TĐKT - Các địa phương trên cả nước đã đồng loạt ra quân phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Kỷ Hợi năm 2019.
Từ lâu, Tết trồng cây đã trở thành một phong tục, một nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam trong những ngày đầu xuân. Việc phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" năm 2019 có ý nghĩa khởi đầu cho phong trào trồng cây, trồng rừng của cả nước, góp phần bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan đô thị ngày càng sạch, đẹp, cải thiện môi trường sinh thái.
* Sáng 10/2 (tức mồng 6 Tết), tại xã Nghi Lâm (huyện Nghi Lộc), UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Kỷ Hợi 2019.
Tới dự, có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An; Nguyễn Xuân Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Thái Thanh Quý, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An và người dân trồng cây tại xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc ngay sau Lễ phát động
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, suốt 59 năm qua, Tết trồng cây đã trở thành phong tục, nét đẹp văn hóa đầu Xuân, tạo sức lan tỏa sâu rộng ở các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, các tầng lớp nhân dân ở Nghệ An.
Phong trào Tết trồng cây đầu Xuân hàng năm đã thực sự thúc đẩy phong trào trồng cây, trồng và bảo vệ rừng của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, nâng độ che phủ rừng của tỉnh đạt 57,7%.
Phong trào bảo vệ rừng, trồng cây, trồng rừng cũng đã góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo và giữ vững an ninh - quốc phòng của tỉnh: Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt gần 180 triệu USD; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn hộ gia đình vùng sâu vùng xa.
Theo kế hoạch trồng cây, trồng rừng của UBND tỉnh, năm 2019, toàn tỉnh phấn đấu trồng mới khoảng 17.000 ha; bảo vệ tốt 951.400 ha rừng hiện có, khoanh nuôi rừng 76.000 ha, chăm sóc 46.740 ha rừng trồng.
* Sáng 11/2, tại TP Ninh Bình đã diễn ra Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Kỷ Hợi năm 2019.
Dự Lễ phát động, có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình; Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh cùng đông đảo cán bộ, công chức, viên chức thành phố.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham gia Tết trồng cây tại TP Ninh Bình.
Mùa xuân năm nay, TP Ninh Bình phát động tới các phường, xã, cơ quan, đơn vị và nhân dân tích cực tham gia “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” bằng tinh thần và trách nhiệm cao nhất, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, xây dựng TP Ninh Bình ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp.
Ngoài việc trồng, chăm sóc, cắt tỉa các tuyến cây xanh đường phố, TP Ninh Bình còn phát triển nhiều loại hoa, cây cảnh, cùng các thảm cỏ, cây trang trí, tạo điểm nhấn ấn tượng, mang phong cách riêng có của TP Ninh Bình - thành phố du lịch trong tương lai.
Dự kiến trong ngày đầu phát động, toàn thành phố trồng 235 cây xanh và ngay tại điểm phát động (đường Lê Thái Tổ, phường Tân Thành) đã trồng được 35 cây bằng lăng.
* Sáng 11/2, tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức Lễ ra quân phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Kỷ Hợi năm 2019.
Năm 2019, tỉnh Phú Thọ sẽ trồng trên 463 nghìn cây phân tán, 858,5 ha rừng tập trung. Phong trào trồng rừng đã tạo nên chuyển biến trong ý thức của người dân trong việc phát triển kinh tế ngay trên vùng đất trống đồi núi trọc. Hiện tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đạt 39,5%; trong đó có rừng đặc dụng 17.304 ha; rừng phòng hộ hơn 33.474 ha; rừng sản xuất 29.300 ha. Tính riêng năm 2018, tỉnh Phú Thọ trồng mới 10.580 ha rừng sản xuất.
Hoạt động trồng cây đầu năm tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống được tổ chức thường niên. Ngoài việc tạo không khí thi đua lao động còn gắn với giá trị tâm linh, phát huy truyền thống và nét đẹp văn hóa của dân tộc về trồng, chăm sóc và bảo vệ tài nguyên rừng.
Bình Nguyên