TĐKT - Với những hình thức phong phú, thiết thực, các mô hình “Dân vận khéo” của Hội Nông dân (HND) huyện Kim Bảng (Hà Nam) đã góp phần quan trọng tạo dựng sự đồng thuận xã hội; khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong phát triển sản xuất, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.
Bà Phạm Thị Huệ, Chủ tịch HND huyện Kim Bảng cho biết: Để tạo bước đột phá trong thực hiện phong trào “Dân vận khéo”, công tác tuyên truyền, vận động được các cấp hội triển khai bằng nhiều hình thức như: Phát tờ rơi, treo băng rôn, khẩu hiệu, tuyên truyền trong các cuộc họp, trên hệ thống loa phát thanh của bản, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các cuộc họp... Nhờ vậy các hội viên tích cực hưởng ứng, tham gia.
Phong trào “Dân vận khéo” của HND Kim Bảng góp phần đưa Kim Bảng trở thành huyện NTM
Cũng theo bà Huệ, nét nổi bật trong “Dân vận khéo” của HND Kim Bảng là dân vận trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Với phong trào này, dân vận khéo được thể hiện bởi việc các cấp Hội quan tâm thực hiện, thường xuyên vận động, tuyên truyền lấy ý kiến của người nông dân, giúp hội viên nông dân nhận thức rõ vai trò chủ thể trong xây dựng NTM và tạo điều kiện cho hội viên nông dân phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu, thay đổi bộ mặt nông thôn.
Kết quả, các cấp Hội phối hợp với Ban chỉ đạo xây dựng NTM ở các xã đã huy động đóng góp được trên 9,2 tỷ đồng, trên 5.800 ngày công, tháo dỡ hàng trăm mét tường rào, cổng ngõ, chặt đốn hàng ngàn cây cối, hiến trên 9.200 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn với chiều dài hơn 39,7 km…
Bên cạnh đó, để hỗ trợ nông dân thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế, Hội đã quan tâm xây dựng các mô hình trồng cây hàng hóa xuất khẩu. Hội đã triển khai thực hiện hiệu quả đề án Silic-silicamom trên cây lúa, mô hình giống và lúa mới, xây dựng cánh đồng mẫu, sản xuất rau củ quả sạch, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng cửa hàng cung cấp và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn, chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, phát triển đàn bò sữa, đàn dê sinh sản, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, không sử dụng chất cấm trong trồng trọt và chăn nuôi… Nhờ vậy, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng khá và ổn định trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp thu hẹp.
Đồng thời, Hội đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm các làng nghề, làng có nghề; phát triển hệ thống thương mại, dịch vụ; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; nâng cấp cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề như làng nghề gốm son (HND thị trấn Quế), làng nghề dệt thổ cẩm ở thôn Lạc Nhuế (xã Đồng Hóa)...
“Dân vận khéo” của các cấp HND cũng đóng góp tích cực và tạo sự chuyển biến trên lĩnh vực văn hóa - xã hội trên địa bàn huyện. Hội đã xây dựng được 10 mô hình “Dân vận khéo” cấp huyện; 180 mô hình cấp xã, thị trấn. Các phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa được thực hiện tốt. Hàng năm, 100% hộ nông dân đều đăng ký xây dựng “Gia đình văn hóa”. Việc tang được thực hiện theo nếp sống văn hóa. Hội cũng góp phần duy trì, phát triển các lễ hội văn hóa truyền thống; làm tốt công tác bảo tồn di tích.
“Các mô hình này đã thu hút nhiều thành phần, lứa tuổi tham gia, có tính xã hội hóa cao, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, trách nhiệm của cộng đồng dân cư. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; chăm sóc sức khỏe nhân dân” - bà Huệ cho biết.
Trên lĩnh vực an ninh – quốc phòng, các mô hình “Dân vận khéo” được triển khai thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Tiêu biểu có các mô hình câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” tại các xã, thị trấn. Thông qua các mô hình này, hội viên nông dân được nâng cao hiểu biết kiến thức pháp luật. Từ đó, hình thành lòng tin, ý thức tôn trọng pháp luật, tự giác chấp hành pháp luật, góp phần tích cực thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Có thể khẳng định, phong trào“Dân vận khéo” của HND Kim Bảng đã góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao vai trò trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, tạo sự đoàn kết thống nhất trong hệ thống hội, sự đồng thuận trong cán bộ, hội viên và nông dân. Từ đó trở thành lực đẩy, đưa các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của nông dân đạt hiệu quả toàn diện trong giai đoạn mới.
Bảo Linh