Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực và thi đua thực hiện văn hóa công sở
24/07/2019 - 20:18

TĐKT – Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 -28/7/2019), chiều 24/7, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức phát động Cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực” và triển khai phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tới dự và phát biểu.

Cùng dự, có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường.

Phát động tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường chỉ rõ: Những năm qua, phần lớn đoàn viên công đoàn là cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) luôn nỗ lực, cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, sáng tạo, đổi mới và sâu sát với cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ CBCCVC có biểu hiện suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; có các hành vi tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà, sách nhiễu, hách dịch, cửa quyền với người dân và doanh nghiệp để vụ lợi. Những biểu hiện và hành vi đó làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào đội ngũ CBCCVC, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phát biểu tại buổi lễ

Thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng, phê duyệt và tổ chức Cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”, sau một thời gian nghiên cứu, chuẩn bị công phu, tổ chức các hội thảo, lấy ý kiến của các ban, bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành phố, đến nay Đề án đã được Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phê duyệt.

Nội dung của Cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”, gọi tắt là “5 không” bao gồm: Không cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà; không quan liêu, vô cảm, vô trách nhiệm; không tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; không xu nịnh, chạy chọt, gian dối; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ.

Nội dung chính của phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở được cụ thể hóa: Đối với tập thể, thi đua xây dựng cơ quan, đơn vị văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp; đối với CBCCVC, thi đua thực hiện kỷ cương, trách nhiệm, tận tụy, chuyên nghiệp.

Để đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, theo đồng chí Bùi Văn Cường, các cấp công đoàn trong cả nước cần chủ động phối hợp với chuyên môn đồng cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thi đua thực hiện tốt các nội dung:

Một là, tuyên truyền nâng cao nhận thức của CBCCVC trong thực thi công vụ, ý thức gắn bó, tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân; phát huy mạnh mẽ vai trò của các cơ quan thông tin, truyền thông trong và ngoài hệ thống công đoàn nhằm giám sát, phát hiện và đấu tranh với các hành vi tiêu cực. Đồng thời, tuyên truyền, cổ vũ, động viên, khích lệ những tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến trong thực hiện cuộc vận động và phong trào.

Hàng năm tổ chức chương trình gặp mặt, đối thoại giữa người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương với đại diện CBCCVC để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết các vấn đề liên quan.

Hai là, nâng cao chất lượng xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật. Loại bỏ tư tưởng “cục bộ”, “lợi ích nhóm”, tất cả phải vì lợi ích chung, đặt lợi ích của nhân dân, lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết. Công khai hóa, quy trình hóa, chuẩn hóa các thủ tục hành chính ở các cơ quan, đơn vị, thẩm quyền, trách nhiệm của CBCCVC để người dân và doanh nghiệp biết, giám sát, thực hiện.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường phát động phong trào thi đua đến CBCCVC.

Ba là, nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ của CBCCVC. Vận động CBCCVC gương mẫu chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, sáng tạo, công tâm, khách quan, tận tụy, chuyên nghiệp, hiệu quả; thái độ phục vụ tận tình, chu đáo; ứng xử văn minh, lịch sự, tôn trọng nhân dân.

Bốn là, phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình. Triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở nhằm công khai, minh bạch các chế độ, chính sách, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực; có trách nhiệm cao, thân ái đoàn kết, xây dựng và phát huy tình đồng chí, đồng nghiệp để chia sẻ khó khăn, phát hiện và uốn nắn khuyết điểm cho nhau, để cùng nhau tiến bộ, vì lợi ích chung.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào, các cuộc vận động trong CBCCVC. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh việc hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phát động với hình thức và biện pháp hiệu quả gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện phong trào “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”, phong trào “Đổi mới sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức Công đoàn”, Cuộc vận động người CBCCVC “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo".

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của CBCCVC. Phát huy vai trò người đứng đầu trong các cấp công đoàn.

Động viên, tôn vinh, khen thưởng kịp thời những CBCCVC có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong thực hiện cuộc vận động và phong trào thi đua để tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Coi việc thực hiện cuộc vận động và phong trào là tiêu chí đánh giá thi đua, là giải pháp góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, đoàn viên công đoàn và hiệu quả hoạt động công đoàn trước yêu cầu mới.

Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt và vai trò tiên phong gương mẫu của các cán bộ lãnh đạo, chủ chốt trong thực hiện cuộc vận động và phong trào là vô cùng quan trọng.

Bên cạnh đó, cần phải xây dựng được mô hình điểm, các cá nhân điển hình để nhân rộng trong toàn hệ thống. Gắn việc thực hiện cuộc vận động và các phong trào thi đua với các cuộc vận động khác, với nhiệm vụ chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị.

Trải qua 90 năm hình thành và phát triển, Công đoàn Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng vào những thành tựu vĩ đại của cách mạng Việt Nam, luôn tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam và các đoàn thể chính trị phát động. Các phong trào thi đua đã thấm sâu vào đội ngũ CNVCLĐ, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc và những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ cách mạng.

Tin rằng, cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực” và phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của CBCCVC trong việc thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; xây dựng đội ngũ CBCCVC trung thành với Tổ quốc, tận tụy với nhân dân, có trách nhiệm cao với công việc, có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh; xây dựng cơ quan văn minh, văn hóa.

Mai Thảo