BTĐKT - Thời gian qua, mô hình điểm “Tín dụng chính sách đồng hành cùng người dân vượt khó” của Đảng ủy Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Ninh Bình đã tác động sâu rộng, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người lao động trong việc hỗ trợ người dân, nhất là các đối tượng người lao động, người nghèo, người yếu thế được tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước. Qua đó, giúp người dân vượt qua khó khăn sau dịch bệnh COVID-19, đẩy lùi tín dụng đen, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình anh Đinh Văn Bộ, thị trấn Yên Ninh đã có điều kiện phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo
Cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả chủ đề công tác năm của Tỉnh ủy, các nghị quyết của Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Ninh Bình về phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, về xây dựng văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, năm 2022, Đảng ủy Ngân hàng CSXH tỉnh đã chọn ra mắt và ký cam kết thực hiện mô hình "Tín dụng chính sách đồng hành cùng người dân vượt khó". Đây là một trong 15 mô hình điểm được Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh chỉ đạo thực hiện.
Ông Phạm Đức Cường, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Để đảm bảo mô hình được triển khai nghiêm túc, có hiệu quả, chúng tôi phân công nhiệm vụ cho đảng ủy viên phụ trách các chi bộ để lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện mô hình. Duy trì mối quan hệ giữa Đảng ủy với tập thể lãnh đạo chi nhánh đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất, dân chủ, bàn bạc kịp thời, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình chỉ đạo điều hành triển khai các giải pháp thực hiện. Quán triệt, động viên toàn thể cán bộ, người lao động phát huy năng lực, tính chủ động, sáng tạo, làm tốt chức năng tham mưu, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị hàng năm; sâu sát cơ sở, gần dân, sát dân, từ đó hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn và đồng hành cùng người dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn đó.
Qua khảo sát, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhu cầu vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh và giải quyết việc làm cho lao động mất việc là rất lớn. Để tạo lập nguồn, Ngân hàng đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Trọng tâm là tham mưu cho UBND các cấp chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Kết quả, từ tháng 3/2022 đến tháng 3/2024, UBND các cấp đã chuyển hơn 236 tỷ đồng và đã có hơn 2.947 tập thể, cá nhân tham gia gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng CSXH, với tổng số tiền gần 275 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH tỉnh còn phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác vận động, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tạo lập thói quen tiết kiệm gửi tiền hàng tháng thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn để có nguồn trả nợ và tạo nguồn cho vay cho các thành viên. Vì vậy, nguồn vốn tín dụng tăng trưởng mạnh và đạt cao nhất từ khi thành lập chi nhánh đến nay. Tính đến ngày 22/3/2024, đạt gần 3.955 tỷ đồng, tăng hơn 1.075 tỷ đồng so với thời điểm ngày 22/3/2022.
Sau 2 năm triển khai, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, Ban Giám đốc chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh và sự nỗ lực của tập thể cán bộ, người lao động trong đơn vị, mô hình "Tín dụng chính sách đồng hành cùng người dân vượt khó" đã đạt được những kết quả quan trọng.
Nguồn vốn tín dụng tăng trưởng mạnh và được quản lý chặt chẽ, tổng nguồn vốn tính đến ngày 22/3/2024 đạt trên 3.954 tỷ đồng, tăng hơn 1.075 tỷ đồng so với thời điểm ngày 22/3/2022. Doanh số cho vay đạt gần 2.439 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt trên 3.946 tỷ đồng.
Thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã thực hiện hỗ trợ lãi suất 2% cho 45 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách, với số tiền hỗ trợ lãi suất là 34,9 tỷ đồng; gia hạn thời gian trả nợ cho hơn 4.400 hộ nghèo.
Trong 2 năm, đã có trên 54 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng CSXH, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 3,07% cuối năm 2021 xuống còn 1,86% cuối năm 2023; thu hút và tạo việc làm cho trên 20 nghìn lao động; giúp cho gần 2.800 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng, cải tạo trên 50 nghìn công trình nước sạch; hỗ trợ xây dựng gần 400 ngôi nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Việc triển khai mô hình đã góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Ngân hàng CSXH trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội của Đảng, Nhà nước. Khơi dậy ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong toàn đơn vị trong việc gần dân, sát dân, với phương châm "Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ". Từ đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, giải thích, hướng dẫn, khắc phục sự tự ti, khơi dậy ý chí vươn lên của hộ nghèo và các đối tượng chính sách để giúp họ mạnh dạn tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập. Qua đó, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân.
Bình Nguyên