Nhìn lại 20 năm phong trào khuyến học ở Đông Viên
06/04/2016 - 00:00

TĐKT- Trong lịch sử tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay của thôn Đông Viên xã Đông Quang (Ba Vì), thì làng có hai vị đỗ cao trong thời phong kiến là Thượng thư Lê Hữu Tá và cụ Phó bảng Trần Kỷ. Phát huy truyền thống hiếu học cha ông để lại, suốt 20 năm qua, làng Đông Viên đã xây dựng và phát huy quỹ khuyến học dòng họ, quỹ khuyến học ở thôn, từ đó xây dựng một xã hội học tập trong thôn. Đồng chí Trần Ngọc Quế, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Đông Viên cho biết, toàn thôn có 425 hộ, khoảng 2.200 nhân khẩu, cuộc sống của người dân làm nông nghiệp, buôn bán dịch vụ nhỏ… Dù giàu có hay cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng Đông Viên vẫn chăm lo cho công tác khuyến học.

Active Image

Cổng làng thôn Đông Viên

Ông Nguyễn Văn Chí, Hội trưởng hội Khuyến học thôn cho biết, “ Hội Khuyến học thôn Đông Viên hình thành và phát triển được 20 năm qua, từ đó đến nay bằng lòng từ tâm của mỗi người mà phong trào khuyến học trong thôn ngày càng phát triển”. Ông cũng cho biết toàn thôn có 14 dòng họ, thì cả 14 dòng họ đều có quỹ khuyến học. Như dòng họ Phan lớn có 17 triệu đồng, dòng họ Vũ Hồng là 12,5 triệu đồng, dòng họ Lê 6 triệu đồng, dòng họ Đỗ là 6 triệu đồng. Tổng số quỹ khuyến học của 14 dòng họ hiện nay là gần 80 triệu đồng.  Riêng quỹ khuyến học của thôn là gần 89 triệu đồng. Việc gây dựng quỹ khuyến học của thôn được triển khai từ năm 1996, đó là việc huy động sự từ tâm của mỗi người, nhất là dịp hội làng được tổ chức, việc huy động này đã được nhiều người xa quê, con em làm ăn thành đạt, nhân dân cùng đóng góp. Mỗi dòng họ có nhiều cách làm khác nhau, có dòng họ thì vào dịp phát thưởng cho con em, có dòng họ thì dịp giỗ tổ. Từ việc xây dựng quỹ, suốt 20 năm qua, các dòng họ, thôn Đông Viên đều phát thưởng cho các cháu là học sinh giỏi các cấp, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Mức khen thưởng ở các dòng họ cho các cháu là học sinh giỏi các cấp thường là vở, bút; đỗ đại học, cao đẳng có mức thưởng từ 100 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng. Còn ở cấp thôn, phần thưởng đỗ đại học là 200 nghìn đồng, cao đẳng từ 100 nghìn đồng đến 150 nghìn đồng, học sinh giỏi các cấp cũng là vở, bút, trị giá là khoảng 100 nghìn đồng. Theo ông Chí, tính bình quân hàng năm, các dòng họ trên địa bàn toàn xã đã phát thưởng cho các em trị giá từ 15 đến 18 triệu đồng, còn thôn khoảng 10 triệu đến 12 triệu đồng. Cũng từ đẩy mạnh phong trào khuyến học mà việc học ở Đông Viên đã đơm hoa kết trái, theo thống kê hàng năm cả thôn có khoảng 120 học sinh đến 150 học sinh là học sinh giỏi các cấp, 12 em đến 15 em đỗ đại học, cao đẳng chính quy, nhiều trường danh tiếng trong quân đội, công an, y, dược, ngoại thương… Đến nay, thôn Đông Viên đã có một Phó giáo sư, 8 Tiến sỹ và nhiều thạc sỹ, cử nhân. Đông Viên năm nào cũng có tỷ lệ học sinh đỗ đại học, cao đẳng chiếm 2/3 của xã Đông Quang. Từ việc học mà con em Đông Viên đã góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh, đến nay thôn có 60% hộ khá và giàu, nông thôn nhiều đổi mới, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2%. Từ thành tích trong công tác khuyến học mà đến nay, Hội Khuyến học thôn Đông Viên đã được UBND huyện Ba Vì khen thưởng, là một trong thôn đi đầu của huyện Ba Vì trong công tác này.

Sample Image

Ông Nguyễn Văn Chí- Hội trưởng hội Khuyến học thôn Đông Viên

Vùng quê Đông Viên có nhiều đổi thay, truyền thống hiếu học đã giúp vùng quê này gìn giữ nét đẹp văn hóa, không ma túy và là thôn dẫn đầu trong xây dựng đời sống văn hóa ở xã, huyện. Làng đã được công nhận làng văn hóa cấp tỉnh năm 1996.

Trần Phương