Đổi mới tư duy, sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao
05/01/2018 - 13:40

TĐKT - Sáng 4/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành NN&PTNT năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018. Chủ trì Hội nghị có: Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân  Cường.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn  Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị (ảnh: Quang Hiếu)

 Năm 2017, vượt lên tất cả những khó khăn, thách thức, cả hệ thống chính trị, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các bộ ban ngành, các tỉnh, thành phố, các thành phần kinh tế, bà con nông dân đã vào cuộc ráo riết, quyết liệt, tập trung để thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, luôn tìm tòi đưa ra giải pháp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, thích ứng với thị trường.

Trong năm qua, đã có gần 2.000 doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, tăng 3,8% so với năm 2016, nâng số doanh nghiệp hoạt động trong ngành lên hơn 5.600. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ làm hướng đi chính và đã đầu tư hàng tỷ USD, đạt được những thành công rõ rệt.

Toàn ngành NN&PTNT đã vượt khó để đi lên với những thành tựu rất đáng trân trọng: Tốc độ tăng trưởng ngành năm 2017 đạt 2,94%, vượt mục tiêu so với Chính phủ đề ra là 2,84%. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 36,37 tỷ USD, vượt hơn 4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và thặng dư tuyệt đối của ngành đạt 8,55 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.

Trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tính đến hết năm, cả nước có 2.884 xã và 43 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 524 xã và 13 huyện so với năm 2016. Các nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện... Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45%, số vụ vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng giảm 23% và thiệt hại do phá rừng, cháy rừng giảm 68% so với cùng kỳ năm trước.

Vấn đề an toàn thực phẩm được kiểm soát khá chặt chẽ, đặc biệt là các vấn đề nổi cộm như sử dụng tràn lan hoá chất, kháng sinh và chất cấm trong chăn nuôi. Tính đến thời điểm hiện nay, trên phạm vi toàn quốc đã xây dựng thành công 744 mô hình điểm, chuỗi cung ứng nông, lâm và thuỷ sản an toàn.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những nỗ lực của ngành NN&PTNT trong năm qua đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 2017, GDP toàn ngành tăng 2,9%, đóng góp đến 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP cả nước. Một số lĩnh vực rất thành công, như lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu rau, củ quả đã vượt cả lúa gạo, dầu thô. Thặng dư thương mại trong nông nghiệp đạt 8,55 tỷ USD. Có 10 nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Ngành đã tích cực tham gia công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong bối cảnh năm 2017 có nhiều đợt bão lũ.

Thủ tướng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế: Thói quen sản xuất tiểu nông, đơn giản, nhỏ lẻ vẫn phổ biến; tình trạng đánh bắt hải sản bất hợp pháp vẫn diễn ra; một số đơn vị vẫn lấy rừng phòng hộ làm những việc không cần thiết; nỗi lo “được mùa, mất giá”; vấn đề an toàn thực phẩm vẫn còn tình trạng “rau  hai luống, lợn hai chuồng”…

Trong năm 2018, mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp đạt 3%; trong đó nông nghiệp 2,25%, lâm nghiệp 6,5% và thủy sản 5%. Xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD; 52 huyện và 37% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.  Đây là trách nhiệm nặng nề của ngành nông nghiệp trong năm tới.

Thủ tướng chỉ đạo ngay từ đầu năm, Bộ NN&PTNT và các địa phương cần thực hiện ngay các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và đặc biệt Nghị quyết 01 của Chính phủ, quán triệt, thực hiện nghiêm phương châm 10 chữ: “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả”; xây dựng chỉ tiêu cụ thể làm định hướng phấn đấu.

Xử lý đồng bộ một bước những vấn đề bức xúc trong nông nghiệp, nông thôn; quản lý tốt đầu vào, tăng năng suất, mở rộng thị trường và quan tâm hơn nữa đến môi trường ở nông thôn.

Tiếp tục đổi mới tư duy, sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, sạch, thông minh, “làm những gì có lợi nhất cho thị trường”. Cơ cấu hợp lý giữa chăn nuôi và trồng trọt, nhân rộng những mô hình sáng tạo, cách làm hay ở các địa phương, mô hình trao đổi nghề nông như hội quán nông dân ở Đồng Tháp.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm đối với các mặt hàng nông sản chủ lực, nghiên cứu thị trường trước khi sản xuất và đặc biệt chủ động hơn nữa trong phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tổ chức tốt nguồn hàng, đảm bảo an toàn thực phẩm để giữ vững và mở rộng thị trường; song song với xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Nguyệt Hà