Phó Chủ tịch nước: Nâng cao hiệu quả công tác thi đua các tỉnh Tây Nam bộ trong bối cảnh bình thường mới
03/04/2022 - 13:06

Như tin đã đưa, sáng 1/4, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Thi đua Khen thưởng (TĐKT) Trung ương đã tham dự Hội nghị tổng kết Giao ước thi đua năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022 Cụm Thi đua các tỉnh Tây Nam bộ tại Phú Quốc (Kiên Giang).

Phó Chủ tịch nước và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VPCT

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch nước ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực cố gắng và những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác TĐKT của 12 tỉnh trong Cụm Thi đua các tỉnh Tây Nam Bộ trong năm 2021, những tháng đầu năm 2022. Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, năm 2021, cả nước nói chung, đặc biệt là các tỉnh Tây Nam bộ nói riêng gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4 diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế và đời sống, sức khỏe của nhân dân. Đối với công tác TĐKT, còn là năm đầu thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát KT-XH hằng năm và Kế hoạch 05 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng; Phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19" và rất nhiều phong trào, cuộc vận động lớn của Trung ương, các ngành, các cấp.

Phó Chủ tịch nước phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VPCTN

Tuy nhiên, phong trào thi đua của 12 tỉnh trong Cụm đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân; bảo đảm an sinh xã hội; phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều tỉnh trong cụm vươn lên thoát khỏi mức tăng trưởng âm; có 9/12 tỉnh tăng trưởng dương, trong đó Bạc Liêu cao nhất đạt 5,05%.

Đặc biệt, công tác phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe Nhân dân đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, góp sức của doanh nghiệp và người dân; đã triển khai nhiều giải pháp và thực hiện tốt việc kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; tổ chức tiêm vaccine cho nhân dân. Hầu hết các tỉnh trong Cụm thi đua đạt 100% số xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế như Kiên Giang đạt 104%, Long An đạt 102%.

Phó Chủ tịch nước ghi nhận và tri ân đóng góp to lớn, sự hy sinh quên mình của nhiều cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an, bác sỹ, y tá và các lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch; những tấm lòng hảo tâm của đồng bào và chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước.

Trao cờ luân lưu cho đơn vị Cụm trưởng năm 2022. Ảnh: VPCTN

Nhấn mạnh nước ta đang bước sang giai đoạn bình thường mới, phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, do đó, công tác TĐKT của Cụm cần kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được, có cách phát triển hài hòa, phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, tiếp tục đổi mới để phong trào thi đua đi vào đời sống một cách thiết thực, hiệu quả, tạo động lực góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Theo đó, cần tiếp tục quán triệt, triển khai, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, nhất là quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với thực hiện tốt Chỉ thị số 34, ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần tăng cường chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hướng công tác thi đua vào nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá. Mỗi cán bộ, đảng viên cần tiếp tục phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu, thực sự là hạt nhân trong các phong trào thi đua.

Phong trào thi đua phải gắn với những giá trị văn hóa của dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, kết hợp với xây dựng văn hóa con người mới, phát huy giá trị văn hóa gia đình Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại, gắn kết lợi ích của đất nước hài hòa với lợi ích của từng cộng đồng, doanh nghiệp, cá nhân.

Chứng kiến các đơn vị trong Cụm ký kết giao ước thi đua. Ảnh VPCTN

Trên cơ sở đó, việc tổ chức phong trào thi đua phải xác định mục tiêu, nội dung cụ thể, thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm tình hình của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Cần tập trung về hướng về cơ sở, lấy công việc hàng ngày làm nền tảng. Hình thức thi đua cần phong phú, hấp dẫn với đối tượng, chủ thể thi đua; chủ đề, tên gọi, tiêu chí thi đua cụ thể, dễ nhớ, dễ lan tỏa. Công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết phải được tiến hành nghiêm túc. Quá trình triển khai phong trào thi đua phải định hướng xây dựng điển hình tiên tiến, nhanh chóng phát hiện các điển hình tiến tiến nảy sinh trong phong trào, kịp thời truyền thông lan tỏa.

Cụm Thi đua Tây Nam bộ cần nghiên cứu để có hình thức thi đua liên kết vùng, nhất là phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với phong trào thi đua thường xuyên, cần phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề; tiếp tục đổi mới toàn diện, sáng tạo trong tổ chức các phong trào thi đua cả về nội dung và hình thức, phương thức tổ chức.

Thông qua các phong trào thi đua để phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần đánh giá, lựa chọn các điển hình tốt để nêu gương, học tập, tạo điều kiện để các điển hình phát huy được tác dụng và có sức lan toả rộng lớn trong xã hội. Chú trọng áp dụng công nghệ thông tin kết hợp tổ chức truyền thông trong tổ chức phong trào thi đua, coi đây là phương thức quan trọng để giúp phong trào phát triển…

Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: VPCTN

Theo báo cáo của tại hội nghị về kết quả các phong trào thi đua của 12 tỉnh trong Cụm Thi đua các tỉnh Tây Nam bộ: Tổng số thu ngân sách của cả Cụm thi đua đạt so với kế hoạch đề ra, đạt gần 88.000 tỷ đồng.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của cả Cụm Thi đua đạt gần 18 tỷ USD (đạt 94,11% kế hoạch). Một số tỉnh đạt và vượt chỉ tiêu như: Sóc Trăng đạt 128%; An Giang đạt 118%; Trà Vinh đạt 104%; Cà Mau đạt 101%.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; tổng vốn đầu tư toàn xã hội của cả Cụm Thi đua đạt gần 300 nghìn tỷ đồng, bằng 93.95% kế hoạch; một số tỉnh thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch, như: Sóc Trăng đạt 126%, Trà Vinh đạt 105%, Hậu Giang đạt 102.51%, An Giang và Bạc Liêu đạt 100%.

Công tác lao động, giải quyết việc làm và thực hiện chính sách an sinh xã hội tiếp tục được triển khai đồng bộ các chế độ, chính sách đối với gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa được quan tâm triển khai thực hiện, đạt được nhiều kết quả tích cực

Đã triển khai có hiệu quả 4 phong trào thi đua do Thủ tướng phát động đó là: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp VN hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” và “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”.

Phó Chủ tịch nước và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VPCTN

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VPCTN

Từng địa phương trong cụm đều có các mô hình mới, cách làm hay, cần được nhân rộng, phát huy, tiêu biểu như: tỉnh Bạc Liêu đã phát động đợt thi đua cao điểm tiến tới bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tỉnh Bến Tre phát động phong trào thi đua “Đồng Khởi mới”, với phương châm “Hai chân - Ba mũi”, xác định rõ nội dung, phương thức thi đua và trách nhiệm tổ chức triển khai của các cơ quan trong hệ thống chính trị; tỉnh Đồng Tháp phát động phong trào thi đua đặc biệt “Đồng Tháp - Đất Sen hồng đồng lòng chống dịch Covid-19”; tỉnh Kiên Giang phát động phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh”...

Tại hội nghị, các đơn vị đã tham luận, đưa ra nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu công tác TĐKT năm 2022.

Theo vpctn.gov.vn