Đẩy mạnh không thanh toán tiền mặt trong trường học ở Ninh Bình
12/12/2023 - 12:31

BTĐKT- Hưởng ứng phong trào chuyển đổi số, thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Ninh Bình đã tích cực triển khai thực hiện đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học. Việc này tạo sự minh bạch trong thu, chi tài chính của nhà trường, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong toàn ngành.

Các trường học trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt

Để triển khai thực hiện việc thanh toán các khoản thu trong nhà trường không dùng tiền mặt, ngay từ đầu năm học, thông qua các cuộc họp giữa nhà trường với Ban đại diện phụ huynh học sinh, giữa cô giáo chủ nhiệm với phụ huynh học sinh cũng như trao đổi trên các nhóm của lớp, của trường, Trường Tiểu học Trần Phú (thành phố Tam Điệp) đã triển khai cụ thể, chi tiết chủ trương của ngành GD&ĐTđối với việc thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học.

Cô giáo Đỗ Thị Loan, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú cho biết: Năm học 2023-2024, trường có trên 1.500 học sinh ở 36 lớp. Những năm học trước, mỗi khi thu học phí và các khoản thu dịch vụ trong nhà trường nhưtiền điện, tiền nước, tiền gửi xe, vệ sinh môi trường... đều mất khá nhiều thời gian của giáo viên và cả cha mẹ học sinh cũng như nhà trường. Không chỉ tốn nhiều thời gian cho việc thu nộp, kiểm đếm, lên danh sách học sinh đã đóng nộp, còn có tình trạng tiền thừa thiếu, nhầm lẫn, tiền giả... hoặc rơi mất khi phụ huynh đưa cho con đến trường nộp học.

Theo cô Loan, thực hiện mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học trên địa bàn, nhà trường đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh hiểu về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, cách thức thực hiện... Nhà trường đã ký kết với ngân hàng thương mại trên địa bàn để sử dụng dịch vụ, quy trình thực hiện được hướng dẫn tỉ mỉ, có số điện thoại của đại diện ngân hàng nhằm giúp các phụ huynh thực hiện thuận lợi nhất.

Với việc tích cực tuyên truyền, nhận thấy sự tiện lợi của hình thức không dùng tiền mặt, năm học 2023-2024, tại Trường Tiểu học Trần Phú, đã có trên 70% phụ huynh học sinh thực hiện quy định này. Nhà trường cũng vẫn thực hiện song song hình thức thu bằng tiền mặt đối với những phụ huynh chưa đăng ký sử dụng thẻ ngân hàng hoặc không sử dụng các dịch vụ chuyển tiền theo hình thức trực tuyến.

Tại Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (thành phố Ninh Bình), việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt cũng được nhà trường tuyên truyền thực hiện từ 4 năm học trước, ban đầu chỉ có khoảng 20% phụ huynh tham gia. Đến năm học 2022-2023, nhà trường đã có gần 100% phụ huynh học sinh thực hiện quy định này.

Thầy giáo Đỗ Văn Tự, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, việc thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu của xã hội hiện đại. Đây cũng là một nội dung hướng đến trong quá trình xây dựng trường học thông minh, tận dụng tối đa công nghệ số trong điều hành, quản trị nhà trường. Trường luôn có trên 1,5 nghìn học sinh theo học, việc nộp tiền qua tài khoản nhà trường đã giảm đáng kể thời gian và công sức cho giáo viên, giúp giáo viên chuyên tâm vào việc giảng dạy.

Chị Nguyễn Thanh Nhàn, phụ huynh con học khối 1 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng chia sẻ: Trước khi nộp các khoản thu, tôi được họp phụ huynh thông báo rõ ràng các khoản chi phí cần phải nộp. Sau đó, các khoản thu cũng được giáo viên chủ nhiệm gửi trên nhóm zalo của lớp, tổng số tiền của từng học sinh, để các phụ huynh nộp và đối chiếu với các khoản mà mình phải nộp cho con... Ở lớp con tôi, 100% các phụ huynh đều thực hiện nộp qua tài khoản và chỉ trong 1 -2 ngày là hoàn thiện cho giáo viên chủ nhiệm.

Có thể thấy, hiện nay, việc thanh toán không dùng tiền mặt mang lại rất nhiều lợi ích, như: Giúp tiết kiệm thời gian, không cần làm thủ công về công tác đối soát, kiểm tra tiền học phí, tiền đóng góp của học sinh... Tất cả đều được thực hiện tự động, giúp giảm rủi ro phát sinh trong các giao dịch tiền mặt như thừa thiếu, nhầm lẫn, tiền giả, rách hỏng...

Tuy nhiên, thực tế việc thanh toán không dùng tiền mặt là câu chuyện phải phù hợp với phụ huynh và điều kiện thực tế tại các địa phương. Do đó, tại nhiều nhà trường, nhất là tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, các nhà trường vẫn tiến hành song song việc thu tiền trực tiếp và trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ huynh và học sinh.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn do thói quen sử dụng công nghệ của phụ huynh. Đồng thời, việc triển khai thực hiện các giải pháp số hóa phải thông qua nhiều phần mềm, nhiều ứng dụng trực tuyến... dẫn đến rườm rà, khó hiểu, khó nhớ đối với phụ huynh học sinh, đòi hỏi có quá trình và từng bước thực hiện.

Để thúc đẩy quá trình không dùng tiền mặt trong trường học, bước vào năm học 2023-2024, ngành GD&ĐTNinh Bình đã tích cực triển khai các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Cụ thể như: Tổ chức lớp tập huấn sử dụng phần mềm các khoản thu, kết nối thanh toán không dùng tiền mặt cho kế toán trong các đơn vị trực thuộc sở; ban hành các văn bản về việc tiếp tục đẩy mạnh thanh toán học phí và các khoản dịch vụ giáo dục theo phương thức không dùng tiền mặt.

Trong  đó, SởGD&ĐTyêu cầu các cơ sở giáo dục cần lựa chọn đơn vị cung cấp giải pháp phù hợp, đa dạng hóa các kênh thanh toán để phụ huynh có nhiều lựa chọn, thuận tiện trong việc đóng các khoản phí; tăng cường quản lý, làm chủ dữ liệu, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin riêng tư cho phụ huynh học sinh.

Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐTcác huyện, thành phố cũng tổ chức các khóa bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và thống kê giáo dục cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Nội dung gắn với nhu cầu thực tiễn, phù hợp về kỹ năng tổ chức, quản lý các hoạt động dạy học kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến; kỹ năng thiết kế bài giảng E-Learning, video bài giảng, thiết bị dạy học số; kỹ năng quản lý, triển khai có hiệu quả các phần mềm quản trị trong cơ sở giáo dục, nâng cao nhận thức và kỹ năng về an toàn thông tin...

Hiện các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang tiếp tục triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt nhằm đảm bảo đạt chỉ tiêu được giao. Việc mở rộng thu học phí không dùng tiền mặt giúp minh bạch hóa các khoản thu trong trường học, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong trường học.

Bảo Linh