Hơn 600.000 sáng kiến, cải tiến thu được trong giai đoạn 1 của Chương trình 1 triệu sáng kiến
01/06/2022 - 15:34

TĐKT - Sau hơn 6 tháng phát động, Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” (sau đây gọi tắt là Chương trình) đã đạt được nhiều thành quả tốt đẹp. Hơn 600.000 sáng kiến, cải tiến được cập nhật trên Cổng trực tuyến đến ngày 31/5/2022 - kết thúc giai đoạn 1 của Chương trình đã làm sáng rõ hơn sự nỗ lực, tinh thần quyết tâm, sáng tạo của các cấp công đoàn vàtự hào trí tuệ của người lao động Việt Nam.

Vượt 100% chỉ tiêu sáng kiến của giai đoạn 1

Kết thúc “Chiến dịch thi đua cao điểm 40 ngày”, Chương trình “1 triệu sáng kiến” đã hoàn thành giai đoạn 1 sớm 20 ngày, tạo khí thế để các cấp công đoàn vượt hơn 100% chỉ tiêu với 654.921 sáng kiến. Trong đó có hơn 69 nghìn sáng kiến của công nhân lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp.

Đó là kết quả từ sự ủng hộ của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng thuận về quan điểm của tổ chức công đoàn và người sử dụng lao động về phát huy năng lực sáng kiến, cải tiến của người lao động; sự đồng tâm hành động của mỗi người lao động ở từng lĩnh vực, từng vị trí việc làm phải hành động sáng tạo, làm việc hiệu quả cao hơn của ngày hôm qua, của năm trước và của chính mình trong hiện tại.

Chương trình đã thu hút số lượng sáng kiến nhiều nhất từ trước đến nay, khẳng định tiềm năng trí tuệ và sức sáng tạo phong phú của người lao động Việt Nam. 100% các đơn vị của Cụm thi đua 7 tỉnh biên giới phía Bắc đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu; nhiều địa phương, cơ sở vượt chỉ tiêu giai đoạn 1 trước thời hạn (LĐLĐ tỉnh Nghệ An, LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh, LĐLĐ TP Cần Thơ, LĐLĐ tỉnh Hà Nam, LĐLĐ tỉnh Long An, LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh, LĐLĐ Vĩnh Phúc…); không ít địa phương hoàn thành chỉ tiêu toàn bộ Chương trình (LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, LĐLĐ tỉnh Bắc Giang, LĐLĐ tỉnh Hậu Giang, LĐLĐ tỉnh Cà Mau)… là một trong những dấu ấn khó phai mờ, thể hiện tâm thế, tinh thần tiên phong, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước trong sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, của đất nước.

Trân quý hơn ở những tỉnh nhỏ, số lượng đoàn viên ít như LĐLĐ tỉnh Hậu Giang vừa hoàn thành sớm chỉ tiêu cả chương trình, vừa nằm trong top 10 đơn vị có nhiều sáng kiến nhất của cả nước ở giai đoạn 1.

 

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải gặp gỡ, động viên công nhân công ty TNHH Điện stanley Việt Nam

Nhiều địa phương đã quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để có bứt phá đầy ấn tượng. LĐLĐ Thành phố Hồ Chí Minh đã thành công trong những ngày cuối cùng của Chiến dịch cao điểm 40 ngày thi đua khi vượt lên giữ vị trí thứ 2 với 56,417sáng kiến; LĐLĐ thành phố Hà Nội từ vị trí thứ 10 đã vươn lên dẫn đầu số người đăng ký có sáng kiến và vị trí thứ 3 với 53,379sáng kiến; LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng từ chỗ xếp thứ hạng gần cuối, chỉ sau 40 ngày tăng tốc, đã tăng 66 bậc trong bảng xếp hạng Chương trình “1 triệu sáng kiến”, vươn lên vị trí thứ 16 trong tổng số 82 đơn vị, cũng là đơn vị dẫn đầu của Cụm thi đua 10 LĐLĐ các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

LĐLĐ tỉnh Long An và 3 LĐLĐ tỉnh khu vực miền Trung là Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh duy trì sự ổn định về thứ hạng khi nằm trong danh sách 10 đơn vị có nhiều sáng kiến nhất liên tục trong suốt giai đoạn 1 của Chương trình. Trong đó, LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa đang không chỉ dẫn đầu với 162,890sáng kiến mà còn dẫn đầu ở tinh thần tự nguyện, tự giác tham gia Chương trình của cán bộ công đoàn, đoàn viên, CNVCLĐ.

Chia sẻ về kết quả này, ông Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết thêm, Chương trình “1 triệu sáng kiến”đã kế thừa và phát huy kinh nghiệm đã đạt được từ Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” trong Tháng Công nhân năm 2021, đồng thời thẩm thấu việc giao chỉ tiêu định lượng đến từng cơ sở để trong thi đua không chỉ không chỉ có “phát” mà nhất thiết phải “động”, phải đến và được đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ hưởng ứng.

Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục ứng dụng công nghệ như một kênh đo lường kết quả, đảm bảo tính công khai trong thi đua và khen thưởng và kỹ thuật truyền thông để các nội dung phát động đã nhanh chóng, trực tiếp đến với đông đảo đoàn viên, CNVCLĐ và các công đoàn cơ sở trên mọi vùng miền của Tổ quốc.

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải cho rằng, từng cấp công đoàn đã sớm xây dựng kế hoạch, hướng dẫn phấn đấu theo mục tiêu chung; xây dựng và công khai chính sách khen thưởng cho các tập thể có thành tích cao, về đích sớm hay những cá nhân tích cực tham gia Chương trình…

Cùng với đó là phân công cán bộ lãnh đạotrực tiếp phụ trách, theo dõi, kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc triển khai thực hiện. 82 chuyên viên đến từ các ban chuyên môn của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, công đoàn Tổng công ty trực thuộc - “mỗi người làm việc bằng hai” - vừa tham mưu công tác chỉ đạo,vừa trực tiếp thao tác kỹ thuật để hướng dẫn, hỗ trợ các CĐCS bất kể thời gian, địa điểm và thường xuyên báo cáo kết quả…

“Trong quá trình đó, có những thời điểm, có những nơi, cán bộ công đoàn trải qua nhiều áp lực, từ tính dài hạn của một nội dung thi đua; tính mới trong công tác chỉ đạo là không chỉ có ban hành văn bản mà phải trực tiếp triển khai để phát hiện điểm tiến bộ cũng như hạn chế và rút ra bài học kinh nghiệm; tính khó của khoa học, công nghệ đòi hỏi cán bộ công đoàn phải có năng lực chủ động tiếp cận, học hỏi, sáng tạo để áp dụng vào thực tiễn công việc và hướng dẫn cho đoàn viên, người lao động” – ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Ghi nhận sự nỗ lực, tinh thần tận tâm, trách nhiệm, sáng tạo của cán bộ công đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải bày tỏ xúc động khi được biết có những cán bộ công đoàn mẫn cán như anh Nguyễn Văn Sỹ, chuyên viên Ban Chính sách – Pháp luật LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh; chị Phan Thị Hiền, chuyên viên Ban Tổ chức – Kiểm tra LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng… đã luôn đeo bám cơ sở, sát cánh bên đoàn viên, tìm tòi, phát hiện và áp dụng nhiều cách làm hiệu quả không chỉ cho địa phương, cho Cụm thi đua mà còn phổ biến kinh nghiệm cho các đơn vị khác cùng thực hiện; anh Nguyễn Trường Khoa, chuyên viên Ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh Sóc Trăngđã tự sản xuất video hướng dẫn chi tiết quy trình cập nhật sáng kiến trong thời gian cách ly y tế do dương tính với Covid-19; anh Nguyễn Tính – chuyên viên LĐLĐ TP Hồ Chí Minh, nhiều cán bộ công đoàn cơ sở thuộc khối giáo dục và ở các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước như: Công ty TNHH Sakurai Việt Nam (Thanh Hóa), Công ty TNHH Sam Sung Electronics Việt Nam (Thái Nguyên), Công ty TNHH Toyoda Boshoku (Khu công nghiệp Nomora thành phố Hải Phòng), Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam (TP. Hà Nội), Công ty TNHH Pousung Việt Nam (Đồng Nai)… qua triển khai Chương trình 1 triệu sáng kiến này đã từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức các cuộc vận động, biết khơi gợi ý thức tự giác của đoàn viên, người lao động tham gia.

Tâm đắc với chương trình “1 triệu sáng kiến” của tổ chức Công đoàn Việt Nam, ông  Akira Kikuchi – Giám đốc điều hành công ty TNHH Điện stanley Việt Nam (huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) khẳng định về sự thấu hiểu và đồng cảm với chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tạo môi trường để mọi người lao động đều có động lực và tự giác tham gia hoạt động sáng kiến, cải tiến.

“Ở đây, doanh nghiệp và công đoàn có mối quan hệ khăng khít như một gia đình và đều có mong muốn xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững. Vì xem nhau như gia đình những khó khăn các thành viên cùng nhau hỗ trợ vượt qua khó khăn và giúp nhau cơ hội phát triển bản thân”.

Ông Akira Kikuchi cho biết thêm, việc hỗ trợ hoạt động sáng tạo của người lao động không chỉ thể hiện qua lời nói mà qua những việc làm cụ thể. Thời gian tới, công ty sẽ xây dựng khu vườn ẩm thực để người lao động và người sử dụng lao động cùng ăn trưa với nhau; xây dựng siêu thị, khu vui chơi giải trí để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đó là không gian mở để người lao động thoải mái phát huy ý tưởng, sáng kiến.

Mỗi sáng kiến là một việc tốt cho mọi người

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: "Bất kỳ việc to việc nhỏ, hễ thêm điều lợi, trừ điều hại cho quần chúng, giúp quần chúng giải quyết vấn đề khó khăn, tăng kết quả của việc làm, tăng sức sản xuất của xã hội, đánh đổ sức áp bức của quân thù, đó đều là sáng kiến”; “Sáng kiến không phải cái gì kỳ lạ hay chung chung, trừu tượng mà chỉ là kết quả của sự nghiên cứu, suy nghĩ trong những hoàn cảnh, những điều kiện bình thường, rất phổ thông, rất thiết thực. Ở tầm sáng tạo lớn, có ảnh hưởng rộng là phát minh, bao hàm cả sáng chế. Ở tầm thấp hơn, nhỏ hơn thì là sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Tất cả đều là sản phẩm được sáng tạo ra khi cuộc sống thúc bách”. Bác cho rằng “Bất kỳ ai, nếu có quyết tâm làm ích lợi cho quần chúng, lại chịu học, chịu hỏi quần chúng, óc chịu khó nghĩ, tay chịu khó làm, thì nhất định có sáng kiến, nhất định làm được những việc có ích cho loài người”.

 

Các sáng kiến, cải tiến của công nhân viên Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam được biểu dương kịp thời

Đáng chú ý, ngay tại giai đoạn 1, đa số sáng kiến là của những người lao động không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và hàng chục nghìn sáng kiến của công nhân lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Đây là sự khởi sắc đáng mừng, bởi thực tế phần lớn công nhân, lao động trực tiếp không có trình độ cao về học vấn, nhưng trong quá trình lao động, họ mới chính là người hiểu cặn kẽ công việc, dây chuyền sản xuất, từ đó nảy sinh cải tiến, sáng kiến. Điều này là biểu hiện sinh động cho khát vọng phát triển của người lao động Việt Nam để mang lại điều tốt đẹp cho bản thân và mọi người. Một doanh nghiệp có nhiều người lao động như vậy tạo thành động lực phát triển, nhiều doanh nghiệp như vậy sẽ đóng góp lớn vào sự chuyển động chung của xã hội.

Nội dung các sáng kiến đa dạng trên các lĩnh vực, trong đó đã có rất nhiều sáng kiến thể hiện được sự sáng tạo của người lao động trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp, nhiều sáng kiến có tính thích ứng cao với bối cảnh bình thường mới, đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất, công tác của cơ quan, đơn vị. Thống kê sơ bộ từ phần mềm trực tuyến, tính đến ngày 31/5/2022, các sáng kiến đã được cập nhật trên phần mềm trực tuyến của Chương trình có tổng giá trị làm lợi khoảng hơn 10 nghìn tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải: Chúng ta trân trọng những sáng kiến có giá trị làm lợi cao, nhưng cũng cần khơi gợi, tạo điều kiện để người lao động tại cơ sở, đặc biệt những công nhân trực tiếp sản xuất phát huy sáng kiến, cải tiến, qua đó góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí, tạo hiệu quả tối ưu nhất cho 1 chu kỳ sản phẩm... Không nên xem nhẹ sáng kiến của người lao động ở cấp cơ sở, dù có thể hiệu quả kinh tế không cao, nhưng lan tỏa được tinh thần cống hiến, đóng góp trí tuệ, công sức, chung tay khắc phục khó khăn trong sản xuất kinh doanh...

“Mỗi sáng kiến là một câu chuyện mà ở đó không chỉ giá trị làm lợi cao mà ý nghĩa sâu xa là ở những người lao động bình thường hay lao động trí thức hoặc nhà nghiên cứu đều có những sáng kiến mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực. Những sáng kiến ấy đều xuất phát từ những vấn đề của thực tiễn, từ đôi tay, từ trí óc và hơn thế là từ lòng đam mê công việc mà chỉ những người thực sự yêu lao động mới có được. Do vậy, tất cả các sáng kiến của người lao động cần phải được người sử dụng lao động quý trọng, có hình thức ghi nhận, biểu dương, khen thưởng tương xứng” – ông Trần Thanh Hải bày tỏ mong muốn.

Ngọc Tú