TĐKT – Ngày 7/9, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị Phát động phong trào thi đua đặc biệt: “Ngành TT&TT đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” theo hình thức trực tuyến. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT kiêm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến
Hội nghị được tổ chức kịp thời nhằm khơi gợi truyền thống thi đua yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, nỗ lực vượt khó khăn của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành TT&TT, góp phần đưa đất nước vượt qua đại dịch COVID-19.
Thời gian qua, ngành TT&TT đã có nhiều đóng góp trong phòng, chống đại dịch Covid-19, đặc biệt trong đợt bùng phát lần thứ 4 với biến thể Delta lây lan rất nhanh, nhất là tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Công tác thông tin tuyên truyền được tăng cường, đã thành lập Tiểu Ban Truyền thông thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19; tổ chức bộ phận truyền thông tiền phương tại TP Hồ Chí Minh. Các doanh nghiệp viễn thông đã có chính sách hỗ trợ cước viễn thông cho người dân lên tới 10.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp công nghệ số đã chung tay xây dựng Trung tâm Công nghệ phòng, chống Covid-19 Quốc gia. Ngành TT&TT đã hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp 500 nghìn gói quà an sinh cho hàng trăm nghìn người vô gia cư tại TP Hồ Chí Minh, hỗ trợ hàng triệu tờ báo cho bà con TP Hồ Chí Minh trong những ngày giãn cách tăng cường…
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo y tế, truy vết COVID-19.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành tiếp tục nỗ lực, cố gắng, quyết tâm, khích lệ, thúc đẩy phong trào thi đua đạt hiệu quả cao nhất. Các hình thức thực hiện phong trào thi đua linh hoạt, không máy móc; đổi mới, sáng tạo nhằm góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu kép mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.
Phong trào thi đua của ngành phải được tổ chức và phát động sâu rộng đến từng tập thể, cá nhân nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi. Việc tổ chức phong trào thi đua phải thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức và bệnh thành tích trong công tác thi đua, khen thưởng. Công tác khen thưởng bảo đảm kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.
Các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, những gương người tốt, việc tốt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh.
Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thôngPhan Tâm đã phát động phong trào thi đua của ngành với các nội dung trọng tâm: Thi đua thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Triển khai toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, mạnh mẽ và hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Phát huy sáng kiến, giải pháp ổn định, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng năng suất lao động và hiệu quả công tác, huy động các nguồn lực trong toàn ngành phục vụ công tác phòng, chống đại dịch, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
Thi đua đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống của cán bộ, công nhân viên chức, đặc biệt là các gia đình chính sách, người có công,...; tiếp tục có biện pháp thiết thực, cụ thể hỗ trợ cho người lao động, nhất là ở vùng có dịch vượt qua khó khăn. Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; chủ động đấu tranh với các thế lực phản động, thù địch trong và ngoài nước lợi dụng tình hình đại dịch để đưa thông tin giả, sai sự thật nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; gây rối, chống phá nỗ lực phòng, chống dịch của Đảng và Nhà nước.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19; tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu, tin tưởng, thực hiện các biện pháp phòng chống đại dịch do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp triển khai...
Nguyệt Hà