Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Đổi mới, sáng tạo và gặt hái những “trái ngọt”
22/06/2018 - 09:17

TĐKT – Năm 2017, mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng toàn ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã chủ động, tập trung mọi nguồn lực, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng quản lý; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, góp phần ổn định an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2017 tiếp tục là một năm thành công của toàn ngành BHXH Việt Nam trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao trong tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN),....

Với sáng kiến đưa tiêu chí phát triển đối tượng, thu, thu nợ BHXH, BHYT vào đánh giá thi đua của mỗi cá nhân, cơ quan, đơn vị; gắn với cơ chế hỗ trợ và khen thưởng phù hợp, công tác thu và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm trên toàn quốc đã có chuyển biến rõ nét.

Đến nay, số người tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện đạt khoảng 13,9 triệu người, bằng 100,8% so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Số người tham gia BHYT đạt khoảng 79,9 triệu người, bằng 102,1% so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, đạt độ bao phủ BHYT khoảng 85,6%, vượt 3,4% so với Thủ tướng giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg.

Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN toàn ngành đạt khoảng 291.321 tỷ đồng, bằng 101,6% so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Tổng số nợ BHXH phải tính lãi khoảng 5.737 tỷ đồng, bằng 2,9% so với kế hoạch thu BHXH được giao, giảm 0,8% so với năm 2016.

BHXH Việt Nam đưa tiêu chí phát triển đối tượng, thu, thu nợ BHXH, BHYT vào đánh giá thi đua của mỗi cá nhân, cơ quan, đơn vị

Kết thúc năm 2017, BHXH Việt Nam đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch của Chính phủ giao; tỷ lệ nợ đọng BHXH ở mức thấp nhất từ trước tới nay.

Cùng với đó, việc giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN được tiến hành hiệu quả. Năm qua, BHXH Việt Nam đã giải quyết cho 142.000 người hưởng BHXH hàng tháng; 717.000 người hưởng trợ cấp 1 lần (trong đó hưởng chế độ BHXH 1 lần là 593.600 người); 9,1 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; 620.000 người hưởng chế độ BHTN; hỗ trợ học nghề 32.000 người; khám, chữa bệnh (KCB) BHYT cho trên 166 triệu lượt người.

Nổi bật trong năm 2017 là ngành BHXH đã tham gia thực hiện hiệu quả công tác giám định, kiểm soát chi phí KCB BHYT, qua đó đã từng bước kiềm chế được sự gia tăng chi phí KCB bất hợp lý.

Đến cuối năm 2017, ước tổng chi KCB quỹ BHYT khoảng 84.500 tỷ đồng, giảm 4.800 tỷ đồng (5,4% so với kế hoạch đã điều chỉnh). Trong đó, sau khi tiếp nhận các thông tin minh bạch, cảnh báo của Hệ thống thông tin giám định BHYT, nhiều cơ sở y tế đã chủ động điều chỉnh, giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết khoảng 1.800 tỷ đồng. Giám định tự động từ phần mềm và giám định chủ động các cảnh báo của phần mềm giảm trừ số chi không hợp lý khoảng 3.000 tỷ đồng (phần mềm giảm trừ tự động 904,8 tỷ đồng; BHXH các tỉnh giám định các cảnh báo từ chối 812 tỷ đồng; giám định hồ sơ bệnh án giảm trừ 1.283 tỷ đồng).

  Cùng với đó, BHXH đã tích cực phối hợp với cơ quan chức năng thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi trục lợi BHXH, BHYT; kịp thời giải quyết đơn thư khiếu nại của người dân về chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

Qua công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, đã phát hiện 42.263 lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 88,2 tỷ đồng; 50.734 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 47,3 tỷ đồng.

Tổng số tiền các đơn vị được thanh tra, kiểm tra nợ là trên 2.776 tỷ đồng; số tiền nợ sau thanh tra, kiểm tra là 1.312 tỷ đồng (tỷ lệ thu hồi nợ qua công tác thanh tra, kiểm là 52,7%). Về kết quả xử lý vi phạm hành chính: Đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 505 đơn vị sử dụng lao động.

BHXH cũng khẳng định vai trò quan trọng trong quản lý dược và vật tư y tế tốt. Qua việc đấu thầu thuốc, vai trò quản lý dược, vật tư y tế của cơ quan BHXH tiếp tục được phát huy, tăng cường minh bạch và có tác động tích cực đến kết quả lựa chọn nhà thầu (giá thuốc, lựa chọn thuốc), góp phần loại bỏ, khắc phục bất hợp lý trong đấu thầu cung ứng thuốc trước đây; phát hiện và loại bỏ thuốc có hàm lượng không thông dụng, có giá cao bất thường, giá kế hoạch chênh lệch giữa các nhóm thuốc, giữa các loại, hàm lượng...

Đặc biệt, năm 2017, ngành BHXH đã thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, làm hài lòng người dân, đơn vị, doanh nghiệp thông qua các hoạt động: Đơn giản hóa các thủ tục hành chính; duy trì hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2008; triển khai thực hiện giao dịch điện tử tại các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh; niêm yết công khai thủ tục hành chính về lĩnh vực BHXH, BHYT theo quy định; duy trì hoạt động đường dây nóng của cơ quan BHXH và đổi mới tác phong, lề lối làm việc, thái độ phục vụ của công chức, viên chức theo hướng chuyên nghiệp.

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) tại Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2018 (công bố tháng 10/2017), mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 14 bậc so với Báo cáo 2016).

Trong đó, chỉ số nộp thuế, BHXH xếp thứ 86/190 (tăng 81 bậc so với Báo cáo 2016). Nếu so với các nước Asean 4 và Asean 6, Việt Nam đứng thứ 4, sau Singapore (thứ 7), Thái Lan (thứ 67), Malaysia (thứ 73).

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động đã góp phần hiện đại hóa ngành BHXH Việt Nam. Tiêu biểu là hệ thống lưu trữ hồ sơ điện tử, số hóa tài liệu lưu trữ của ngành BHXH; phần mềm giao dịch điện tử trên tất cả các lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, giải quyết chế độ BHXH, BHTN; hệ thống một cửa điện tử tập trung trên cơ sở phần mềm “Tiếp nhận và quản lý hồ sơ”...

Đến nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tổng số đơn vị đăng ký giao dịch điện tử lên tới trên 236 nghìn đơn vị; số hồ sơ thực hiện giao dịch điện tử khoảng 2,4 triệu hồ sơ trên tổng số 6,64 triệu hồ sơ giao dịch (tỷ lệ là 36%).

Việc đưa hệ thống thông tin giám định BHYT vào vận hành đã kết nối tới gần 100% cơ sở KCB BHYT từ tuyến xã đến trung ương trên phạm vi toàn quốc để thực hiện quản lý KCB, giám định và thanh toán BHYT. Đến cuối năm 2017, hệ thống đã tiếp nhận trên 166 triệu hồ sơ KCB điện tử đề nghị thanh toán; tỷ lệ liên thông dữ liệu hàng tháng đạt trên 95%.

 Đặc biệt, năm 2017, BHXH Việt Nam đã khai trương và vận hành Trung tâm Điều hành hệ thống công nghệ thông tin và Trung tâm dịch vụ khách hàng, phục vụ tư vấn, giải đáp cho người dân, người lao động các vấn đề liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN; triển khai hệ thống thông tin quản lý văn bản và điều hành, hệ thống hội nghị truyền hình theo mô hình kiến trúc chính phủ điện tử.

Trên cơ sở những kết quả toàn ngành BHXH đạt được, tại “Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam năm 2017”, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đánh giá BHXH Việt Nam là cơ quan triển khai hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến và được xếp hạng 2 trong Bảng xếp hạng chung khối các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công.

Những kết quả đạt được trong năm 2017 sẽ là tiền đề vững chắc để ngành BHXH Việt Nam tiếp tục phát triển trong năm 2018 và những năm tiếp theo, phấn đấu hoàn thiện công cuộc xây dựng ngành hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân.

Thục Anh