Cụm thi đua 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đăng ký 79.454 sáng kiến
18/03/2022 - 14:50

TĐKT - Sáng 17/3, tại Cần Thơ, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện các chỉ đạo của Tổng Liên đoàn về công tác thi đua, khen thưởng. Các đồng chí Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực và Thái Thu Xương – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Cùng dự có các đồng chí đại diện Thường trực và Thường vụ LĐLĐ 8 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Toàn cảnh Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện các chỉ đạo của Tổng Liên đoàn về công tác thi đua, khen thưởng

Theo ông Nguyễn Xuân Hùng - Chánh Văn phòng Tổng LĐLĐ Việt Nam, tính đến ngày 17/3, trên Cổng trực tuyến (https://congdoanvietnam.org) ghi nhận hơn 26 nghìn sáng kiến của cán bộ công đoàn, đoàn viên, CNVCLĐ đã được cập nhật. Trong đó, tại cụm thi đua 12 tỉnh ĐBSCL đã có một số đơn vị tham gia cập nhật ở mức độ khá so với mặt bằng chung của cả nước như Hậu Giang xếp thứ 5 toàn quốc với 825 sáng kiến; Cần Thơ xếp thứ 6 toàn quốc với 824 sáng kiến, An Giang xếp thứ 7 toàn quốc với 592 sáng kiến…

Chia sẻ tại hội nghị, đại diện 8 LĐLĐ tỉnh thành phố thuộc khu vực ĐBSCL nêu những thuận lợi, một số khó khăn và nhiều giải pháp để triển khai có hiệu quả chương trình thời gian tới.

Đồng chí Huỳnh Thị Hiền – Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Cần Thơ cho biết, việc triển khai chương trình “Một triệu sáng kiến” rất thuận lợi ở nhóm đối tượng cán bộ, viên chức, người lao động các đơn vị sự nghiệp; công nhân, viên chức, lao động thực hiện các công trình, đề án, đề tài khoa học, nghiên cứu chế tạo máy móc, thiết bị, sáng kiến cải tiến kỹ thuật... góp phần thực hiện tốt phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; cán bộ, công chức các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; trong đó có cán bộ công đoàn. Nhóm đối tượng là công nhân, lao động còn có khó khăn nhất định do đa số người lao động làm việc cho doanh nghiệp chế biến hải sản nên ít có điều kiện để tham gia hoạt động sáng kiến…

Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh Cần Thơ sẽ phát huy vai trò của ban chấp hành công đoàn cơ sở trong việc hỗ trợ đoàn viên, CNVCLĐ cập nhật. Đồng thời, LĐLĐ tỉnh cũng phân công cán bộ đến công đoàn cấp trên hướng dẫn, đôn đốc công đoàn cơ sở thực hiện đảm bảo chỉ tiêu có 9.000 sáng kiến đóng góp vào Chương trình “Một triệu sáng kiến”.

Là đơn vị dẫn đầu cụm thi đua 12 tỉnh ĐBSCL, đồng chí Nguyễn Văn Bảy, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hậu Giang đúc kết kinh nghiệm từ thành công bước đầu của địa phương. Đó là LĐLĐ tỉnh đã sớm ban hành kế hoạch có giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị; phân công cán bộ theo dõi, rà soát báo cáo kết quả hàng tuần với Thường trực. Theo đó, đối với những đơn vị có số lượng sáng kiến cập nhật chưa đạt yêu cầu thì LĐLĐ tỉnh có nhắc nhở; các đơn vị có nhiều sáng kiến thì động viên,  khen thưởng kịp thời.

Nhấn mạnh về vai trò của công tác tuyên truyền trong thực hiện Chương trình “Một triệu sáng kiến”, đồng chí Nguyễn Văn Thanh – Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh, LĐLĐ tỉnh đã đa dạng cách thức tuyên truyền đến với cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ. Ngoài tuyên truyền trực tiếp, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng các sản phẩm truyền thông đa phương tiện để phổ biến, lan tỏa trên website, mạng xã hội. LĐLĐ tỉnh giao trưởng ban Chính sách pháp luật chịu trách nhiệm triển khai, Ban Tuyên giáo phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình.

Trong định hướng phát triển Chương trình thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Thanh đề xuất giải pháp khen thưởng tùy theo hiệu ứng, sức lan tỏa của chương trình, đặc biệt Tổng LĐLĐ Việt Nam xem xét công nhận sáng kiến các sáng kiến hợp lệ được cập nhật trên phần mềm để ghi nhận và tạo động lực thu hút cán bộ công đoàn, đoàn viên, CNVCLĐ tham gia hoạt động sáng kiến.

Khác với Chương trình 75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển, tại Chương trình “Một triệu sáng kiến” Tổng LĐLĐ Việt Nam có nhiều điểm mới, tiêu chuẩn cao hơn. Cụ thể là đã sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo để quét những sáng kiến có chứa nội dung một phần hoặc toàn bộ nội dung từ sáng kiến của cá nhân khác đã ghi nhận trên kho lưu trữ của hệ thống; có nội dung sao chép từ nguồn Internet để LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn xem xét phê duyệt.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đặt vấn đề về việc xác định chương trình “Một triệu sáng kiến” là phong trào hành động của cán bộ công đoàn thực hiện triệu việc tốt.  Muốn vậy, từng công đoàn cơ sở phải có kế hoạch hưởng ứng, công nhận sáng kiến khi được tổ chức thực hiện và dự báo khả năng làm lợi;

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, cần phải thể hiện đúng mức vai trò, trách nhiệm tổ chức phong trào của cán bộ công đoàn: Không chỉ thực hiện những công việc hành chính như tham mưu kế hoạch, tổ chức phát động khen thưởng mà là người có vai trò quan trọng khác trong xây dựng thành phong trào, là sợi dây gắn kết giữa kế hoạch cấp tỉnh và sự cụ thể hóa ở cơ sở, làm cho mục tiêu cấp tỉnh sinh động, hiện thực.

Ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh, cán bộ công đoàn cần nhận thức rõ, chương trình “1 triệu sáng kiến” là hành động góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội đất nước; có thêm cơ sở ghi nhận sự đổi mới hoạt động công đoàn; là cơ sở để thương lượng với người sử dụng lao động về cải thiện cuộc sống của người lao động. Sự hưởng ứng tích cực, đông đảo, hiệu quả, thực chất của đoàn viên, người lao động; sự vào cuộc đồng bộ, hiệu lực của người sử dụng lao động là nhân tố quyết định cả chương trình.

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện, tạo được tinh thần thi đua giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các địa phương, ngành với nhau bằng truyền thông, bằng kết hợp các cuộc họp, hội nghị, ánh giá tại các cụm thi đua, khắc phục tình trạng không thi đua mà được khen thưởng.

Có như vậy, mục tiêu kế hoạch của từng đơn vị mới thành hiện thực, là những con số hiện hữu, biết nói, có tác động sâu rộng từ những con người cụ thể, bằng việc làm hiệu quả cao được ghi nhận và tôn vinh. Trước mắt, phải phân biệt người đặt mục tiêu và người thực hiện tạo ra sáng kiến; cách viết sáng kiến, công nhận sáng kiến, đẩy mạnh sáng kiến trong khu vực sản xuất, kinh doanh.

Ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh: Tình hình kinh tế - xã hội đang có chuyển biến tích cực, nhưng còn nhiều khó khăn, người lao động nên nỗ lực vượt khó là vì mọi người và vì bản thân mỗi người lao động. Điểm then chốt là khẳng định vai trò của người lao động, không chỉ có ý thức mà bằng sự lao động sáng tạo.

 Ngọc Tú