TĐKT - Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” là một trong những phong trào thi đua được Hội Nông dân tỉnh Lào Cai triển khai và thực hiện có hiệu quả. Phong trào đã thực sự đi vào cuộc sống và tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần cổ vũ động viên tinh thần, nghị lực vượt khó của quần chúng nhân dân vươn lên làm giàu chính đáng.
Mô hình vườn chè nguyên liệu ở xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng cho hiệu quả kinh tế cao
Xác định vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền trong phát triển phong trào, 10 năm qua các cấp Hội Nông dân cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đã tổ chức được trên 60 nghìn buổi tuyên truyền cho trên 1,8 triệu lượt người. Đồng thời phối hợp với ngành nông nghiệp tỉnh tổ chức trên 10 nghìn lớp tập huấn kiến thức chuyển giao khoa học kỹ thuật; tổ chức 52 hội nghị đối thoại trực tiếp với nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu cho trên 4 nghìn lượt nông dân; 18 hội nghị tập huấn kỹ năng tổ chức xây dựng mô hình liên kết hợp tác theo chuỗi giá trị nông sản tại 9 huyện, thành phố cho trên 1.200 lượt người; xây dựng hàng trăm phóng sự, hàng nghìn bài viết biểu dương gương tập thể, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu các cấp… để động viên, khuyến khích hộ nông dân vươn lên sản xuất, kinh doanh giỏi.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ nông dân thực hiện tốt phong trào, các cấp Hội trong tỉnh hợp đồng ủy thác vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội. Dư nợ từ 17 chương trình cho vay do Hội Nông dân quản lý đạt trên 665, 3 tỷ đồng cho trên 18,9 hộ vay, tại 641 Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Song song với đó, Hội đã Phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Lào Cai cho vay theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Qua đó có 9/9 huyện, Thành Hội đã ký chương trình phối hợp với chi nhánh Agribank, tín chấp thông qua tổ chức Hội đạt 1.054,4 tỷ đồng cho trên 15,2 nghìn hộ vay tại 650 tổ liên kết để tập trung đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh của hộ theo hướng sản xuất hàng hóa.
Hàng năm hội nông dân các cấp cũng chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, tổ hợp tác tham gia chuỗi giá trị hàng hóa nông sản, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại quảng bá tiêu thụ nông sản tại các hội chợ, điểm du lịch… Tham gia hoạt động tôn vinh sản phẩm nông nghiệp Việt Nam tiêu biểu, xuất sắc; tôn vinh nông dân tiêu biểu, xuất sắc nhất do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với các bộ ngành trung ương tổ chức.
Trong 10 năm, Hội đã triển khai 243 mô hình, dự án về lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện là trên 75 tỷ đồng xây dựng mô hình.
Các cấp hội cũng tích cực vận động các hộ nông dân đóng góp hàng trăm tỷ đồng, hàng triệu công lao động, hàng trăm tấn hạt giống, hàng triệu cây con giống hỗ trợ các hộ nghèo, các hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh tận dụng các điều kiện tự nhiên, xã hội sẵn có, tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, khắc phục khó khăn, tích cực tham gia sản xuất, kinh doanh ổn định cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo.
Người dân tham quan mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học tại xã Xuân Thượng, huyện Bảo Yên
Bình quân, hàng năm có trên 20 nghìn hộ đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp. 100% xã, phường, thị trấn có hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Phong trào ngày càng duy trì và có bước phát triển tốt. Nhiều hộ kỳ trước đạt danh hiệu cấp xã vươn lên cấp huyện, cấp huyện vươn lên cấp tỉnh và cao hơn... 149 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi có mô hình mới đạt hiệu quả: Mô hình cây ăn quả có múi ở Sa Pa, Mường Khương, cây tam thất ở Si Ma Cai, sa nhân tím ở Bát Xát, chế biến sắn, gỗ Bảo Yên, Bảo Thắng, rau hoa cao cấp Bắc Hà, Sa Pa, chăn nuôi ngựa, trâu sinh sản tại Văn Bàn, Bảo Yên…
Số hộ có thu nhập cao là 7.077 hộ, đạt từ 100 triệu đồng trở lên, chiếm 64,15 % trên tổng số hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó, 829 hộ thu nhập từ 201 triệu đến 300 triệu, 280 hộ thu nhập từ 301 triệu đến 500 triệu, 79 hộ có thu nhập từ 501 - 1.000 triệu đồng và đặc biệt có 11 hộ thu nhập đạt trên 1 tỷ đồng/năm.
Số hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi là người dân tộc thiểu số ngày càng tăng. Tiêu biểu như ông Thào Thắng, dân tộc Mông xã Bản Lầu huyện Mường Khương thu nhập 1,3 tỷ đồng/năm; ông Tẩn Vần Chẳn dân tộc Dao, xã Nậm Cang, huyện Sa Pa thu nhập 650 triệu đồng/năm; bà Cổ Thị Quân, dân tộc Tày xã Vĩnh Yên huyện Bảo Yên thu nhập 320 triệu đồng/năm…
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, các cấp hội nông dân sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cán bộ, hội viên về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng hình mẫu người nông dân gắn với nông thôn mới.
Đồng thời, làm tốt công tác bồi dưỡng kiến thức trong sản xuất, kinh doanh giỏi, nâng cao thu nhập cho người dân; đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân có thêm việc làm, nâng cao năng suất lao động và đặc biệt vận động nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái giúp đỡ nhau phát triển kinh tế.
Bảo Linh