TĐKT – Tối 5/7, tại Hà Nội, Hội Truyền thông số Việt Nam và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG Việt Nam tổ chức Lễ công bố Đơn vị phát triển Chính phủ điện tử tiêu biểu năm 2017. Lễ công bố nằm trong khuôn khổ Hội nghị Quốc gia về Chính phủ điện tử 2018 và Hội nghị Quốc gia về Banking 2018.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam là một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng CNTT vào giải quyết thủ tục hành chính
Buổi lễ được tổ chức nhằm tuyên dương những đơn vị đứng đầu trong các bảng xếp hạng được trình bày trong Báo cáo Đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2017 do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện.
Qua đó, ghi nhận và biểu dương những nỗ lực xây dựng và phát triển chính quyền điện tử cả về chất lượng lẫn số lượng của các bộ, cơ quan và địa phương, đồng thời khuyến khích đẩy mạnh quá trình ứng dụng CNTT vào giải quyết thủ tục hành chính trên cả nước.
Trong nhóm bộ và cơ quan ngang bộ, Bộ Tài chính là cơ quan đi đầu trong việc phát triển Chính phủ điện tử, với số lượng hồ sơ trực tuyến giải quyết trong năm là hơn 20 triệu hồ sơ, chiếm đại đa số tổng hồ sơ giải quyết.
Ở nhóm các cơ quan thuộc Chính phủ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xếp hạng nhất về hoạt động đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính, với hơn 166 triệu hồ sơ trực tuyến của dịch vụ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong năm 2017.
Ở nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên - Huế vượt lên dẫn đầu cả nước về triển khai Chính phủ điện tử. Theo ngay sau đó là Đà Nẵng, Lâm Đồng, Quảng Ninh và TP Hồ Chí Minh.
Việc xếp hạng hoạt động xây dựng và phát triển chính quyền điện tử ở các đơn vị dựa trên 6 tiêu chí: Hạ tầng kỹ thuật CNTT; ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan; trang/cổng thông tin điện tử (cung cấp, cập nhật thông tin; các
chức năng hỗ trợ trên trang/cổng thông tin điện tử); cung cấp dịch vụ công trực tuyến; cơ chế, chính sách và quy định cho ứng dụng CNTT; nhân lực cho ứng dụng CNTT.
Ứng dụng Chính phủ điện tử một cách nghiêm túc sẽ giúp giao dịch của các cơ quan Chính phủ với công dân, với doanh nghiệp và các tổ chức sẽ được cải thiện, nâng cao chất lượng và đảm bảo công bằng trong các dịch vụ công. Việc này cũng đồng thời nâng cao hiệu lực và hiệu quả của các cơ quan Nhà nước, tăng cường quản lý Nhà nước với sự tham gia của cộng đồng.
Cùng với đó, Chính phủ điện tử cho phép thiết lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ và đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, khách hàng "trực tuyến" (online) chứ không phải "xếp hàng" (in-line). Chính phủ điện tử cho thấy rõ ràng tiềm năng cải thiện chất lượng, phạm vi và khả năng tiếp cận các dịch vụ.
Ngoài ra, sự phát triển của Chính phủ điện tử cũng tạo ra các tiềm năng cho các dịch vụ mới. Cùng với khả năng kết hợp các dịch vụ hiện có, Chính phủ điện tử có thể đóng góp cho một thay đổi về chất trong cách công dân tương tác với Chính phủ và các biện pháp điều hành nền kinh tế và quản lý xã hội của Chính phủ.
Phương Thanh