TĐKT - Quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Thái Nguyên luôn có sự đồng hành của ngành Y tế với nhiều dấu ấn và những thành tựu đáng tự hào. Ngành Y tế Thái Nguyên đã góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đoàn công tác Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đến hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch
TS. Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên cho biết: 5 năm qua (2015 - 2020), các phong trào thi đua yêu nước của ngành Y tế được đẩy mạnh, phát triển đều khắp ở tất cả các đơn vị, tạo khí thế thi đua sôi nổi, trở thành động lực quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Ngành đã tổ chức triển khai các phong trào thi đua yêu nước đến tất cả công chức, viên chức và người lao động. Tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua như: Phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, thi đua thực hiện 12 Điều Y đức, phấn đấu thực hiện người thầy thuốc giỏi cũng là người mẹ hiền; thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện dân chủ cơ sở; quy tắc ứng xử, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, xây dựng cơ sở y tế “xanh - sạch - đẹp”; cải tiến chất lượng bệnh viện theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam, bệnh viện an toàn trong phòng, chống COVID-19; thi đua thực hiện phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân...
Cũng trong 5 năm qua, ngành Y tế Thái Nguyên đã đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng như: Tuổi thọ trung bình của người dân đạt 72 tuổi; số giường bệnh/10.000 dân đạt 36,69/10.000; tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã đạt 97%; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể cân nặng giảm còn 9,9% và thể chiều cao giảm còn 13,5%.
Theo đánh giá của ông Huy, việc phát động, tổ chức các phong trào thi đua đã phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, người lao động, nâng cao kiến thức, kỹ năng, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, đồng thời tạo không khí thi đua sôi nổi giữa các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế.
Các cơ sở y tế không chỉ tập trung cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị hiện đại, phục vụ yêu cầu nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh mà còn tăng cường công tác cải tiến chất lượng bệnh viện, cải cách hành chính trong khám chữa bệnh, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, coi người bệnh là trung tâm, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Bên cạnh nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ngành Y tế tỉnh cũng đẩy mạnh công tác “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Các đơn vị y tế đã tích cực, chủ động tổ chức tốt công tác giám sát dịch tễ và xây dựng kế hoạch chủ động phòng, chống dịch. Do đó, mặc dù tình hình dịch bệnh trên thế giới và một số địa phương trong nước diễn biến hết sức phức tạp, nhưng trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra.
Đặc biệt trong thời gian qua, ngành Y tế đã tham mưu tích cực cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai sớm ngay từ đầu năm công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn với nhiều biện pháp quyết liệt, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, do vậy đã khống chế thành công dịch bệnh do COVID-19, các dịch bệnh nguy hiểm khác không xảy ra, không có các vụ ngộ độc thực phẩm.
Ngành Y tế đã duy trì hoạt động đường dây nóng với 22 số điện thoại của Sở Y tế, các bệnh viện, trung tâm y tế để tiếp nhận các thông tin phát hiện người đi về từ vùng dịch và yêu cầu, đề nghị của người dân về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Bộ phận tiếp nhận đã giải đáp và kịp thời xác minh thông tin cung cấp của người dân theo quy định.
Ngành cũng tham mưu, phối hợp đề xuất xây dựng 3 cơ sở cách ly tập trung tại: Trung đoàn 832, Trung tâm Giáo dục quốc phòng - Đại học Thái Nguyên; Tiểu đoàn 3 - Trường Quân sự Quân khu 1. Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp nghi mắc COVID-19 hoặc trở về từ vùng dịch. Chỉ đạo các đơn vị, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện tổng vệ sinh, phun tiêu độc, khử trùng hơn 4.000 điểm tập trung đông người.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, nhất là các cơ sở khám, chữa bệnh hoàn thiện, bổ sung kế hoạch, phương án phòng, chống dịch và việc huy động giường bệnh, nhân lực, phương tiện theo cấp độ dịch để phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thái Nguyên. Củng cố các tổ, đội cơ động phòn, chống dịch để tăng khả năng ứng phó, kiểm soát dịch bệnh; cập nhật và báo cáo thường xuyên tình hình dịch với Ban Chỉ đạo của tỉnh; làm tốt công tác đảm bảo cách ly y tế cho các chuyên gia sang làm việc tại tỉnh.
Cũng trong tháng 5/2021 vừa qua, ngành đã cử 51 cán bộ, nhân viên y tế tỉnh Thái Nguyên đến Bắc Giang hỗ trợ dập dịch COVID-19. Cùng với việc cử đoàn cán bộ y, bác sĩ, tỉnh Thái Nguyên cũng hỗ trợ tỉnh Bắc Giang 1 xe cứu thương, 25.500 khẩu trang và 600 test nhanh kháng nguyên phục vụ công tác chống dịch COVID- 19 trên địa bàn.
“Ngày 13/7, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cũng cử 71 y, bác sĩ, kỹ thuật viên có năng lực, trình độ chuyên môn cao, có khả năng làm việc độc lập, kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đến hỗ trợ TP.Hồ Chí Minh. Dự kiến 11/8 tới, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục chi viện thêm 60 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh miền Nam” - ông Huy cho biết.
Bên cạnh đó, công tác khám chữa bệnh, cấp cứu, thường trực chống dịch, đảm bảo y tế trên địa bàn tỉnh duy trì tốt. Đặc biệt là thực hiện tốt phân luồng, sàng lọc, cách ly theo dõi sức khỏe tại cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung các trường hợp nhiễm/nghi nhiễm dịch bệnh.
Ngoài ra, ngành Y tế Thái Nguyên đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân số và phát triển, chương trình chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời nhằm phòng, chống suy dinh dưỡng bà mẹ trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam; triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phòng, chống suy dinh dưỡng thể thấp còi ở các xã nông thôn mới. Dự án phòng, chống một số bệnh có tính chất nguy hiểm đối với cộng đồng như: Lao, phong, tăng huyết áp, đái tháo đường… được triển khai thường xuyên và hiệu quả.
Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm, tạo môi trường thuận lợi cho các bệnh viện tư nhân và các cơ sở hành nghề y dược tư nhân phát triển. Đồng thời, chú trọng xây dựng các cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế; đội ngũ y, bác sĩ không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, ứng dụng tiến bộ khoa học trong khám, chẩn đoán và điều trị; nhiều kỹ thuật mới chuyên sâu được áp dụng đã giúp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế phục vụ người dân ngay tại địa phương.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, ngành Y tế Thái Nguyên xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của phong trào thi đua yêu nước là “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”. Ngành sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tăng cường công tác phối hợp với các tổ chức, đoàn thể để đưa công tác thi đua, khen thưởng thực sự đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa, có hiệu quả thiết thực; đội ngũ y, bác sĩ phát huy lòng yêu nghề, tinh thần đoàn kết, cống hiến, nâng cao y đức, xây dựng và giữ gìn thương hiệu, hình ảnh của tập thể, cá nhân để tiếp tục góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Bảo Linh