Ngành BHXH tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng
07/11/2017 - 13:59

TĐKT - Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa ban hành Công văn số 4793/BHXH-TĐKT, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khắc phục hạn chế, tồn tại trong thực hiện công tác thi đua, khen thưởng.

https://baohiemxahoi.gov.vn:4545/pic/news/khenthuong%20031117_20171103023807PM.jpg

BHXH TP Hà Nội đón nhận Huân chương độc lập hạng Ba

Trong những năm qua, phong trào thi đua của ngành BHXH đã từng bước đổi mới nội dung, hình thức, bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành và từng địa phương. Công tác thi đua, khen thưởng đã động viên, tôn vinh kịp thời các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt được quan tâm hơn.

Bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp được củng cố, kiện toàn. Cơ quan truyền thông của ngành cũng như BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (BHXH các tỉnh) đã có nhiều hình thức tuyên truyền về các phong trào thi đua và biểu dương người tốt, việc tốt. Tuy nhiên, thực tế qua kiểm tra, công tác thi đua, khen thưởng tại 20 BHXH các tỉnh năm 2017 đã cho thấy một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/04/2014 của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của ngành. Chủ động phát động các phong trào thi đua chuyên đề, đột xuất hướng vào các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá gắn với nhiệm vụ, đặc thù của tỉnh, của huyện nhằm phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua. Bám sát vào các nội dung sau:

Thứ nhất, BHXH các tỉnh cần bám sát những văn bản hướng dẫn của BHXH Việt Nam để hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện đúng các quy định: không yêu cầu đăng ký sáng kiến, giải pháp công tác hữu ích từ đầu năm; đăng ký thi đua theo trình tự từ danh hiệu thấp đến danh hiệu cao, không đăng ký hình thức khen thưởng; khuyến khích công chức, viên chức từ nhũng công việc hàng ngày đang làm suy nghĩ, đề xuất các giải pháp, sáng kiến nhằm mang lại lợi ích thiết thực, nâng cao hiệu quả công tác. Khi đề nghị khen thưởng cho các đối tượng là doanh nghiệp, người đứng đầu doanh nghiệp cần chú ý đến kết quả sản xuất, kinh doanh và dư luận xã hội.

Thứ hai, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện những điển hình tiên tiến để khen thưởng và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng. Quan tâm tạo điều kiện và phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông, báo chí trong việc phát hiện, xây dựng, tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến, nhân tố mới; biểu dương, tôn vinh điển hình người tốt, việc tốt tạo sự lan tỏa trong cơ quan, đơn vị, ngành, địa phương và cả nước.

Thứ ba,  kịp thời kiện toàn Hội đồng Thi đua, khen thưởng và Hội đồng xét công nhận sáng kiến cấp cơ sở. Quy trình xét công nhận sáng kiến, quy trình bình xét khen thưởng phải theo đúng quy định của ngành. Cùng với việc bình xét khen thưởng cuối năm, Giám đốc và Hội đồng Thi đua, khen thưởng BHXH tỉnh cần lựa chọn, đánh giá và có văn bản công nhận những tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để làm để làm cơ sở đề nghị hình thức khen thưởng cao sau này.

Thứ tư,  thực hiện việc chi cho công tác thi đua, khen thưởng theo đúng quy định tại điều 28,29 Quy chế Thi đua, khen thưởng của BHXH Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 1368/QĐ-BHXH ngày 15/12/2014 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.

Cuối cùng là ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng; thiết lập hệ thống sổ sách, lưu trữ hồ sơ thi đua, khen thưởng, đảm bảo khoa học, tạo điều kiện lợi cho việc tra cứu và đáp ứng yêu cầu quản lý.

La Giang