TĐKT - Sáng 29/7, tại Hà Nội, Cụm thi đua 5 thành phố trực thuộc Trung ương (bao gồm: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng) tổ chức Hội nghị sơ kết giao ước thi đua 6 tháng đầu năm 2019. Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh: 6 tháng đầu năm 2019, công tác thi đua, khen thưởng 5 thành phố trực thuộc Trung ương đã đổi mới về cả nội dung, hình thức, phương thức hoạt động. Cùng với phong trào thi đua có tính truyền thống, nhiều phong trào thi đua mang tính chuyên đề đã được kết hợp triển khai có hiệu quả. Sự đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện các phong trào thi đua của các tỉnh, thành phố đã góp phần tạo ra khí thế thi đua mới, đồng bộ và rộng khắp.
Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều gương sáng, điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội. Phong trào thi đua đã phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp các ngành, đoàn thể và nhân dân các thành phố góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ước đạt 611.525 tỷ đồng, tăng 7,86% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 193.310 tỷ đồng, đạt 48,43%, tăng 7,04% so với cùng kỳ; tổng lượng khách du lịch đến với thành phố ước đạt 4,25 triệu lượt khách, tăng 10,1% so với cùng kỳ.
Tổng sản phẩm trên địa bàn TP Hà Nội ước tăng 7,21% so với cùng kỳ; thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 133.854 tỷ đồng, đạt 50,2% dự toán; lượng khách du lịch đến với Hà Nội ước đạt 14,4 triệu lượt khách, tăng 9,5% so với cùng kỳ.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP Hải Phòng ước đạt 16,3% so với cùng kỳ - cao nhất từ trước đến nay; tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn ước thực hiện được 7.075,2 triệu USD, tăng 80,95% so với cùng kỳ, bằng 70,22% so với kế hoạch; thu hút khách du lịch ước đạt trên 3,98 triệu lượt, tăng 11,86% so với cùng kỳ, bằng 43,85% so với kế hoạch…
Ngoài thực hiện các phong trào thi đua do Thủ tướng phát động: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau” và thực hiện các nội dung ký kết giao ước thi đua của Cụm thi đua 5 thành phố trực thuộc Trung ương năm 2019, 5 thành phố còn tập trung phát động các phong trào thi đua gắn với thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng tại địa phương. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và giải pháp trong tổ chức các phong trào thi đua nhằm thực hiện hiệu quả các chương trình đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của từng thành phố.
Công tác tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến và nhân tố mới được các thành phố chú trọng, mở nhiều chuyên trang, chuyên mục trên các báo, đài.
Các đại biểu trao đổi bên lề Hội nghị
Công tác khen thưởng trên địa bàn 5 thành phố được triển khai đồng bộ, chặt chẽ, toàn diện; đảm bảo khen thưởng kịp thời, đúng đối tượng, đúng thành tích, theo quy định của Luật, Nghị định và các văn bản hướng dẫn. Việc lập hồ sơ, quy trình xét duyệt các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng được thực hiện chặt chẽ, công khai, công bằng và dân chủ, tập trung khen cơ sở, tập thể nhỏ và thành phần kinh tế trong công nhân, nhân dân, lao động. Đối tượng khen thưởng cũng được mở rộng hơn đến các tầng lớp nhân dân ở nhiều lĩnh vực hoạt động, công tác, từ đó góp phần động viên, nêu gương kịp thời và thiết thực trong quần chúng nhân dân.
Để công tác thi đua - khen thưởng tạo động lực cho mỗi tập thể, cá nhân trong triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đại diện 5 thành phố cũng đề nghị: Chính phủ cần sửa đổi các quy chế về quản lý tổ chức, xem xét và tôn vinh danh hiệu, trao thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp. Quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng của các cấp.
Đề nghị Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương quan tâm, xem xét khen thưởng thành tích kháng chiến, khen thưởng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đối với những trường hợp là mẹ kế; xem xét kéo dài thời gian nộp hồ sơ đề nghị Cờ thi đua của Chính phủ trước ngày 30/6 hàng năm để đảm bảo các doanh nghiệp có đầy đủ hồ sơ khi trình khen; xây dựng và phát hành bộ tài liệu tập huấn nghiệp vụ công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn hiện nay để các địa phương quán triệt, triển khai công tác thi đua, khen thưởng được thống nhất…
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban thi đua – Khen thưởng Trung ương ghi nhận 3 điểm đổi mới, sáng tạo trong công tác thi đua, khen thưởng của 5 thành phố: Hệ thống văn bản thi đua, khen thưởng được 5 thành phố liên tục rà soát và hoàn thiện, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn. Hoạt động cụm, khối thi đua của các tỉnh được sắp xếp hiệu quả, có nhiều đổi mới, sáng tạo. Các phong trào thi đua bám sát vào nhiệm vụ trọng tâm, khâu yếu việc khó, có các tiêu chí thi đua rõ ràng và được kiểm tra, sơ, tổng kết và đánh giá cẩn thận. Ấn tượng nhất là kết quả của phong trào “Doanh nghiệp hội nhập và phát triển”. Công tác tuyên truyền về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt được 5 thành phố chú trọng triển khai bài bản và hiệu quả…
Thứ trưởng Trần Thị Hà cũng trả lời các kiến nghị của các đại biểu tại Hội nghị. Đồng chí thừa nhận, hiện nay quy trình thủ tục xét khen thưởng đang còn gặp một số vấn đề, đôi lúc rườm rà. Nhưng chủ yếu gặp ở các hồ sơ khen thưởng thành tích tích lũy, còn đối những trường hợp khen thưởng đột xuất, khen theo chuyên đề đã được đổi mới rất nhiều, nhanh chóng, kịp thời.
Tuy nhiên, Luật Thi đua, Khen thưởng sửa đổi sắp tới sẽ khắc phục được những hạn chế này, nhất là sẽ có nhiều đổi mới trong cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng. Ban Thi đua Trung ương hiện đã có phần mềm quản lý hồ sơ khen thưởng điện tử liên thông từ cấp tỉnh lên Trung ương…
Thứ trưởng cũng đề nghị các thành phố nên học tập kinh nghiệm của Hà Nội trong triển khai trình xét khen thưởng Cờ thi đua Chính phủ hàng năm rất bài bản, kịp thời…
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được của 5 thành phố trong 6 tháng đầu năm 2019. "5 thành phố đã liên tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị 34 của Bộ chính trị. Mỗi một thành phố có một chủ đề thi đua khác nhau, cụ thể hóa các chương trình hành động của địa phương mình; triển khai hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 về ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái đạo đức….”
Đồng chí đề nghị, các thành phố tiếp tục tập trung phát động mạnh mẽ các hoạt động kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội; tích cực thực hiện cải cách hành chính. Các thành phố tăng cường hoạt động trao đổi kinh nghiệm, học tập mô hình tốt, cách làm hay với nhau hơn nữa. Hướng đến sơ kết 5 năm Chỉ thị 34, các thành phố cần chỉ ra những mô hình đổi mới, đột phá trong thực hiện thi đua, khen thưởng để tiếp tục nhân rộng ra khắp cả nước…
Mai Thảo