TĐKT - Chiều 21/9, những vệt nắng khẽ lướt qua kẽ lá khiến lòng người chênh chao nhưng lại có một niềm tin chiến thắng rất gần. Một giờ cho chuyến hành trình “thần tốc”; chuông đồng hồ điểm 13h30 cũng là lúc khoa chúng tôi cũng như các khoa khác của bệnh viện nhận được lệnh lên đường chi viện cho miền Nam thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Mệnh lệnh ‘thần tốc’’ như tái hiện lại những ngày tháng tư lịch sử cách đây 41 năm trong đại thắng mùa xuân năm 1975. Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bức điện lịch sử “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, lên đường nhận nhiệm vụ”.
Dù đã được báo trước nhưng anh chị em những người ở lại hay những người chuẩn bị lên đường đều hồi hộp, có bác sĩ chưa kịp ăn bữa cơm trưa… hành trang gói ghém thật nhanh là chiếc ba lô và một vài tư trang cần thiết, cũng như những phương tiện phòng hộ cá nhân đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn đã được Bệnh viện trang bị. Khoa tôi có 4 đồng chí vinh dự được lựa chọn trong đợt này đều là những đồng chí “vừa hồng vừa chuyên”.
Y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 lên đường hỗ trợ các tỉnh phía Nam phòng, chống đại dịch Covid-19
Nhớ lại khoảnh khắc khi nhận được lệnh, tôi gọi điện bác sĩ Phạm Thế Thọ, anh vẫn còn trong phòng can thiệp để thực hiện các kỹ thuật cho người bệnh… Thọ chỉ kịp nói với tôi: “Chị ơi chiều nay bay luôn ạ?” rồi em tiếp tục làm công việc của mình nhanh chóng, an toàn. Sau đó, gấp rút trở lại khoa chuẩn bị kịp những hành trang nhỏ bé cho chuyến hành trình. Bác sĩ Thọ cũng như rất nhiều các bác sĩ trẻ của bệnh viện mang theo hành trang là trí tuệ, quyết tâm cao, cũng như tinh thần sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ của bệnh viện.
Cũng như bác sĩ Thọ, điều dưỡng Nguyễn Quý Quyền vừa đón bệnh nhân vào viện trong ca trực thì có lệnh lên đường. Bàn giao lại nhiệm vụ cho người ở lại, em cũng nhanh chóng chuẩn bị tư trang cần thiết, trong ánh mất ấy thấy được sự tự hào và niềm tin… Tôi biết, đằng sau vẻ bề ngoài cứng rắn đó thì có một chút lo cho bố mẹ già ở nhà khi biết tin em có chuyến đi đặc biệt. Nhưng em đã nói với tôi rằng “Cuộc chiến này còn dài chị ạ. Chính tập thể khoa đã cho em sức mạnh và sự tự tin để em vững vàng hơn!”. Có lẽ đối với em, khi khoác trên mình chiếc áo màu xanh, trên vai là màu cờ đỏ thì niềm tự hào, trách nhiệm với nhân dân với đồng bào được đặt lên trên tất cả.
Quyết tâm chiến thắng Covid-19 của người lính mang trên mình 2 màu áo (Bác sĩ Phạm Thế Thọ đứng thứ 2 từ phải sang)
Trong cái hanh hao của vệt nắng chiều, lắng lòng lại một chút với cuộc gọi dặn dò con gái của mẹ điều dưỡng Mai Thị Mai Anh. Khi chuẩn bị lên xe thì cuộc gọi của mẹ đến, tôi thấy được ánh mắt ấy rưng rưng nhưng em kịp dừng lại một vài giây rồi bước vội lên xe hòa vào đoàn công tác. Tôi tin em sẽ luôn hoàn thành thật tốt vai trò của mình trong chuyến đi đặc biệt này để trở về bình an bên cha mẹ và cậu con trai nhỏ.
Trong số các bạn lên đường, điều dưỡng Tô Lan Phương là người nhỏ tuổi nhất, ánh mắt, nụ cười cũng như niềm tin, nhiệt huyết của tuổi trẻ là hành trang em mang theo bên mình vào trận chiến. Tôi tin em sẽ luôn lạc quan để hoàn thành sứ mệnh của người chiến sĩ quân y.
Ở hậu phương, chúng tôi nhất định sẽ cố gắng và cố gắng hơn nữa để hoàn thành nhiệm trung tâm của đơn vị, của bản thân mỗi người ở lại, góp một phần nhỏ bé chăm sóc sức khỏe của bộ đội, chiến sĩ và nhân dân…
Trái tim Hà Nội luôn hướng về Miền Nam ruột thịt với trọn yêu thương, gom lại những hy sinh cuộc sống đời thường để chuẩn bị cho hành trình 60 phút không chỉ của riêng những người lên chuyến bay ấy, mà cả những người ở lại, đó chính là hậu phương vững chắc nhất cho cuộc chiến với đại dịch Covid-19 này.
Cuộc chiến không tiếng súng thực sự cam co, nhưng với tinh thần đoàn kết, nhiệt huyết, trí tuệ của tuổi trẻ chúng tôi tin rằng ngày các bạn trở về sẽ rất nhanh. Mong rằng cơn gió lạnh đầu mùa thủ đô sẽ đón các bạn với những yêu thương đong đầy.
Thiếu tá QNCN Đỗ Thị Hiến,
Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện TWQĐ 108