Huyện Hoài Đức tiếp tục gặt hái nhiều kết quả quan trọng
05/07/2018 - 11:10

TĐKT - Chiều 3/7, tại Hội nghị giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, huyện Hoài Đức tiếp tục triển khai thực hiện nhiều hoạt động thi đua sôi nổi và gặt hái nhiều kết quả quan trọng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh, 6 tháng đầu năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của huyện đạt được nhiều kết quả quan trọng: Các tiêu chí, kế hoạch đề ra đầu năm đều đạt 50% và trên 50% kế hoạch; tổng giá trị sản xuất trên tất cả các lĩnh vực đạt 10.010 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ; sản xuất nông nghiệp ổn định, thị trường hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định; hoạt động sản xuất tại các làng nghề hiệu quả...

Ông Nguyễn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức thông tin tại Hội nghị

Theo thống kê của Hoài Đức, toàn huyện có 52/54 làng có nghề, trong đó có 12 làng được công nhận làng nghề truyền thống. Đến tháng 6/2018, toàn huyện có 2.393 doanh nghiệp và gần 10.000 hộ sản xuất, kinh doanh. Lao động làm việc tại các làng nghề ước tính khoảng 44.000 lao động, chiếm 31,4% tổng số lao động toàn huyện (140 nghìn lao động).

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nói chung và các làng nghề nói riêng trong năm qua đã có những bước phát triển mạnh góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương và thu hút nhiều lao động ở các địa phương khác.

Qua đó, từng bước ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, tăng thu nhập cho ngân sách địa phương và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng tích cực: Tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giảm tỷ trọng trong nông nghiệp. Thu nhập bình quân lao động làng nghề đạt mức khá, khoảng 45,2 triệu đồng/lao động/năm.

Dù là vùng đất có nhiều làng nghề nhưng ý thức bảo vệ môi trường, xử lý chất thải trên địa bàn huyện có những chuyển biến tích cực, với nhiều giải pháp được đưa ra: Đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động tại làng nghề; khuyến khích các cơ sở thu gom, xử lý chất thải ngay tại cơ sở; sử dụng công nghệ sản xuất sạch, sạch hơn, giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường.

Thường xuyên thông tin các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, các chế tài, biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm; duy trì vệ sinh môi trường vào ngày thứ 7 xanh – sạch – đẹp. Cùng với đó, huyện thường xuyên thanh tra, kiểm tra vệ sinh, môi trường...

Huyện Hoài Đức là vùng đất tiềm năng, có nhiều lợi thế vì có nhiều ngành nghề truyền thống, nhân dân năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, có vị trí địa lý nằm sát liền kề với các quận nội thành và có các trục đường giao thông lớn chạy qua...

Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hoài Đức được quy hoạch là đô thị trung tâm. Đây sẽ là động lực để huyện tiếp tục phấn đấu, hoàn thiện, xứng đáng với kỳ vọng của thành phố và Chính phủ.

Thục Anh