BTĐKT – Ngày 22/9, Khối thi đua các huyện, thành phố của tỉnh Ninh Bình đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thi đua, khen thưởng 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.
Trong 6 tháng đầu năm, phong trào thi đua và công tác khen thưởng của Khối thi đua có nhiều đổi mới và đạt kết quả tích cực. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được thực hiện kịp thời, bám sát chỉ đạo của cấp trên. Công tác tuyên truyền, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, đặc biệt là các gương điển hình, gương "Người tốt, việc tốt", những mô hình sản xuất hiệu quả được đẩy mạnh. Công tác khen thưởng được thực hiện đúng quy định.
Quang cảnh hội nghị
Các đơn vị trong Khối thi đua tiếp tục triển khai chủ đề thi đua gắn với "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", phòng, chống tham nhũng; cải cách hành chính; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Các đơn vị trong Khối thi đua chú trọng phát hiện, bồi dưỡng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, các gương "Người tốt, việc tốt"; khen thưởng kịp thời cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Phong trào thi đua thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, thi đua sản xuất nông nghiệp, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và xây dựng nông thôn mới được thực hiện tốt. Công tác thi đua trong sản xuất công nghiệp - xây dựng có chuyển biến tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm đạt 50.985,5 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Phong trào thi đua trong lĩnh vực tài chính, tín dụng, thương mại và dịch vụ được thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2023 đạt 7.476,9 tỷ đồng. Hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra sôi động và đạt được tốc độ tăng trưởng cao.
Du lịch tiếp tục phục hồi và phát triển mạnh, chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng được nâng cao. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đón 4,53 triệu lượt khách, đạt 84,7% kế hoạch. Phong trào thi đua thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp được đẩy mạnh. Chỉ số PCI của tỉnh năm 2022 đã được cải thiện cả về điểm số và thứ bậc, xếp thứ 44/63 tỉnh, thành phố, tăng 14 bậc so với năm 2022.
Phong trào thi đua trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội được các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo. Thi đua trong các hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin, phát thanh và truyền hình có nhiều chuyển biến. Công tác xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh cơ sở được đẩy mạnh; phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tiếp tục được triển khai góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Phong trào thi đua trong ngành Giáo dục và Đào tạo được đẩy mạnh. Phong trào thi đua trong công tác xây dựng chính quyền; thi đua, khen thưởng; tư pháp, dân tộc; cải cách hành chính; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được các đơn vị trong khối thực hiện tốt.
Công tác cải cách hành chính được quan tâm chỉ đạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cải cách hành chính, kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tập trung cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số theo phương châm "lấy con người là trung tâm, cải cách đóng vai trò dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ, thúc đẩy". Kết quả các chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh đều thuộc tốp cao của cả nước: Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2022 của tỉnh Ninh Bình đạt 86,64%, xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 3 bậc so với năm 2021; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đạt 43,16 điểm, nằm trong top 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.
Tại hội nghị, các đơn vị trong Khối thi đua đã trao đổi, thảo luận về kết quả, những thuận lợi, khó khăn, chia sẻ những cách làm hay trong thực hiện nhiệm vụ thi đua, khen thưởng. Đồng thời thống nhất phương án, các tiêu chí chấm điểm thi đua; nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc đến đông đảo nhân dân.
Phát động thường xuyên, liên tục các phong trào thi đua phát triển kinh tế, thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Thực hiện hiệu quả chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, gắn liền khai thác với nuôi dưỡng nguồn thu. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong các hoạt động du lịch, lễ hội, tín ngưỡng và tôn giáo, đảm bảo môi trường du lịch phát triển bền vững.
Tăng cường bảo đảm an ninh chính trị, an ninh tôn giáo, trật tự, an toàn xã hội. Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số; nâng cao chất lượng, hiệu quả việc cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến…
Trần Dũng – Nguyễn Giang