TĐKT - Trong những năm qua, ngành BHXH Việt Nam đã và đang đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin của ngành theo định hướng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, tích hợp, tập trung cấp quốc gia, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới khách hàng, với quy trình nghiệp vụ tự động hóa mức độ cao, được vận hành bởi nguồn nhân lực công nghệ thông tin chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, toàn diện hơn trong lĩnh vực BHXH và BHYT.
Kết quả từ thực hiện chuyển đổi số
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 dẫn đến giãn cách xã hội, nhiều cơ quan, đơn vị trong ngành BHXH Việt Nam không thể tổ chức làm việc tập trung tại trụ sở. Đứng trước nhu cầu thực tế đặt ra là cần một giải pháp để các công chức, viên chức và người lao động vẫn có thể hoàn thành công việc ở mức tối đa mà không cần tới cơ quan hay làm việc tập trung, BHXH Việt Nam đã áp dụng giải pháp công nghệ để giải quyết.
Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Lê Nguyên Bồng
Hiện tại, toàn ngành BHXH Việt Nam đang có gần 30 hệ thống ứng dụng; quản lý cơ sở dữ liệu của khoảng 100 triệu người dân; với hơn 20 nghìn tài khoản công chức, viên chức và người lao động trong ngành thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ của ngành; kết nối liên thông với trên 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh và hơn 500 nghìn tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trên toàn quốc và các bộ, ngành. Mỗi năm, Cổng Giao dịch BHXH điện tử tiếp nhận và xử lý gần 100 triệu lượt hồ sơ, riêng năm 2021, số lượng hồ sơ được giải quyết trực tuyến là gần 94,6 triệu hồ sơ (chưa tính gần 130 triệu hồ sơ tiếp nhận và xử lý trên hệ thống thông tin giám định BHYT). Riêng hồ sơ tiếp nhận và xử lý từ Cổng DVC Quốc gia là 157.184 hồ sơ.
Với việc đưa ứng dụng trên thiết bị di động VssID - Bảo hiểm xã hội số chính thức đi vào hoạt động, cung cấp các dịch vụ, tiện ích cho người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT, sau hơn 1 năm công bố ứng dụng, đến nay đã có gần hơn 25 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân (dùng để đăng nhập, sử dụng ứng dụng VssID) được đăng ký và phê duyệt, hơn 700 nghìn lượt sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để khám, chữa bệnh BHYT. Năm 2021, ứng dụng VssID đã được AppStore xếp thứ 7 trong số các ứng dụng miễn phí được yêu thích nhất.
Tính đến thời điểm hiện nay, BHXH Việt Nam là đơn vị đầu tiên đã kết nối thành công với CSDL quốc gia về dân cư ngay từ khi CSDL quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành chính thức. Tính đến nay, hệ thống đã xác thực khoảng 41 triệu thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư. Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đã cung cấp, chia sẻ trên 35 triệu lượt thông tin BHXH, BHYT cho CSDL quốc gia về dân cư.
Việc ứng dụng CNTT của ngành BHXH Việt Nam được đánh giá cao, liên tiếp giữ vị trí cao trong khối cơ quan bộ, ngành về ứng dụng CNTT. Đặc biệt, tại Hội nghị Hiệp hội ASXH ASEAN (ASSA) lần thứ 35, BHXH Việt Nam đã được trao tặng giải thưởng về “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp” với sản phẩm “Hệ thống thông tin giám định BHYT”. Tại Hội nghị Ban Chấp hành ASSA lần thứ 38 diễn ra vừa qua, BHXH Việt Nam đã vinh dự nhận Giải thưởng Thực tiễn hiệu quả của Chủ tịch ASSA nhiệm kỳ 2020 - 2021 tại hạng mục “Công nghệ thông tin” cho ứng dụng trên điện thoại thông minh “VssID - Bảo hiểm xã hội số” góp phần quảng bá hình ảnh, nâng tầm vị thế BHXH Việt Nam ở trong nước và quốc tế.
Ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số
Trong giai đoạn 2022 - 2025, BHXH Việt Nam phấn đấu tiếp tục thuộc nhóm 5 bộ, ngành dẫn đầu về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, hình thành hệ sinh thái số, xây dựng thành công ngành BHXH số. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT gắn với cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong các hoạt động quản lý, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.
Căn cứ vào các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, nhiệm vụ Đề án 06, ngành BHXH Việt Nam phấn đấu đến năm 2025, thứ nhất, triển khai thành công CSDL quốc gia về Bảo hiểm theo quy định tại Nghị định số 43/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021, đáp ứng nguyên tắc dữ liệu chỉ từ một nguồn, đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin dữ liệu. Thứ hai, hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử BHXH Việt Nam với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Thứ ba, 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện triển khai mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Thứ tư, 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của BHXH Việt Nam. Thứ năm, 90% các hệ thống thông tin của BHXH Việt Nam có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia, CSDL chuyên ngành, không phải cung cấp lại. Thứ sáu, hoàn thành Hệ thống tổng hợp và phân tích dữ liệu tập trung ngành BHXH (Datawarehouse- DWH) phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và các hoạt động nghiệp vụ của ngành. Cuối cùng, 50% người tham gia BHXH, BHYT, BHTN có tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, trong đó có 40% sử dụng ứng dụng VssID.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, có 100% các hệ thống thông tin của BHXH Việt Nam có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các CSDL quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, không phải cung cấp lại. Đồng thời, 100% hồ sơ công việc trong toàn ngành BHXH Việt Nam được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). Đặc biệt, 80% người tham gia BHXH, BHYT, BHTN có tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, trong đó có 60% sử dụng ứng dụng VssID.
Hồng Thiết