TĐKT - Sáng 9/4, tại Hà Nội, Cụm thi đua 5 thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện giao ước thi đua năm 2020, phát động và ký giao ước thi đua năm 2021. Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương dự và phát biểu.
Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Phạm Thị Kim Oanh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, đại diện lãnh đạo Vụ Thi đua, Khen thưởng Văn phòng Chủ tịch nước và Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương; đại diện lãnh đạo 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm các đồng chí: Chu Ngọc Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội; Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng; Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng…
Hội nghị tổng kết thực hiện giao ước thi đua năm 2020, phát động và ký giao ước thi đua năm 2021 Cụm 5 thành phố trực thuộc trung ương
Năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng và các ngày kỷ niệm lớn của đất nước. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã xuất hiện và bùng phát trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội... Các thành phố thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp hơn so với dự báo.
Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc, Đảng bộ, chính quyền và các nhân dân 5 thành phố đã tổ chức triển khai các giải pháp đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng từ thành phố đến cơ sở; trong đó, tập trung thực hiện “mục tiêu kép” - vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời gắn liền với triển khai 4 phong trào thi đua lớn do Thủ tướng Chính phủ phát động“Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” gắn với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội phát biểu khai mạc hội nghị
Đáng ghi nhận, năm 2020, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, 5 thành phố đã ban hành kế hoạch, chương trình hành động, coi trọng triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhờ vậy, kinh tế - xã hội của Cụm thi đua 5 thành phố trực thuộc trung ương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các thành phố đề ra cho cả nhiệm kỳ. Kinh tế 5 thành phố tiếp tục tăng trưởng tốt, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tổng thu ngân sách 5 thành phố năm 2020 đạt 774 nghìn tỷ đồng (bằng 51,4% thu ngân sách của cả nước); xuất khẩu đạt 99,6 tỷ USD (bằng 35,4% xuất khẩu của cả nước); giá cả thị trường ổn định, lạm phát được kiểm soát; công tác xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả tích cực; quốc phòng, an ninh được củng cố…
Một ghi nhận quan trọng khác của 5 thành phố trong năm 2020 đó là đã chủ động huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và xã hội trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Ban Chỉ đạo của các thành phố nắm chắc tình hình, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, sát sao công tác phòng, chống dịch theo các cấp độ, kịp thời xử lý ngay những vấn đề phát sinh. Kịp thời khống chế dịch Covid-19 và sớm thiết lập “trạng thái bình thường mới” để tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ đạo thực hiện kịp thời, đầy đủ chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, nhất là dịp Tết Nguyên đán và ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...
Đại diện lãnh đạo 5 thành phố trực thuộc trung ương ký kết giao ước thi đua năm 2021
Phát huy kết quả đạt được, năm 2021, 5 thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh năm 2021 với các nhiệm vụ trọng tâm: Phát động thi đua tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thi đua, khen thưởng; nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị.
Đồng thời, tập trung quyết liệt thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới với tinh thần “Đoàn kết - Sáng tạo - Thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Tổ chức tốt các phong trào thi đua gắn với việc kỷ niệm các ngày lễ lớn. Đẩy mạnh phong trào thi đua trong lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng bộ máy tổ chức nhà nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tổ chức bình chọn, xét duyệt khen thưởng đúng quy trình, thủ tục. Nâng cao chất lượng công tác khen thưởng; chú trọng khen tập thể nhỏ, cá nhân là người lao động trực tiếp; khen thưởng đột xuất và khen thưởng theo lĩnh vực, nhất là khen thưởng thành tích mang tính đột phá; kịp thời phát hiện, giới thiệu, tổng kết, bồi dưỡng, tuyên truyền những tấm gương tiêu biểu xuất sắc, nhất là các nhân tố mới, các mô hình mới, tạo hiệu ứng tích cực.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương đánh giá cao vai trò đầu tàu kinh tế của Cụm thi đua 5 thành phố trực thuộc trung ương. Đồng chí khẳng định: “Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng nước ta được đánh giá là một trong số 16 nền kinh tế mới nổi thành công, thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Đóng góp vào kết quả đó có vai trò rất quan trọng của Cụm thi đua 5 thành phố trực thuộc trung ương”.
Để công tác thi đua, khen thưởng thực sự trở thành một phương thức lãnh đạo của Đảng, một công cụ quản lý của Nhà nước và là động lực để xây dựng con người mới như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X, thay mặt Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, đồng chí Nguyễn Đình Khang đề nghị Cụm thi đua 5 thành phố trực thuộc trung ương tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm:
Một là, tiếp tục tổ chức các phong trào thi đua có mục tiêu thiết thực, cụ thể gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương gắn với 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược, các mục tiêu, chỉ tiêu định hướng phát triển kinh tế, xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trước mắt là tổ chức thành công đợt thi đua thực hiện thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tiếp tục đổi mới toàn diện, phát huy tinh thần sáng tạo trong tổ chức phong trào thi đua thiết thực, tránh hình thức lối mòn. Các phong trào thi đua cần có nội dung, tiêu chí cụ thể, rõ ràng để dễ thực hiện, kiểm tra, giám sát; huy động được sự tham gia đông đảo và sự hưởng ứng tích cực của người dân.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả giai đoạn 2 phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” 2021 - 2025; chuẩn bị tiến hành tổng kết phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; tiếp tục triển khai đồng bộ ở các ngành, các cấp phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, thi đua thực hiện văn hóa công sở”, "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp giữa cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng với các cơ quan thông tin đại chúng để kịp thời phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiến tiến, nêu gương người tốt việc tốt nhằm thúc đẩy, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là tuyên truyền các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc, các điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; những tấm gương có thành tích xuất sắc trong công tác, lao động, học tập, chiến đấu…
Ba là, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và thực chất, bảo đảm kịp thời, đúng qui định, công khai, minh bạch. Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan và cơ quan thông tin, truyền thông kịp thời nắm bắt dư luận và công khai các tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng. Công tác khen thưởng phải gắn với kết quả phong trào thi đua và thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, thực sự có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc khen thưởng cho các điển hình tiên tiến. Quan tâm tới việc khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất; khen thưởng đột xuất, khen thưởng theo chuyên đề; tăng cường phát hiện các điển hình tiên tiến để động viên khen thưởng kịp thời.
Bốn là, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, phát huy vai trò, trách nhiệm của các Thành viên Hội đồng, đồng thời tăng cường hơn nữa trách nhiệm, vai trò của cơ quan chuyên trách trong việc tham mưu thực hiện công tác thi đua, khen thưởng. Tiếp tục góp ý xây dựng dự thảo Luật Thi đua - Khen thưởng để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Năm là, tiếp tục củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp theo hướng ổn định, thống nhất từ trung ương đến địa phương như hiện nay, đảm bảo chất lượng, có phẩm chất chính trị, tinh thông nghề nghiệp, có khả năng nghiên cứu, tham mưu thực hiện công tác thi đua, khen thương như kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp thứ 77 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
Lãnh đạo Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương và TP Hà Nội tặng hoa cho đơn vị Cụm trưởng, Cụm phó năm 2021.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo 5 thành phố trực thuộc Trung ương đã tiến hành ký kết giao ước thi đua năm 2021 và suy tôn TP Hồ Chí Minh làm Cụm trưởng và TP Đà Nẵng làm Cụm phó Cụm thi đua năm 2021. Đồng thời, Hội nghị cũng thống nhất đề nghị khen thưởng Cờ thi đua Chính phủ tặng cho 2 thành phố dẫn đầu phong trào thi đua năm 2020: TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; Bằng khen Thủ tướng Chính phủ cho 2 thành phố Cần Thơ và Hải Phòng.
Mai Thảo