TĐKT - Những năm gần đây, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã được triển khai sâu rộng, hiệu quả, với nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động. Nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội được nhân rộng, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn..
Ông Nguyễn Văn Điện (bên phải) là một điển hình trong phong trào “Dân vận khéo” với mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng
Xác định công tác dân vận mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình thường xuyên chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã xây dựng mới 53 mô hình, điển hình, nâng tổng số mô hình, điển hình “Dân vận khéo” toàn tỉnh lên 1.538 mô hình giai đoạn 2016 - 2020 trên các lĩnh vực, trong đó có 547 mô hình về phát triển kinh tế.
Có được kết quả đó, trước hết phải kể đến thành công từ công tác tuyên truyền. Để công tác tuyên truyền đạt được hiệu quả, các ngành, các cấp đã vận dụng phương châm “dân vận khéo” trong giải quyết những vụ việc phát sinh từ cơ sở, “khéo” tập hợp, “khéo” vận động, tập trung giải quyết xong các việc khó, những việc mới nảy sinh.
Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan, đoàn thể đã bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, tăng cường nắm tình hình nhân dân, tham mưu kịp thời những vấn đề mà người dân bức xúc.
Các cấp ủy Đảng đã tập trung chỉ đạo hướng về cơ sở, tăng cường vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, vật nuôi cây trồng, phát triển dịch vụ, thương mại.
Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, với mục tiêu đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, các ban, ngành, đoàn thể đã tập trung vận động nhân dân phát huy nội lực, thay đổi tập quán canh tác, kinh doanh, làm giàu chính đáng.
Điển hình trong phát triển kinh tế là mô hình trang trại nuôi gà đẻ trứng thương phẩm của ông Nguyễn Văn Diện tại thôn Đại Áng, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư. Với quy mô chăn nuôi gà đẻ trứng 10.000 con, hàng năm, trang trại cung cấp ra thị trường trên dưới 1 triệu quả trứng. Tính riêng tiền bán trứng gà thu lãi gần 500 triệu đồng mỗi năm.
Bên cạnh đó, còn một số mô hình đã đem lại hiệu quả cao: Mô hình Tổ liên kết thanh niên phát triển kinh tế tại xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn; chuyển đổi mô hình cây con đặc sản Thiên Vỹ; giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế hộ gia đình tại khu vực đê Bình Minh 3, xã Kim Đông; phát triển kinh tế trang trại kết hợp với trồng lúa ở xã Gia Minh (huyện Gia Viễn); trồng ổi Đài Loan (Hội Nông dân xã Yên Sơn, TP Tam Điệp)...
Bên cạnh việc phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa – xã hội, phong trào “Dân vận khéo” cũng đã từng bước làm thay đổi nhận thức của nhân dân về thực hành tiết kiệm, giữ gìn nét đẹp văn hóa, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Nhiều mô hình, cách làm “dân vận khéo” của các tập thể, cá nhân đã khơi dậy tinh thần trách nhiệm của cộng đồng dân cư.
Một trong những hiệu quả rõ nét của phong trào “Dân vận khéo” không thể không nhắc đến đó là sự vào cuộc, chung tay của nhân dân trong giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Với nhiều cách làm sáng tạo, khéo léo trong tuyên truyền, vận động, phong trào đã góp phần khơi dậy được truyền thống yêu nước, phát huy được tinh thần, trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Nhờ dân vận khéo, các lực lượng chức năng đã kịp thời ngăn chặn nhiều vụ vi phạm pháp luật, từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội.
Đặc biệt, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới đã tạo động lực mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, được các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân tích cực hưởng ứng, tạo bước chuyển biến tích cực trong các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.
Nhiều cách làm hay, mô hình “Dân vận khéo” hiệu quả được duy trì và phát triển, huy động sự tham gia tích cực của nhân dân: Vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế; vận động nhân dân góp tiền, hiến đất, dồn điền, đổi thửa, tạo ô thửa lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tự nguyện đóng góp công sức, kinh phí, hiến đất, ủng hộ tiền, vật liệu, cùng sự hỗ trợ của Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Những kết quả thiết thực mà phong trào thi đua “Dân vận khéo” đạt được trong thời gian qua đã phát huy được quyền làm chủ, sức sáng tạo, tinh thần vượt khó của các tầng lớp nhân dân, tạo nên sự đồng thuận, cùng chung tay thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.
Thu Hoài