TĐKT - Đại học Thái Nguyên hình thành và phát triển gần 25 năm, là trường đại học vùng với chức năng, nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, góp phần đắc lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng trung du, miền núi Bắc Bộ và cả nước.
Hội nghị cung cấp thông tin về hoạt động của Đại học Thái Nguyên năm học 2019
PGS.TS Trần Viết Khanh, Phó Giám đốc trường Đại học Thái Nguyên cho biết, đến nay trường đã đào tạo 285 ngành, 115 chuyên ngành đào tạo sau đại học: 32 chuyên ngành tiến sĩ, 59 chuyên ngành thạc sĩ, 24 chuyên ngành bác sĩ, chuyên khoa cấp I, II và bác sĩ nội trú; 170 ngành và chuyên ngành đào tạo đại học, cao đẳng.
Các ngành đào tạo của Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) bao trùm lên tất cả các nhu cầu nhân lực của nền kinh tế - xã hội của đất nước (trừ lĩnh vực an ninh-quốc phòng). Có 9 ngành đào tạo chương trình tiên tiến được nhập khẩu từ các nước Mỹ, Anh, Hà Lan; 3 chương trình 24 chuyên ngành bác sĩ chuyên khoa cấp I, II và bác sĩ nội trú; 170 ngành và chuyên ngành đào tạo đại học, cao đẳng. Ngoài ra còn có trên 30 chương trình liên kết đào tạo từ trình độ đại học tới tiến sĩ với nước ngoài.
Quy mô đào tạo trên 60.000 người, trong đó học viên sau đại học là trên 5.000 người. Đặc biệt, trường thu hút trên 700 người nước ngoài của 12 nước đến học tập và nghiên cứu khoa học.
Chỉ tính riêng trong 5 năm gần đây, trường đã đào tạo và cung cấp cho vùng và đất nước gần 57.000 cán bộ có trình độ đại học và trên 7.000 cán bộ có trình độ sau đại học.
Chất lượng đào tạo không ngừng được củng cố và tăng cường. Đến nay, 7/7 trường đại học thành viên của trường đã được đánh giá và cấp chứng nhận kiểm định chất lượng quốc gia.
Bên cạnh đó, số cán bộ do trường đào tạo đã phát huy tốt kiến thức chuyên môn, năng lực thực tiễn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du, miền núi Bắc Bộ và cả nước; nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo cấp Trung ương, cán bộ chủ chốt của địa phương, doanh nghiệp.
Hơn hết, công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo và phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng và đất nước. Trong 25 năm qua, Đại học đã thực hiện trên 19.000 đề tài nghiên cứu các cấp, trong đó có trên 68 đề tài, chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước, trên 20 đề tài hợp tác nghiên cứu với nước ngoài, hàng trăm đề tài nghiên cứu cấp Bộ, thực hiện hàng trăm chương trình chuyển giao khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống.
Nhiều đề tài đã được triển khai áp dụng trong thực tiễn sản xuất, đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt đối với tỉnh Thái Nguyên, trường đã đào tạo nhiều nhà khoa học cho tỉnh và chuyển giao nhiều chương trình dự án có hiệu quả, riêng 2 năm 2017, 2018 đã được tỉnh ký chuyển giao hàng trăm tỷ đồng thuộc lĩnh vực: Nông lâm, thủy sản, công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghiệp, y học và dược liệu; giáo dục; phát triển du lịch…và nhiều lĩnh vực trọng điểm kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên được hợp tác nghiên cứu có hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế và phát triển bền vững.
Chỉ tính trong 5 năm gần đây, trường đã thực hiện có 5.260 đề tài nghiên cứu các cấp, trong đó có 38 đề tài, nhiệm vụ, chương trình, dự án cấp Nhà nước; 15 chương trình dự án, đề tài nghiên cứu hợp tác quốc tế; 02 nhiệm vụ khoa học nghiên cứu theo đặt hàng của Trung ương phục vụ cho Đại hội XII của Đảng và Ủy ban dân tộc; 714 đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ, tỉnh và trường; công bố gần 1000 bài báo khoa học, trong đó có 1.720 bài công bố trên tạp chí quốc tế, đặc biệt có 488 bài công bố trong danh mục ISI, Scorpus (đứng xếp hạng thứ 4 trong các trường đại học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo); ký kết hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với 15/15 tỉnh trung du, miền núi Bắc bộ và nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với tổng kinh phí trên 300 tỷ đồng; 14 sản phẩm được đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ; 7 sản phẩm, quy trình công nghệ được thương mại hóa, ứng dụng có hiệu quả trong sản xuất và đời sống; huy động trên 82,5 tỷ ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học.
Chức năng của trường không chỉ đào tạo, nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ mà còn có trọng trách là: tư vấn, phản biện và xây dựng chính sách.
Mặc dù số lượng cán bộ viên chức và sinh viên lớn, cư trú trên địa bàn rộng, nhưng tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn trong các trường luôn ổn định; môi trường an toàn và lành mạnh cho giảng dạy, học tập của giảng viên và sinh viên. Kết quả xếp loại rèn luyện của sinh viên có 98,78% đạt yêu cầu trở lên, trong đó có 88,03% sinh viên được xếp loại khá, tốt.
Ngoài ra, Đảng bộ ĐHTN có trên 90% tổ chức Đảng đạt tiêu chuẩn “Trong sạch vững mạnh” và “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên; ĐHTN đã thực hiện tốt nghĩa vụ xã hội qua việc tổ chức các hoạt động tình nguyện, nhân đạo, từ thiện, công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng; đã cử hàng nghìn lượt cán bộ, sinh viên đến các vùng sâu, vùng xa để hướng dẫn sản xuất, tư vấn học tập, xây dựng các công trình hạ tầng, tổ chức khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho những người nghèo, tổ chức thăm hỏi gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Trong 5 năm gần đây, trường đã đóng góp ủng hộ các quỹ từ thiện, nhân đạo của địa phương số tiền gần 10 tỷ đồng và hàng chục nghìn ngày công lao động, nhiều nhà công vụ cho giáo viên, hàng chục nghìn học liệu giúp đỡ giáo dục vùng đặc biệt khó khăn.
Với những thành tích đã đạt được, trường ĐHTN tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt và chú trọng vào năm nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo", ĐHTN cam kết thực hiện tốt tự chủ đại học, tạo ra một bước chuyển biến rõ rệt về chất lượng đào tạo; trước mắt đổi mới mạnh mẽ chương trình đào tạo đáp ứng thị trường lao động; tái cơ cấu ngành nghề đào tạo, tập trung xây dựng một số ngành đào tạo mũi nhọn có thế mạnh của ĐHTN (trong 2 năm qua đã chủ động đóng 21 ngành đào tạo và mở mới 12 ngành đào tạo cử nhân và thạc sĩ).
Thứ hai, triển khai các biện pháp thực hiện tốt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và tích cực tư vấn, góp ý xây dựng Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm đổi mới, nâng cao tính sáng tạo, chủ động và tạo động lực mới cho sự phát triển của giáo dục đại học.
Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ khoa học và cán bộ quản lý theo hướng chuẩn hóa và hội nhập quốc tế; tiếp tục cử giảng viên đi học tập tại các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, các trường đại học xuất sắc khu vực và thế giới.
Thứ tư, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, tăng cường hội nhập quốc tế và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển các Viện nghiên cứu khoa học, nhóm nghiên cứu mạnh, thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu gắn với chuyển giao công nghệ, kết quả phải được sản phẩm hóa, gắn với doanh nghiệp.
Cuối cùng là đầu tư phát triển môi trường giáo dục đại học thật sự dân chủ, sáng tạo, an toàn, lành mạnh theo hướng hiện đại hóa, cải cách hành chính và ứng dụng mạnh công nghệ thông tin và truyền thông trong quản lý và chuyên môn; đề xuất cơ chế tự chủ để thu hút các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư cho đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Phấn đấu ĐHTN trở thành đại học trọng điểm, trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ có chất lượng cao của vùng và đất nước.
Hồng Thiết