007 và trở thành danh hiệu thi đua chung của TP Hà Nội, được tổ chức hàng năm.

 Qua thời gian phát động, triển khai, phong trào đã thực sự có bước chuyển biến mạnh mẽ về chất, đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo, y tế, môi trường và quản lý nhà nước, được các đơn vị, doanh nghiệp và đông đảo đội ngũ CNVCLĐ tích cực hưởng ứng. Góp phần quan trọng giải quyết khó khăn, ách tắc trong sản xuất, kinh doanh, kiềm chế lạm phát, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô thời gian qua. Ban đầu phong trào chủ yếu tập trung ở khối doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành Công thương quản lý và các đơn vị thuộc khối giáo dục, y tế, thì đến nay phong trào đã lan tỏa ra tất cả các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI.

Phong trào hướng khen thưởng về cơ sở

Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Đặng Minh Thuần cho biết: điểm nhấn của phong trào Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô chính là đã chuyển trọng tâm thi đua khen thưởng về cơ sở, động viên, khen thưởng những nhà quản lý, nhà khoa học và CNVCLĐ trực tiếp có thành tích sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh.

 

Ngày càng có nhiều điển hình hay, cách làm tốt ở cơ sở được tôn vinh qua phong trào Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô

Hàng năm LĐLĐ đã phối hợp với UBND TP Hà Nội xây dựng kế hoạch chỉ đạo triển khai và tổ chức phát động phong trào ngay từ đầu năm, với những nội dung thiết thực, tiêu chí phù hợp, đồng thời đưa ra biện pháp chỉ đạo thực hiện, gắn phong trào với các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp. Thực hiện kế hoạch, chỉ đạo của thành phố, UBND và LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, lãnh đạo các sở, ngành cũng đã có sự phối hợp tổ chức phát động thi đua ở cấp mình, ngành mình. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp thuộc đơn vị, địa phương quản lý tuyên truyền, động viên, khuyến khích CNVCLĐ trên mỗi vị trí công tác của mình phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cải tiến lề lối làm việc, phấn đấu đạt danh hiệu Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô. Kiện toàn Hội đồng sáng kiến của các đơn vị, tổ chức bình xét công bằng, minh bạch, chính xác, khen thưởng, động viên kịp thời những CNVCLĐ có những sáng kiến, kinh nghiệm mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa xã hội. Từ đó, xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, tuyên truyền rộng rãi về những tấm gương điển hình để mọi người học tập và noi theo.

Qua 10 năm phát động, triển khai phong trào, đã có 125.358 sáng kiến được công nhận ở cấp cơ sở, 10.052 sáng kiến được công nhận ở cấp trên cơ sở. Từ những sáng kiến, kinh nghiệm từ cấp cơ sở và cấp trên cơ sở, Hội đồng tư vấn đã tham mưu, xét chọn, đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng bằng công nhận Sáng kiến, sáng tạo thủ đô cho 959 cá nhân, trong đó có 650 sáng kiến, với số tiền làm lợi 1.390 tỷ đồng. Nhiều điển hình tiên tiến được phát hiện và tôn vinh.

Mỗi phong trào thi đua tốt sẽ là một động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Vươn ra hội nhập, Việt Nam cần có thêm nhiều phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả như Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô.

Mai Thảo