TĐKT - Năm 2017, công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh Bình Dương được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời. Cùng với sự hưởng ứng tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, phong trào thi đua của tỉnh luôn được duy trì, đổi mới và phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Sôi nổi các phong trào thi đua
Trong năm qua, phong trào thi đua yêu nước của tỉnh được thực hiện có hiệu quả ở các ngành, các cấp và địa phương. Các phong trào thi đua được phát triển mạnh mẽ, tiêu biểu là phong trào thi đua mang tính đặc thù của một tỉnh công nghiệp: Phong trào giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm”, “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, “Sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động và phòng, chống cháy, nổ”... được triển khai sâu, rộng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, đưa giá trị sản xuất công nghiệp tăng nhanh và luôn chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế.
Công nhân Công ty cổ phần Đông Hưng, KCN Tân Đông Hiệp A, Bình Dương hăng hái lao động, sản xuất
Đặc biệt, phong trào xây dựng thôn mới (NTM) đạt được những kết quả tích cực. Phong trào đã được phát động và lồng ghép với nhiều phong trào khác: “Ngày chủ nhật xanh”, “Lực lượng vũ trang chung sức xây dựng NTM”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào giao thông nông thôn, chỉnh trang đô thị...
Nhờ hướng đi đúng đắn, phong trào đã đem lại kết quả khả quan. Đến nay, tỉnh có 42/48 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Điểm nổi bật trong phong trào xây dựng NTM của Bình Dương là tỉnh bố trí nguồn vốn từ ngân sách tỉnh và nguồn vốn xã hội hóa cho phong trào, không có nguồn hỗ trợ từ trung ương, do đó không có nợ đọng xây dựng cơ bản.
Bình Dương sôi nổi phong trào xây dựng NTM
Bên cạnh đó, các phong trào thi đua trong giáo dục, y tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng được triển khai hiệu quả. Các phong trào thi đua “Dạy tốt – học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” ... được ngành giáo dục tỉnh tổ chức sôi nổi.
Tỉnh cũng chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và củng cố đội ngũ giáo viên cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học, chất lượrg giáo dục ngày càng được nâng lên toàn diện. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi các cấp tăng, tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào cao đăng, đại học năm sau luôn cao hơn năm trước.
Song song với đó, các phong trào thi đua “Nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân ”, “Thực hiện 12 điều y đức ”, thi đua “Hướng về y tế cơ sở” được triển khai sâu rộng trong toàn ngành Y tế. Hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được củng cố và đổi mới, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực ngành y tế được quan tâm đầu tư...
Khen thưởng đúng thực chất
Đối với công tác khen thưởng, Bình Dương luôn tích cực quan tâm khen thưởng cho người lao động trực tiếp. UBND tỉnh đã quy định về việc xét khen thưởng phải phân định thành các nhóm đối tượng, trên cơ sở so sánh thành tích giữa các cá nhân có cùng chức trách, nhiệm vụ được giao để bình xét: Nhóm cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của đơn vị, địa phương, doanh nghiệp; nhóm cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ trưởng phòng, phó trường phòng và tương đương; nhóm cán bộ, công chức, viên chức là chuyên viên, trợ lý, cán sự và người lao động trực tiếp. Trong đó đối tượng cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt, tỷ lệ khen thưởng không quá 30% trong tổng số cá nhân của đơn vị được đề nghị UBND tỉnh khen thưởng.
Ngoài ra, để kịp thời động viên, quan tâm đối tượng là công nhân, nông dân. người lao động trực tiếp sản xuất. Trong năm 2017, nhân Tháng Công nhân, Bình Dương đã tổ chức hội nghị biểu dương, khen thưởng các cá nhân là gương điển hình tiên tiến tiêu biểu. Theo đó, đã có 600 cá nhân là những tấm gương công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp được UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Đồng thời, công tác khen thưởng thực hiện đảm bảo đúng quy định, chất lượng khen thưởng được nâng lên. Việc tham mưu, đề xuất hồ sơ khen thưởng nhanh, kịp thời, đúng đối tượng. Việc thẩm định hồ sơ, lấy ý kiến đóng góp của các ngành có liên quan được quan tâm thực hiện. Ngay từ đầu năm, hầu hết các địa phương, đơn vị đã xây dựng tiêu chí chấm điểm thi đua. Việc tổ chức họp, bình xét thi đua đảm bảo công khai, dân chủ.
Tùng Chi