TĐKT – Phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng năm 2016 Cụm thi đua các tỉnh đồng bằng sông Hồng gồm: Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Ninh Bình có nhiều chuyển biến tích cực, tiếp tục đổi mới và sáng tạo, phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, đều khắp trên các lĩnh vực; là tiền đề, động lực để mỗi địa phương tiếp tục thi đua, lập nhiều thành tích trong năm 2017.
Năm qua, công tác thi đua - khen thưởng của Cụm thi đua các tỉnh đồng bằng sông Hồng tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng theo hướng ngày càng hiệu quả, thiết thực, trở thành động lực thúc đẩy các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện.
9 tỉnh đã phát động nhiều phong trào thi đua tập trung vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, tiêu biểu: phong trào “Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Năng suất, chất lượng, hiệu quả cao”; “Chất lượng cao, hao phí ít”, “Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật”, “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn”, “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Hiến đất làm đường, giải phóng mặt bằng”, “Thi đua sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn”, Mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung… Qua đó đã góp phần thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế của các tỉnh đề ra.
Đại diện các tỉnh trong Cụm thi đua đồng bằng Sông Hồng ký giao ước thi đua năm 2017
Các phong trào thi đua đã góp phần làm gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế của các tỉnh trong cụm, cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước (bình quân cả nước tăng 6,3% - 6,5%): Hà Nam tăng 11,62%; Thái Bình tăng 10,12%; Quảng Ninh tăng 10,1%; Bắc Ninh tăng 9%; Vĩnh Phúc tăng 8,56%; Hưng Yên tăng 8,1%; Hải Dương tăng 7,9 %; Ninh Bình tăng 7,76%; Nam Định tăng 7%. Sản xuất công nghiệp các tỉnh có xu hướng phục hồi; các ngành dịch vụ tập trung đảm bảo cung cấp hàng hóa và ổn định giá cả thị trường, cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân; tổng thu ngân sách Nhà nước cả năm trên địa bàn các tỉnh đạt mức cao...
Đặc biệt, phong trào xây dựng nông thôn mới tại các tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh và nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao của mọi tầng lớp nhân dân. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Đến nay, chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả đáng khích lệ: tỉnh Vĩnh Phúc có 92/112 xã đạt chuẩn (82,1%), có 2 huyện Yên Lạc, Bình Xuyên được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh Bắc Ninh có 35/97 xã đạt chuẩn. Tỉnh Hà Nam có 59/116 xã đạt chuẩn. Tỉnh Thái Bình 164/263 xã và 1 huyện đạt chuẩn. Tỉnh Hải Dương có 1 huyện và 59/65 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nam Định có 152/209 xã đạt chuẩn. Ninh Bình có 60/123 xã và 1 huyện đạt chuẩn. Quảng Ninh có 23/86 xã đạt chuẩn, 3 huyện, thị xã, thành phố đạt tiêu chí nông thôn mới, trong đó Cô Tô là huyện đảo đầu tiên trong cả nước được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà trao hoa cho Cụm trưởng, Cụm phó Cụm thi đua các tỉnh đồng bằng sông Hồng năm 2017. (ảnh Thông tấn xã Việt nam)
Bên cạnh đó, các tỉnh trong Cụm thi đua tổ chức thực hiện tốt các giải pháp về cải cách hành chính, triển khai hiệu quả một số mô hình “Một cửa liên thông”, “Một cửa điện tử hiện đại”, trung tâm hành chính công; tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhanh gọn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, nhất là các thủ tục về thu hút đầu tư và đầu tư xây dựng cơ bản.
Cùng với thực hiện tốt các phong trào thi đua, công tác khen thưởng được các tỉnh quan tâm đúng mức, kịp thời và có tác dụng nêu gương. Tỷ lệ khen người lao động trực tiếp được nâng lên, bước đầu đã có nhiều tỉnh quan tâm đến khen theo hướng “phát hiện”. Việc khen thực hiện nhiệm vụ chính trị đã kịp thời động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân, mọi tầng lớp nhân dân khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của năm 2016 ở mỗi tỉnh.
Với những thành tích trong phong trào thi đua và công tác khen thưởng năm 2016, tỉnh Vĩnh Phúc đã được tặng Cờ dẫn đầu phong trào thi đua năm 2016; Quảng Ninh và Hà Nam được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh Ninh Bình được bầu làm Cụm trưởng Cụm thi đua năm 2017; Hải Phòng và Quảng Ninh được bầu làm Cụm phó Cụm thi đua.
Với quyết tâm thi đua đoàn kết, trao đổi, học tập kinh nghiệm, sáng tạo, chủ động đổi mới, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, 9 tỉnh trong Cụm thi đua đồng bằng sông Hồng đã ký kết giao ước thi đua năm 2017, góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua trong cụm và trong cả nước. Trong đó, 9 tỉnh tập trung đổi mới công tác thi đua - khen thưởng gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đẩy mạnh các phong trào thi đua theo hướng thiết thực, hiệu quả, hướng vào giải quyết những vấn đề còn khó khăn, tồn tại của địa phương. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, nâng cao chất lượng công tác thi đua - khen thưởng gắn với việc khắc phục các biểu hiện phô trương, hình thức và bệnh thành tích. Nâng cao chất lượng, đổi mới hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, các cụm, khối thi đua và tăng cường hơn nữa trách nhiệm, vai trò của cơ quan chuyên trách làm công tác thi đua - khen thưởng của các tỉnh…
Mai Thảo