Hà Giang quyết tâm thi đua xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh
26/10/2022 - 15:54

TĐKT - Quyết tâm thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Hà Giang đang nỗ lực hằng ngày để xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Là một tỉnh miền núi nơi địa đầu Tổ quốc, có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, Hà Giang đã và đang lưu giữ nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp đã trở thành giá trị di sản văn hóa của nhân loại và cấp quốc gia. Theo kết quả kiểm kê di sản năm 2021, Hà Giang còn lưu giữa 131 di sản văn hóa vật thể, 446 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 3 bảo vật quốc gia, 62 di tích, danh thắng, 27 di sản văn hóa phi vật thể được xếp hạng và đưa vào danh mục di sản văn hóa cấp Quốc gia và cấp tỉnh. Những giá trị di sản đó đã và đang trở thành tiềm năng vô giá để Hà Giang bứt phá phát triển du lịch theo hướng bền vững, tạo sinh kế cho người dân, giúp đồng bào các dân tộc vùng cao Hà Giang chung tay vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, bảo vệ vững chắc vùng lãnh thổ quốc gia nơi địa đầu Tổ quốc.

Thiếu nữ dân tộc Pà Thẻn, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống (Ảnh Tư liệu)

Bên cạnh những giá trị tốt đẹp đó, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Hà Giang, nơi vùng sâu, vùng xa vẫn còn tồn tại các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậuđã gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội; việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; nhiều giá trị văn hóa có kết quả nghiên cứu nhưng chưa được đưa vào sử dụng; tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, văn hóa đặc trưng của một số dân tộc thiểu số có nguy cơ bị mai một. Mối quan hệ giữa xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh với công tác bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc chưa được giải quyết hài hòa.

Nguyên nhân chủ yếu là do một số cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và một bộ phận nhân dân nhận thức chưa đầy đủ tầm quan trọng của việc thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh và sự cần thiết của việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc đối với sự phát triển bền vững của tỉnh. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh chưa được quan tâm thường xuyên, chưa có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Chưa có cơ chế, chính sách đồng bộ, xác định lộ trình cụ thể và các nội dung, phương thức triển khai hiệu quả trong việc thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh ở từng địa bàn cơ sở. Vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, Hội nghệ nhân dân gian trong công tác tuyên truyền, vận động chưa được phát huy hiệu quả.

Với quan điểm “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, những phong tục, tập quán hay, ý nghĩa, tốt đẹp thì duy trì, phát huy và ngược lại những hủ tục không phù hợp với nếp sống văn minh thì cần phải loại bỏ. Đây là nhiệm vụ bắt buộc đối với các địa phương, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, đặc biệt là người đứng đầu. Coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ, xếp loại thi đua đối với cán bộ, đảng viên hằng năm. Kiên quyết không giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm đối với những cán bộ và gia đình còn duy trì các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu. Phấn đấu để người dân Hà Giang có đời sống vật chất no đủ, có nếp sống văn minh. Thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Chỉ thị số 06/CT-TTg, ngày 20/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 10/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng bài trừ các hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, ngày 1 tháng 5 năm 2022 Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 27-NQ/TU về xóa bỏ xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng các dân tộc ở Hà Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

UBND tỉnh đã ban hành Chương trình số 199/CTr-UBND ngày 09/7/2021 của UBND tỉnh hành động thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TƯ ngày 10/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng bài trừ các hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 175/KH-UBND ngày 01/7/2022 của UBND tỉnh về việc Triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 01/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022 - 2025.

Để động viên, cán bộ và nhân dân chủ động, tự giác, tích cực tham gia có hiệu quả trong thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hà Giang; đồng thời gắn với việc bảo tồn và phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc; hát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút đông đảo du khách, từ đó nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh, ngày 26/9/2022, UBND tỉnh đã phát động phong trào “Thi đua xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc  trên địa bàn tỉnh Hà Giang” giai đoạn 2022 - 2025.

Mục tiêu trọng tâm của phong trào thi đua được xác định rất cụ thể: Phấn đấu đến hết năm 2022, đảm bảo 100% cán bộ, đảng viên đang công tác trong các cơ quan nhà nước, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm vận động người thân trong gia đình thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu. Đến hết năm 2025, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 75% các hộ gia đình trong toàn tỉnh nhận thức được tác hại, hệ lụy của các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu; sự cần thiết và tích cực tham gia bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu của gia đình, dòng họ. Đồng thời, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đảm bảo tính kế thừa có chọn lọc và phát huy thuần phong mỹ tục, bài trừ các hoạt động mê tín dị đoan, thực hành tiết kiệm, chống thương mại hóa, vụ lợi; không làm cản trở giao thông và các hoạt động công cộng; không gây ô nhiễm môi trường. Triển khai các chính sách an sinh xã hội gắn với thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, phát huy các tiềm năng, giá trị di sản văn hóa, hình thành một số không gian văn hóa dân tộc tiêu biểu, xây dựng môi trường văn hóa lành manh của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác cải tạo, phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Hà Giang xác định thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong tỉnh là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, hiệu quả, bền vững, trên nguyên tắc tuân thủ thực hiện đúng chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và được triển khai đồng bộ, quyết liệt trên cả hai mặt “xây” và “chống” trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, hướng dẫn, kiểm tra của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong việc xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh để nêu gương cho quần chúng làm theo. Đồng thời, nghiêm khắc phê bình và có hình thức xử lý kỷ luật đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm.

Thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh cùng với việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong tỉnh phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung quyết liệt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng con người mới, nếp sống mới, tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc trong các dân tộc. Việc xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong tỉnh góp phần hiện thực hóa mục tiêu nâng cao thể trạng, tầm vóc, sức khỏe nhân dân, giảm thiểu tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trong độ tuổi gắn với triển khai Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030; phát triển du lịch và giảm nghèo bền vững.

Người Mông xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc tổ chức các hoạt động văn nghệ giúp lưu giữ và phát huy bản sắc dân tộc (Ảnh tư liệu)

Thực hiện câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”, với niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo Đảng cùng với sự đoàn kết, đồng lòng quyết tâm thi đua của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cùng toàn thể cán bộ, đảng viên, cán bộ - chiến sĩ các lực lượng vũ trang và tầng lớp nhân dântrong tỉnh, phong trào “Thi đua xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hà Giang” giai đoạn 2022 - 2025 sẽ đạt được những kết quả và thành tựu nhất định, góp phần xây dựng tỉnh Hà Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại.

Hồng Thiết