Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai nhiều nhiệm vụ mới cho năm học 2017-2018
03/08/2018 - 14:50

TĐKT - Ngày 2/8, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2017 - 2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018 - 2019. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu của Bộ GDĐT và các điểm cầu tại 63 tỉnh/thành phố. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Cùng dự có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.

https://moet.gov.vn/content/tintuc/PublishingImages/AnhTinBai/Tin%20Tong%20Hop/su%20kien%202056_282018.jpg?RenditionID=1

Đoàn chủ tịch chủ trì Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ một số kết quả nổi bật cũng như hạn chế, bài học kinh nghiệm của ngành Giáo dục trong năm học 2017-2018.

Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế chủ yếu trong công tác quản lý giáo dục các cấp trong năm học vừa qua, trong đó, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành và địa phương trong từng vấn đề cụ thể. Đồng thời dành thời gian thảo luận về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của ngành Giáo dục trong năm học tới, trên cơ sở đó, cùng nhau tập trung thực hiện cho hiệu quả, đặc biệt là các định hướng lớn đối với các bậc học. Cụ thể, đối với giáo dục mầm non: Tập trung phát triển trường, lớp ở khu công nghiệp, khu chế xuất; đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, giảm bạo hành trẻ và giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.

Đối với giáo dục phổ thông: Tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 1; nâng cao chất lượng công tác tổ chức thi, kiểm tra đánh giá đặc biệt là kỳ thi THPT quốc gia; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; triển khai đổi mới cơ chế quản lý trong các trường phổ thông.

Đối với giáo dục đại học: Tiếp tục đẩy mạnh việc tự chủ của các trường đại học, nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng nhu cầu của xã hội để tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo ngày càng tăng.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, năm 2018 là năm thứ 5 thực hiện Nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đảng đã giao cho Ban Tuyên giáo, Chính phủ đã giao Bộ GDĐT phối hợp đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết để nhìn nhận những việc đã làm được, những việc chưa làm được và thời gian tiếp theo cần tập trung vấn đề gì.

Theo Phó Thủ tướng, kể từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương số 29 đến nay, có rất nhiều đổi mới trong ngành Giáo dục đã đạt những kết quả triển vọng. Có thể đánh giá chung, hướng đi chúng ta đã đúng; có những khâu, lĩnh vực, lộ trình đảm bảo; có những khâu, lĩnh vực lộ trình được đẩy nhanh nhưng cũng có những khâu, lĩnh vực lộ trình bị chậm...

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục có rất nhiều vấn đề xuyên suốt nhưng cần tập trung vào 2 vấn đề: Đổi mới giáo dục phải là một quá trình và trong quá trình đổi mới phải kiên định.

https://moet.gov.vn/content/tintuc/PublishingImages/AnhTinBai/Tin%20Tong%20Hop/su%20kien%202053_282018.jpg?RenditionID=1

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá, trong năm qua, tự chủ chương trình của các nhà trường có chuyển biến; cách dạy và học có chuyển biến khá rõ. Đến nay đã có 24 trường đại học thí điểm tự chủ. Bộ Giáo dục gương mẫu giao cho 3 trường thí điểm không còn Bộ chủ quản. Việt Nam lần đầu tiên lọt vào tốp 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới.

Đặc biệt Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến việc nêu gương của các thầy cô giáo. Cụ thể, từ năm học này, Bộ GDĐT cần phát động để các thầy cô cùng thi đua, cùng gương mẫu, ai vi phạm nhất định cho ra khỏi ngành.

Phó Thủ tướng tin rằng, với tinh thần cầu thị, đổi mới, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục giữ lửa, lan tỏa rộng hơn nữa sự quyết tâm đến từng đơn vị, địa phương, để nền giáo dục Việt Nam thực sự đổi mới, có như vậy đất nước mới phát triển.

Hồng Thiết