Bộ TN&MT phát động phong trào thi đua giai đoạn 2016 - 2020
17/01/2017 - 00:00

TĐKT - Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ký Quyết định 3017/QĐ-BTNMT về việc ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua yêu nước ngành TN&MT giai đoạn 2016 – 2020 với chủ đề “Kỷ luật, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, hành động trong quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường để phát triển nhanh, bền vững đất nước”.

Theo đó, công tác thi đua khen thưởng ngành TN&MT giai đoạn 2016 – 2020 hướng vào 7 nhiệm vụ trọng tâm.

 Thứ nhất, tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục quán triệt thực hiện sâu rộng trong toàn ngành Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21/5/2004 về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến và Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của Bộ Chính trị; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Bộ TN&MT về công tác thi đua, khen thưởng.

Thứ hai, quán triệt thực hiện sâu rộng trong toàn ngành Chỉ thị số 18/CT-TTg; Chương trình hành động số 28-CTr/BCSĐTNMT, Kế hoạch số 1878/KH-BTĐKT, thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước giai đoạn (2016 - 2020) với nội dung bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của từng đơn vị. Gắn phong trào thi đua yêu nước với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cùng cả nước thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tiếp tục thực hiện hiệu quả giai đoạn 2 phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”…

Thứ ba, kiện toàn và nâng cao vai trò trách nhiệm của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, phân công trách nhiệm của từng thành viên Hội đồng, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của Hội đồng; khẩn trương kiện toàn bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng đảm bảo gọn nhẹ, hiệu quả, bố trí cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, trình độ phù hợp, nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc tổ chức các phong trào thi đua.

Thứ tư, quan tâm, tổ chức thực hiện các lớp tập huấn công tác thi đua, khen thưởng cho lãnh đạo và cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng trong toàn ngành để phổ biến các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng, hướng dẫn bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thi đua, khen thưởng.

Thứ năm, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, đơn giản, tinh gọn và hiệu quả.

Thứ sáu, công tác thanh tra, kiểm tra tổ chức thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng; nhân rộng và tuyên truyền về các điển hình tiên tiến cần được chú trọng.

Thứ bảy, bố trí kinh phí và tăng cường tạo lập các nguồn để hình thành Quỹ thi đua, khen thưởng theo quy định của pháp luật, nhằm tăng cường huy động được sự đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và các nguồn thu hợp pháp khác đáp ứng yêu cầu của công tác thi đua, khen thưởng.

Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua, Khen thưởng Bộ TN&MT chỉ đạo từng cơ quan, đơn vị, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trưởng các khối, cụm thi đua tổ chức phát động phong trào thi đua thường xuyên và theo chuyên đề cho cả giai đoạn, hàng năm, theo đợt, ngắn hạn, trung hạn phù hợp. Phong trào thi đua hướng vào giải quyết những vấn đề cấp bách, khó khăn, vướng mắc, những mặt tồn tại, yếu kém, việc mới, việc khó: bảo vệ môi trường và xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý đất đai, đảm bảo phát triển bền vững, tăng cường công tác quản lý điều hành, kỷ luật, kỷ cương, cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin... Thường trực thi đua, khen thưởng tại các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục cụ thể hóa các tiêu chí thi đua, hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức, cá nhân hưởng ứng, tham gia, phát huy tối đa mọi nguồn lực, động viên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của đơn vị hăng hái thi đua hoàn thành xuất sắc kế hoạch, nhiệm vụ được giao.

Tiêu chí cụ thể để đánh giá phong trào thi đua là “5 Không, 5 Có”: Theo đó, 5 Không là: không để nhiệm vụ quá hạn; không vi phạm pháp luật; không vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy định văn hóa công sở và nội quy của cơ quan, đơn vị; không lãng phí tài sản cơ quan; không mất đoàn kết nội bộ. 5 Có là: có Quy chế làm việc, chương trình, kế hoạch công tác được bàn bạc dân chủ, công khai, minh bạch; có sáng kiến đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác; có quan hệ phối hợp, hợp tác tốt trong và ngoài Bộ; có phong trào thiết thực, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan đơn vị; có kết quả thực hiện nhiệm vụ đạt chất lượng, hiệu quả cao.

Về công tác khen thưởng, Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua, Khen thưởng Bộ TN&MT chỉ đạo thực hiện đúng quy định của Luật, Nghị định và các văn bản hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng; kiện toàn, nâng cao trách nhiệm của Hội đồng sáng kiến, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp; bổ sung, hoàn thiện Quy chế hoạt động của các Hội đồng cho phù hợp với quy định mới của Nhà nước, của Bộ. Đồng thời, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác khen thưởng đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả; tăng cường khen thưởng các phong trào thi đua theo chuyên đề và thành tích đột xuất xuất sắc, chú trọng đối tượng là tập thể nhỏ, người lao động trực tiếp và những khu vực có hoàn cảnh khó khăn, quan tâm khen thưởng những trường hợp cứu người, bảo vệ tài sản và phòng, chống thiên tai... Khích lệ động viên sự tìm tòi, sáng tạo trong việc đề xuất các giải pháp, sáng kiến nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả chỉ đạo, quản lý, điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị và chuyên môn trong các phong trào thi đua, có đóng góp xuất sắc vào sự phát triển ngành tài nguyên và môi trường.

Đối với công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, Bộ TN&MTđề nghị các cơ quan, đơn vị trong ngành cần có kế hoạch tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình mới, nhân tố mới; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, để tuyên truyền và nhân rộng các điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong các phong trào thi đua yêu nước. Tiêu chí chung là gương điển hình tiên tiến phải là những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong lao động, sản xuất, học tập, công tác; là nhân tố nổi trội, dẫn đầu trong các phong trào thi đua, gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tích cực tham gia các phong trào thi đua xây dựng và phát triển ngành tài nguyên và môi trường trên địa bàn và cả nước.

Phong trào thi đua giai đoạn 2016-2020 được tổ chức thực hiện thường xuyên, trong đó cao điểm là các đợt: đợt 1 tính từ năm 2016 đến tháng 8/2017, tổ chức sơ kết phong trào thi đua lập thành tích chào mừng 15 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (2002 - 2017);  đợt 2 sơ kết công tác xây dựng, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến giai đoạn 2016 - 2018 vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ra lời thi đua ái quốc (ngày 11/6/1948 - 1/6/2018); đợt 3 từ tháng 7/2018 đến tháng 8/2020, tổ chức tổng kết Phong trào thi đua yêu nước ngành TN&MT và Đại hội Thi đua yêu nước ngành TN&MT lần thứ IV, tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

Phong trào thi đua giai đoạn 2016 - 2020 nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, đưa công tác thi đua, khen thưởng thực sự trở thành động lực to lớn, tạo không khí hăng hái thi đua sôi nổi trong lao động, sản xuất góp phần xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kiện toàn và ổn định tổ chức, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới toàn diện công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành trong các hoạt động về TN&MT trên phạm vi cả nước góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực TN&MT được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan, đơn vị và cá nhân người lao động trong phạm vi toàn ngành TN&MT. Đề cao vai trò trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp thuộc ngành, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo các phong trào thi đua và thực hiện tốt chính sách, pháp luật về khen thưởng.

Phạm Ngọc Bách