Ngành Giáo dục thi đua đạt nhiều thành tích
22/08/2017 - 09:46

TĐKT - Ngày 21/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2015 - 2016 và triển khai nhiệm vụ 2017 - 2018. Đến dự, có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam;  Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và đại diện lãnh đạo của các bộ, ngành các tỉnh, thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo, trường đại học, cao đẳng sư phạm qua các điểm cầu trên toàn quốc.

 

 

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, trong năm học 2016 - 2017 vừa qua, ngành Giáo dục đã nỗ lực thi đua thực hiện có hiệu quả 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra.

Để chuẩn bị cho Hội nghị này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các hội nghị tổng kết chuyên đề theo từng bậc học: mầm non, tiểu học, trung học và đại học, nhằm đánh giá sâu sắc các kết quả đã đạt được, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, từ đó đề ra phương hướng nhiệm vụ cho năm học tới đối với từng bậc học. Trên cơ sở đó, tổng hợp và hoàn thiện báo cáo tổng kết năm học 2016 - 2017 của toàn ngành.

Kết quả, năm học 2016 - 2017, cả nước có hơn 42 nghìn cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học, hơn 1,3 triệu giáo viên các cấp, với quy mô gần 22 triệu học sinh, sinh viên. Các bậc học đều thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản nhằm đổi mới và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Đối với bậc mầm non, tỷ lệ trẻ đến trường các độ tuổi đều tăng, trong đó trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đạt tỷ lệ 99,7%, hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi. Trẻ em vùng dân tộc thiểu số được chuẩn bị tiếng Việt, trẻ em khuyết tật được tạo điều kiện chăm sóc, giáo dục.

Giáo dục phổ thông thực hiện tốt việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, đổi mới đánh giá theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học. Giáo dục thường xuyên từng bước đa dạng hóa nội dung chương trình giáo dục, chú trọng các chương trình và hình thức tổ chức bồi dưỡng ngắn hạn, với hơn 22 triệu lượt người học tập tại các cơ sở.

Giáo dục đại học đã tập trung nâng dần các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, kịp thời điều chỉnh phương án tuyển sinh đảm bảo chất lượng, hiệu quả...

Một trong những điểm sáng trong năm học 2016 - 2017 là kỳ thi THPT quốc gia được các địa phương, các cơ sở giáo dục đại học phối hợp chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản và tổ chức an toàn, nhẹ nhàng, giảm áp lực, giảm tốn kém đối với người dân và xã hội. Các đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự thi Olympic khu vực và quốc tế tiếp tục đạt thành tích xuất sắc với tổng số 31 huy chương trong đó có 14 huy chương vàng, 13 huy chương bạc, 4 huy chương đồng.

Tuy nhiên, ngành Giáo dục vẫn còn gặp nhiều hạn chế. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết. Năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới. Phương thức dạy nghề phổ thông phối hợp giữa nhà trường phổ thông với các cơ sở đào tạo, với các doanh nghiệp chưa hiệu quả.

Tiến độ thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông chưa đảm bảo. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu, số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa tìm được việc làm vẫn còn.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận và đánh giá cao những thành tích đã đạt được, đồng thời chỉ ra những đề tồn tại của ngành. Về những nhiệm vụ của ngành trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng ngành Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm triển khai 9 nhóm vấn đề, trong đó trọng tâm là chú trọng đến vấn đề dạy người ở tất cả các bậc học. Cần bãi bỏ những quy định cứng nhắc, không phù hợp với điều kiện dạy và học hiện nay, đồng thời tăng cường tự chủ đại học.  Đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình sách giáo khoa mới, theo tinh thần khẩn trương nhưng phải đảm bảo chất lượng, trong đó chú trọng đến việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên.

Vấn đề thi cần tiếp tục có những đổi mới, tập trung vào khâu ra đề sao cho tốt hơn. Việc tuyển sinh trên tinh thần tự chủ của các trường và các trường cũng phải đặt lợi ích của học sinh lên trên khi đưa ra phương án tuyển sinh.

La Giang