Công tác thi đua, khen thưởng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động trong ngành Tài chính
21/12/2018 - 15:03

TĐKT - Trong năm 2018, công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT) của Bộ Tài chính đã được triển khai thực hiện nghiêm túc theo đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Bộ. Công tác TĐKT từng bước đi vào nền nếp, đảm bảo chính xác, khách quan, đáp ứng được yêu cầu của lãnh đạo Bộ đề ra.

Vụ trưởng Vụ TĐKT Bộ Tài chính Nguyễn Hùng Minh báo cáo kết quả công tác TĐKT năm 2018

Vụ trưởng Vụ TĐKT Nguyễn Hùng Minh cho biết, năm 2018 là năm thứ 4, toàn hệ thống đã triển khai có nền nếp việc đánh giá cán bộ với thi đua, bình xét khen thưởng, đặc biệt đã gắn trách nhiệm của người đứng đầu với chất lượng, cấp độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và gắn liền với cải cách thủ tục hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác TĐKT. Trong thời gian qua, Vụ TĐKT cùng với một số đơn vị thuộc Bộ đã khảo sát thực trạng việc khai thác và sử dụng phần mềm quản lý TĐKT 2.0 tại 7 đơn vị (gồm Cơ quan Tổng cục Thuế, Thuế Hà Nội, Thuế Bắc Ninh, Kho bạc Bắc Ninh; Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Cục Dự trữ Hà Bắc và Học viện Tài chính). Cuộc khảo sát đã giúp cho các cán bộ kỹ thuật, cán bộ làm công tác TĐKT nắm rõ được các hạn chế của phần mềm quản lý TĐKT 2.0 đang gặp phải hiện nay, từ đó đề xuất các giải pháp, các yêu cầu về nghiệp vụ TĐKT để chỉnh sửa, nâng cấp phần mềm nhằm đáp ứng việc khai thác sử dụng.

Nhờ được đẩy mạnh, công tác TĐKT đã mang lại hiệu quả thiết thực trong ngành tài chính. Kết quả, trong tháng 11, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) thực hiện ước đạt 93,4 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 11 tháng đạt 1.222,7 nghìn tỷ đồng, bằng 92,7% dự toán năm, bằng 90% mức đánh giá thực hiện cả năm báo cáo Quốc hội, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thu nội địa thực hiện tháng 11 ước đạt 70 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 11 tháng đạt 975,4 nghìn tỷ đồng, bằng 88,7% dự toán, tăng 15,3% so cùng kỳ năm 2017.

Không kể các khoản như thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp nhà nước, thu hồi vốn NSNN đầu tư tại các tổ chức kinh tế và thu chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước thì số thu nội địa còn lại ước đạt 742,9 nghìn tỷ đồng, bằng 85,6% dự toán năm, tăng khoảng 13% so cùng kỳ năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 đạt 83,5% dự toán năm, tăng 9,6%).

Ước đến hết tháng 11/2018, có 48/63 địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 92%) và hầu hết các địa phương thu đạt cao hơn so cùng kỳ năm 2017.

Công tác quản lý thu nội địa 11 tháng đầu năm đã đạt nhiều tiến bộ. Tính đến ngày 26/11/2018, cơ quan Thuế đã thực hiện gần 78,6 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra thuế tại doanh nghiệp và kiểm tra trên 424,96 nghìn hồ sơ tại trụ sở cơ quan Thuế, kiến nghị xử lý thu vào NSNN gần 15,4 nghìn tỷ đồng (số đã nộp vào NSNN 10,2 nghìn tỷ đồng); chống chuyển giá, giảm lỗ trên 25,1 nghìn tỷ đồng; thu hồi được 28,1 nghìn tỷ đồng nợ thuế.

Trong tháng 12/2018, cơ quan Thuế các cấp tiếp tục triển khai quyết liệt công tác thu hồi nợ và cưỡng chế nợ thuế, phấn đấu đưa tổng số nợ thuế đến thời điểm 31/12/2018 không vượt quá 5% tổng thu NSNN như mục tiêu đề ra.

Tính đến ngày 15/11/2018, cơ quan Hải quan đã thực hiện 6,5 nghìn cuộc kiểm tra sau thông quan, xử lý thu vào ngân sách 2.000 tỷ đồng; đôn đốc, xử lý thu hồi 1.333 tỷ đồng nợ thuế; phát hiện, bắt giữ, xử lý trên 15,5 nghìn vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan, xử lý tăng thu cho ngân sách 306 tỷ đồng; cơ quan Hải quan đã khởi tố 62 vụ và chuyển các cơ quan khởi tố 99 vụ.

Thu từ dầu thô thực hiện tháng 11 ước đạt 6,2 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu 11 tháng đạt 57,9 nghìn tỷ đồng, bằng 161,4% dự toán năm, tăng 41,1% so cùng kỳ năm 2017. Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu: Thực hiện tháng 11 ước đạt 28,3 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu 11 tháng đạt 283,5 nghìn tỷ đồng, bằng 100,2% dự toán năm, tăng 8,3% so cùng kỳ năm 2017. Sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (98,2 nghìn tỷ đồng), thu cân đối NSNN đạt 185,2 nghìn tỷ đồng, bằng 103,5% dự toán năm, tăng 7,6% so cùng kỳ năm 2017.

Tổng chi NSNN tháng 11 ước đạt 105,7 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi NSNN 11 tháng đạt 1.210,6 nghìn tỷ đồng, bằng 79,5% dự toán năm, tăng 7,8% so cùng kỳ năm 2017, trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 239,6 nghìn tỷ đồng, đạt xấp xỉ 60% dự toán năm, tăng 6,7%; chi trả nợ lãi đạt 98,1 nghìn tỷ đồng, bằng 87,2% dự toán năm, tăng 13,4%, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ nợ đến hạn theo cam kết; chi thường xuyên đạt 841,7 nghìn tỷ đồng, bằng 89,5% dự toán năm, tăng 4,3%, theo đúng dự toán và tiến độ thực hiện của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Tính đến hết ngày 30/11/2018, lũy kế chi thường xuyên đã thực hiện kiểm soát qua hệ thống Kho bạc Nhà nước đạt 76,6% dự toán. Thông qua công tác kiểm soát chi NSNN, các đơn vị Kho bạc Nhà nước đã phát hiện ước khoảng 14.105 khoản chi chưa đủ thủ tục theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết và số tiền thực từ chối thanh toán là 35,2 tỷ đồng.

Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Đến ngày 26/11/2018 đã thực hiện phát hành 148,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, đáp ứng đủ nguồn để bù đắp bội chi và trả nợ gốc tiền vay của ngân sách trung ương theo dự toán.

Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2018, công tác TĐKT năm 2019 của Bộ Tài chính tập trung vào các nội dung: Tiếp tục tổ chức phát động và triển khai thực hiện thắng lợi phong trào thi đua toàn ngành ngay từ đầu năm 2019 với khẩu hiệu “Đẩy mạnh kỷ cương, chỉ đạo quyết liệt, phối hợp đồng bộ, triển khai kịp thời, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2019” với 6 nội dung thi đua và 4 biện pháp thực hiện.

Cùng với đó, bám sát quá trình xét khen thưởng và tiến độ trình tại các Cơ quan Trung ương (Ban TĐKT Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước), đảm bảo sớm có kết quả khen thưởng thành tích năm 2018, chuẩn bị cho nội dung họp Hội nghị dân chủ tại Bộ và các đơn vị cấp Tổng cục.

Đặc biệt, hướng tới Kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống của ngành Tài chính Việt Nam và Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X vào năm 2020, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác TĐKT, tập trung tuyên truyền các điển hình và đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác TĐKT của ngành Tài chính.

Với những thành tích đã đạt được về công tác khen thưởng năm 2018, Bộ Tài chính đã có 2.160 tập thể được tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, trong đó 137 tập thể được tặng Cờ thi đua của Bộ. 19 tập thể đã được tặng Cờ thi đua của Chính phủ. 3 cá nhân thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước được tặng Huân chương Lao động các hạng (1 Huân chương Lao động hạng Nhì; 2 Huân chương Lao động hạng Ba); 1 tập thể  và 40 cá nhân thuộc Tổng cục Hải quan được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Hồng Thiết