TĐKT - Sáng 28/4, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2021), phát động Tháng Công nhân và phối hợp với Ban Chỉ đạo Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) phát động Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu.
Cùng dự có: Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng; nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phạm Thế Duyệt; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài.
Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ôn lại truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân thế giới, trong đó có đóng góp của giai cấp công nhân Việt Nam và ý nghĩa to lớn của Ngày Quốc tế Lao động 1/5.
Sau 35 năm đổi mới, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành, nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thực hiện khát vọng dân tộc.
Năm 2021, kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5), 75 năm Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức trọng thể lần đầu tiên tại Thủ đô Hà Nội của nước Việt Nam độc lập, cũng là năm thứ 10 các cấp công đoàn triển khai “Tháng Công nhân” theo kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chọn chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, vượt khó, phát triển” gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó tập trung vào các chương trình: “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” - tuyên dương đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động; “Lắng nghe - Thấu hiểu - Chia sẻ”; các hoạt động “Cảm ơn người lao động”. Đến nay, chương trình: “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” đã nhận được hơn 245 nghìn sáng kiến của công nhân, viên chức, lao động cả nước…
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ.
Hoạt động Tháng Công nhân qua 9 năm tổ chức đã dần đi vào chiều sâu, tập trung vào các nhiệm vụ cốt lõi là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Từ phương châm “Mỗi công đoàn cơ sở - Một lợi ích đoàn viên”, các cấp công đoàn đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo, đề xuất và tổ chức nhiều hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên, người lao động. Đến nay, hàng chục triệu lượt CNLĐ được thăm hỏi, tặng quà, khám sức khỏe… dịp Tháng Công nhân với số tiền hàng chục nghìn tỷ đồng.
Riêng 5 năm qua, đã có hơn 1 triệu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giải pháp hữu ích trong sản xuất với tổng giá trị làm lợi lên tới hơn 198 nghìn tỷ đồng; từ năm 2016, dịp Tháng Công nhân hằng năm, Tổng LĐLĐVN tham mưu đề xuất tổ chức chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với CNLĐ. Đến nay, người đứng đầu Chính phủ đã 6 lần trực tiếp gặp gỡ lắng nghe, chỉ đạo giải quyết những khó khăn, bất cập trong chính sách để chăm lo tốt hơn cho CNVCLĐ.
Tại buổi lễ, thay mặt Ban chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương, đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) chính thức phát động Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021 với chủ đề “Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ và tham gia của an toàn vệ sinh viên”.
Trong đó nhấn mạnh, các cấp, các ngành và toàn thể CNLĐ cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu về đảm bảo an toàn, sức khỏe người lao động trong xây dựng chương trình, kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết Đại hội XIII và nghị quyết của các cấp ủy; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, chủ động và tăng cường sự tham gia của người lao động, đặc biệt là lực lượng an toàn, vệ sinh viên trong kiểm soát các nguy cơ, rủi ro mất ATVSLĐ tại nơi làm việc, nhất là trong điều kiện thường xuyên phòng, chống dịch COVID-19; cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính, đổi mới các hoạt động thông tin, tuyên truyền; xây dựng và nhân rộng các mô hình, sáng kiến cải thiện điều kiện lao động để lan tỏa trong cộng đồng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai công tác ATVSLĐ.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong tiến trình phát triển của cách mạng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt tới giai cấp công nhân, người lao động và tổ chức công đoàn. Giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là sau 35 năm đổi mới, đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thực hiện khát vọng dân tộc.
Chủ tịch nước đánh giá cao sáng kiến tổ chức “Tháng Công nhân” lần thứ 10, năm 2021 với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, vượt khó, phát triển” gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và tổ chức chương trình “75 nghìn sáng kiến - vượt khó, phát triển” và gắn với các hoạt động về ATVSLĐ, tạo sức mạnh cộng hưởng nguồn lực và những hoạt động thiết thực ở cấp ủy, chính quyền và doanh nghiệp trong việc quan tâm, bảo vệ người lao động.
Chủ tịch nước đề nghị các cấp công đoàn cần tiếp tục đổi mới cách thức hoạt động, đi sâu, đi sát với đời sống đoàn viên công đoàn, NLĐ; vui với niềm vui của người lao động, buồn với nỗi buồn của NLĐ. Các sáng kiến phải thiết thực, các chương trình phải hiệu quả, cách làm phải sáng tạo. Tất cả hướng đến thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân. Các cấp ủy và người đứng đầu chính quyền, doanh nghiệp định kỳ gặp gỡ, lắng nghe và đối thoại với công nhân, giải quyết kịp thời những vấn đề công nhân quan tâm, bức xúc, trong đó tập trung vào các tồn tại nhiều năm như vấn đề nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà trẻ - trường học, văn hoá giải trí, điều kiện lao động...Phát động và triển khai sâu rộng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ, gắn với mục tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết đại hội đảng các cấp.
Khơi dậy trong đoàn viên, người lao động cả nước tinh thần đổi mới sáng tạo, khát khao cống hiến, quyết tâm chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu; tự tin, tự giác, tự hào khi được đóng góp trí tuệ, nhiệt huyết của mình cho sự phát triển của đất nước. Biểu dương, khen thưởng kịp thời người lao động, những tập thể có sáng kiến hiệu quả, thành tích nổi bật, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội.
Dịp này, Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen cho 4 tập thể, cá nhân; Tổng LĐLĐ Việt Nam trao 5 Cờ thi đua, Bộ LĐTB&XH trao 5 Cờ thi đua nhằm ghi nhận, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai công tác ATVSLĐ.
Mai Thảo