TĐKT - Năm 2019, dưới sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, toàn ngành y tế đã nỗ lực phấn đấu và thi đua, cơ bản hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Ngành y tế tổ chức triển khai công tác y tế năm 2020
Trong năm 2019, Bộ Y tế đã hoàn thành vượt 2 chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, số giường bệnh trên vạn dân giao 27 – đạt 27,5, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế giao 88,1%, đạt 90% dân số. Đạt và vượt 8/11 các chỉ tiêu y tế cơ bản.
Cùng với đó, Bộ tiếp tục triển khai, hoàn thành một số nhiệm vụ của Nghị quyết Trung ương về công tác y tế, dân số. Phòng, chống dịch bệnh chủ động, không để dịch lớn xảy ra. Các hoạt động nâng cao sức khỏe, dự phòng, phát hiện sớm, quản lý các bệnh không lây nhiễm được tăng cường. Xây dựng và thực hiện mô hình 26 trạm y tế xã điểm theo nguyên lý y học gia đình, đang triển khai nhân rộng trên toàn quốc; nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện lập hồ sơ sức khỏe cá nhân cho khoảng 80% dân số. Việc bảo đảm an toàn thực phẩm tiếp tục đạt các kết quả tích cực, thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm dược mở rộng. Tiếp tục duy trì mức sinh thay thế, kiểm soát dân số về thể chất được chú trọng. Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh ở các tuyến, sự hài lòng của người dân có xu hướng ngày càng tăng lên. Thực hiện nhiều giải pháp để phát triển y dược cổ truyền.
Ngoài ra, tổ chức bộ máy cả trung ương và địa phương tiếp tục được sắp xếp theo hướng tinh gọn đầu mối, nâng cao chất lượng, giá hợp lý cho khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh, thiên tai. Nổi trội là đẩy mạnh đấu thầu tập trung thuốc, thí điểm đấu thầu tập trung vật tư y tế, góp phần giảm giá thuốc và giảm chênh lệch giá thuốc giữa các địa phương, cơ sở y tế.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong quản lý bệnh án, theo dõi hồ sơ sức khỏe cá nhân, quản lý quỹ bảo hiểm y tế, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc. Mặt khác, Bộ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng lạm dụng quỹ Bảo hiểm y tế, đổi mới cơ chế tài chính y tế.
Trong năm 2020, Bộ Y tế cũng đề ra những nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu chung như: Thứ nhất, làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, dịch bệnh và góp phần tăng tuổi thọ người dân, cải thiện các chỉ số sức khoẻ cơ bản. Thứ hai, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế, tạo nền tảng vững chắc để tiếp tục phát triển hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và bền vững, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của các tầng lớp nhân dân…
Thứ ba, ngành y tế đã chủ động và quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch, tập trung vào các hoạt động giám sát, truyền thông, quản lý và kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để bùng phát, lan rộng.
Điển hình về công tác dự phòng, trong đó, nổi bật là về dự phòng dịch bệnh COVID-19, thời gian qua, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị thực hiện các giải pháp quyết liệt, kịp thời chủ động phát hiện cách ly, điều trị kịp thời. Các kết quả tích cực này đã được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao và nhân dân tin tưởng. Đến nay, nước ta đã chữa khỏi được 16 bệnh nhân mắc bệnh COVID-19, những ngày qua không ghi nhận thêm bệnh.
Thêm vào đó, ngành y tế nước nhà đã thực hiện tốt công tác cách ly 4 tại chỗ và thành công chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19, cả các trường hợp cao tuổi mắc các bệnh nền và bệnh nhi 3 tháng tuổi.
Đối với công tác dược, trang bị y tế, đảm bảo hậu cần phòng, chống dịch COVID-19, trong thời gian vừa qua, các đơn vị cũng đã chuẩn bị tốt giúp cho việc khám, chữa bệnh được diễn ra suôn sẻ và đạt được những thành tựu tích cực trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp…
Với những nỗ lực không ngừng ấy, trong thời gian qua, ngành y tế đã ra sức thi đua, làm việc hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và ngành y tế Việt Nam đến thời điểm này đã tạm thời kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh này đã được ghi nhận và đánh giá cao.
Phát huy kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Việt Nam đã chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch ngay từ đầu. Với những kinh nghiệm đã có, phương châm của Việt Nam là phải ngăn chặn triệt để, phát hiện sớm, cách ly ngay lập tức, khoanh vùng gọn và dập dịch triệt để.
Việt Nam vẫn thận trọng và đã tính đến kịch bản 5 bước: Ngăn chặn triệt để; phát hiện và phát hiện sớm nhất; cách ly và cách ly ngay lập tức; khoanh vùng và khoanh thật gọn; dập tắt và dập tắt triệt để trong đó khẳng định Việt Nam có thể ứng phó tốt khi có 3.000 bệnh nhân. Việt Nam chống dịch trong thời đại công nghệ thông tin. Chính vì vậy, thông tin cần minh bạch, kịp thời thì mới cảnh báo được nguy cơ đến người dân. Bên cạnh đó, người dân phải tích cực phối hợp với các đơn vị và cả hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch..
Theo Phó Thủ tướng, đây là đợt diễn tập cho các tình huống chống dịch. Mặc dù là quốc gia có biên giới đường bộ, đường thủy, người qua lại đông, nguy cơ lây nhiễm cao nhất, nhưng Việt Nam chỉ có 16 ca dương tính, đã chữa trị khỏi cho 16/16 bệnh nhân. Chúng ta đã kiểm soát được dịch. Tuy nhiên, đây là chiến dịch đầu tiên, còn có thể có những chiến dịch kế tiếp, nên chúng ta cần vừa học, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Dù tình hình trên thế giới có nhiều thay đổi như ở Hàn Quốc, Ý, Iran, và một số nước khác nhưng 5 phương châm trên không thay đổi
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã tri ân những người thầy thuốc nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2. Đồng thời biểu dương, ghi nhận những kết quả ngành y tế đạt được cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh COVID – 19 trong thời gian qua. Phó Thủ tướng đề nghị ngành y tế trong thời gian tới cần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; trước diễn biến dịch bệnh COVID -19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp, không được chủ quan, cần tích cực tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức trong công tác phòng chống dịch. Các địa phương chủ động tăng cường các biện pháp cách ly đối với người bị nghi nhiễm và các biện pháp phòng, chống dịch thiết thực, hiệu quả.
Hồng Thiết