Ngành Tài chính quyết tâm phấn đấu thi đua hoàn thành nhiệm vụ năm 2022
12/01/2022 - 14:43

TĐKT - Vượt qua khó khăn, thử thách, năm 2022, ngành Tài chính đã thi đua  hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào những kết quả đạt được trong việc thực hiện thắng lợi “nhiệm vụ kép”: Vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Theo đó, trong công tác tài chính ngân sách năm 2021 của ngành Tài chính nói chung và Bộ Tài chính nói riêng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đó là, Bộ Tài chính tập trung triển khai công tác hoàn thiện thể chế chính sách, các đề án trong lĩnh vực tài chính ngân sách. Chủ động điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả; ứng phó với dịch Covid 19, hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, bảo đảm an sinh xã hội.

https://mof.gov.vn/acms/ckfinder/hoangminhtuan/images/giao%20uoc%20thi%20dua.JPG

Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính ký kết giao ước thi đua năm 2022

Cụ thể, thu ngân sách Nhà nướ (NSNN) ước đạt 116,5 % dự toán, tăng 3,7% so với năm 2020. Tỷ lệ động viên GDP vào NSNN đạt 18,6 % GDP (vượt so với chỉ tiêu đề ra là 15,5 %); cả ngân sách trung ương (NSTW) và ngân sách địa phương (NSĐP) đều vượt dự toán. Các nhiệm vụ chi NSNN năm 2021 đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra. Bên cạnh việc đảm bảo nguồn lực cho chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, NSNN đã ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân, xuất cấp 141,97 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid 19; báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ vắc xin với số tiền huy động đạt trên 8.800 tỷ đồng; cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được bảo đảm bội chi NSNN dưới 4% GDP.

Bên cạnh đó, nợ công được kiểm soát chặt chẽ, tiếp tục tái cơ cấu nợ công theo hướng bền vững, nâng cao định mức tín nhiệm quốc gia. Tăng cường quản lý giá góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm và dịch vụ tài chính.

Bộ Tài chính cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, sắp xếp, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Công tác quản lý tài chính nội ngành đã đảm bảo nguồn lực để triển khai các dự án đầu tư hệ thống công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các đơn vị trong hệ thống tài chính. Việc xây dựng dự toán, phân bổ chỉ tiêu ngân sách đảm bảo theo chế độ quy định…

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, công tác quản lý tài chính, ngân sách còn những hạn chế như tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, tỷ lệ nợ thuế còn cao, tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn DNNN còn chậm so với kế hoạch, hoạt động thị trường chứng khoán có thời điểm còn xảy ra tình trạng nghẽn lệnh, việc phát hành trái phiếu DN không có tài sản đảm bảo cần được giám sát chặt chẽ. Các tồn tại trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, cần được đánh giá và có biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

Thứ trưởng nhấn mạnh việc triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2022 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, song Thứ trưởng tin tưởng rằng với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và với quyết tâm cao của cán bộ, công chức, người lao động trong toàn ngành Tài chính, nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao.

Trong năm 2021, việc thực hiện quy chế dân chủ tại các đơn vị trong ngành Tài chính và cơ quan Bộ Tài chính đã được Ban Cán sự đảng và lãnh đạo Bộ quan tâm chỉ đạo toàn diện nhằm phát huy quyền làm chủ, tính tích cực, chủ động, tự giác của mỗi công chức, viên chức và người lao động. Thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện việc kiểm điểm, đánh giá công chức, viên chức hàng năm, đánh giá cán bộ trước khi quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển... Trong đó, đã tập trung làm rõ, xác định cụ thể một số tiêu chí đánh giá và chú trọng kết quả thực hiện nhiệm vụ làm cơ sở đánh giá cán bộ, đảm bảo thực hiện đúng quy trình, quy định.

Bên cạnh đó, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính, công tác phòng, chống tham nhũng trong ngành Tài chính được triển khai đầy đủ, toàn diện, gắn công tác phòng, chống tham nhũng vào từng nội dung công tác, nhằm phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi tham nhũng. Thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy định trong nội bộ cơ quan và mối quan hệ với nhân dân; duy trì hoạt động của Tổ thường trực tiếp nhận thông tin, vướng mắc của cá nhân, tổ chức đối với hoạt động của cán bộ, công chức Bộ Tài chính. Thực hiện công khai, minh bạch trong công tác tổ chức cán bộ và quản lý tài chính, tài sản; thường xuyên quan tâm đến việc chăm lo đời sống, đảm bảo quyền lợi và nâng cao tinh thần đoàn kết trong nội bộ ngành Tài chính…

Để tiếp tục giữ vững những thành tích đã đạt được, toàn ngành Tài chính đã phát động thi đua năm 2022 với khẩu hiệu hành động là “Đoàn kết, kỷ cương, phục hồi, hiệu quả, kiến tạo, phát triển, đẩy mạnh thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu tài chính - ngân sách năm 2022”.

Hồng Thiết