TĐKT - Thời gian qua, cùng với tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, thành phố Hải Phòng đặc biệt quan tâm đến công tác giảm nghèo. Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” được triển khai sâu rộng trên địa bàn đã phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và cộng đồng, huy động mạnh mẽ các nguồn lực, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.
Trong 4 năm, từ 2016 - 2019, TP Hải Phòng đã giảm gần 17.000 hộ nghèo, hạ tỷ lệ hộ nghèo từ 4% năm 2016 xuống còn gần 1% năm 2019, theo tiêu chí đa chiều quốc gia giai đoạn 2016 - 2020. Năm 2019, Hải Phòng đã hoàn thành việc xây dựng, triển khai và nhân rộng 280 mô hình giảm nghèo ở 14 quận, huyện trên địa bàn thành phố, đạt 100% chỉ tiêu theo Kế hoạch của UBND thành phố về thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,2%, và tiếp tục là điểm sáng của cả nước trong công tác giảm nghèo.
Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng thăm tặng quà thương binh Phạm Danh Thược ở đường Đà Nẵng, Đoạn Xá 7, phường Đông Hải 1, quận Hải An
Có được kết quả trên, ngoài sự nỗ lực của từng hộ gia đình thì ý nghĩa hơn cả là sự chung tay hỗ trợ của các cấp, các ngành, của chính quyền địa phương. Nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo đã được TP Hải Phòng triển khai thực hiện đồng bộ: Chính sách khám, chữa bệnh cho người nghèo; hỗ trợ giáo dục cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm xuất khẩu lao động; hỗ trợ tiền điện; xây mới, sửa chữa nhà ở đối với hộ nghèo…
Hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã được vay vốn để phát triển sản xuất, bình quân từ 35 - 39 triệu đồng/hộ. Các mô hình kinh tế được đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nghèo, giúp giảm nghèo bền vững.
Tính riêng năm 2020, số người thuộc hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí là 6.501 người, với số tiền 5.280 triệu đồng; 21.366 người thuộc hộ cận nghèo được thành phố hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế với số tiền là 15.630 triệu đồng; 96.395 người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình được hỗ trợ 50% mức đóng bảo hiểm y tế với số tiền 38.779 triệu đồng.
Chính sách hỗ trợ giáo dục về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được thành phố thực hiện có hiệu quả. Tổng dư nợ vốn vay học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo đạt 104.068 triệu đồng, với 3.860 học sinh, sinh viên được vay vốn. Bình quân mỗi em được vay 26,9 triệu đồng để trang trải chi phí học tập và sinh hoạt trong thời gian theo học tại trường.
Năm 2020, thành phố đã triển khai hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho 553 hộ nghèo, trong đó: Hỗ trợ 6.706 triệu viên gạch, trên 2.800 tấn xi măng và hỗ trợ vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội số tiền là 17,135 tỷ đồng. 100% hộ nghèo của thành phố được hỗ trợ tiền điện theo đúng mức quy định.
Hàng năm, thành phố quan tâm trích ngân sách, huy động nguồn lực xã hội hóa chăm lo Tết cho người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội để đón Tết vui vẻ, đầm ấm với mức quà năm sau cao hơn năm trước. Tết Nguyên đán năm 2020, mỗi hộ nghèo, cận nghèo được tặng từ 1 - 1,2 triệu đồng/hộ.
Thành phố cũng thực hiện tốt vận động xã hội hóa trong công tác giảm nghèo. Số tiền vận động các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ cho công tác này năm 2020 là 20.657 triệu đồng.
Kết quả đạt được của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã từng bước tạo điều kiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các xã, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa khu vực thành thị với khu vực nông thôn. Tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giảm nhanh, đều qua các năm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung, người nghèo, hộ nghèo nói riêng được nâng cao; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, qua đó tạo điều kiện cho việc thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.
8 tháng đầu năm 2021, TP Hải Phòng đã triển khai khởi công cho 57 hộ nghèo đăng ký xây mới, sửa chữa nhà; giải ngân số vốn 1,435 tỷ đồng cho 44 hộ nghèo, trong đó 37 hộ xây mới và 7 hộ sửa chữa nhà; trích ngân sách tặng quà bằng tiền mặt cho 12.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo với số tiền là 14.635,6 triệu đồng.Toàn thành phố có 46.036 người có công và thân nhân được thành phố tặng quà với mức 4.498.000 đồng/suất, tổng kinh phí trên 207 tỷ đồng. Nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9, thành phố tổ chức thăm, tặng quà 133 người người có công, với mức quà 5 triệu đồng/người, tổng số tiền là 665 triệu đồng.
Hải Phòng phấn đấu đến năm 2025 không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia; nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; bảo đảm an sinh xã hội và các điều kiện hỗ trợ tăng trưởng bao trùm trong lĩnh vực giảm nghèo. Thực hiện đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo ngoài đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tập trung xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình giảm nghèo, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các mô hình khởi nghiệp cho người nghèo (trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh), các mô hình cần phát huy điều kiện, lợi thế của từng vùng miền, phù hợp với đối tượng, địa bàn cụ thể, mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hỗ trợ giảm nghèo trong tình hình mới. Tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo./.
Nguyễn Hoàng Bí
Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng TP Hải Phòng