Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh tích cực thực hiện các giải pháp cải cách hành chính
07/12/2016 - 00:00

TĐKT - Với quy mô ngày càng phát triển, khối lượng công việc của Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hồ Chí Minh tăng nhanh. Trước tình hình đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với BHXH TP Hồ Chí Minh là phải cải cách hành chính, phải liên tục tự đổi mới để vừa nâng cao chất lượng phục vụ, vừa hợp lý hóa các quy trình nghiệp vụ để nâng cao năng suất làm việc. Đây là mục tiêu xuyên suốt trong phong trào thi đua của đơn vị.

 

BHXH TP Hồ Chí Minh bảo vệ quyền lợi người lao động

BHXH TP Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển sáng tạo, vận dụng quan điểm, tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của ngành, phối hợp chặt chẽ cùng tổ chức công đoàn phát động các phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ chuyên môn, tạo khí thế sôi nổi, rộng khắp, có sức lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Trong đó, nội dung cải cách hành chính đề cao quan điểm phục vụ nhân dân, vì mục đích an sinh xã hội được Đảng ủy, Ban Giám đốc BHXH thành phố chỉ đạo xuyên suốt, được toàn thể viên chức đồng thuận, hưởng ứng mạnh mẽ. Vì vậy, phong trào có nhiều khởi sắc. Công chức, viên chức ra sức học tập nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ, ngày càng tâm huyết với nghề; khắc phục khó khăn, phát huy sức mạnh tổng hợp, thi đua đề ra nhiều sáng kiến, giải pháp công tác giúp ngành không ngừng phát triển, đặc biệt là cải cách hành chính để thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Để có được hiệu quả cao, BHXH TP Hồ Chí Minh đã đưa ra 6 giải pháp. Thứ nhất thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp thất nghiệp qua thẻ ATM. Trong đó, tiếp tục vận động cán bộ hưu trí nhận lương hưu hằng tháng qua thẻ ATM và để người hưởng lương hưu lựa chọn ngân hàng. Việc làm này giúp các đối tượng hưu trí thuận tiện hơn khi nhận lương, được nhiều cán bộ hưu trí hưởng ứng (hiện đã có 46.220 người sử dụng, chiếm 27% tổng số đối tượng nhận trợ cấp BHXH hàng tháng). Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục cải tiến, tổ chức chuyển tiền qua 1 đầu mối là văn phòng BHXH thành phố thay vì bảo hiểm xã hội quận, huyện chuyển. Từ 990 đầu mối chuyển tiền đến ngân hàng, nay chỉ thực hiện ký hợp đồng giao dịch với 6 ngân hàng có số lượng lớn thẻ ATM của các đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH tháng. Những ngân hàng có ít đối tượng này thì tập trung chuyển qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nơi đây chuyển tiền vào tài khoản của từng cá nhân. Cách làm này đã tiết kiệm chi phí giấy in, mực in, giảm đáng kể khối lượng công việc và thời gian thực hiện của kế toán tại BHXH 24 quận huyện; tạo điều kiện để BHXH quận, huyện có thêm thời gian tập trung kiểm tra, giám sát việc chi trả bằng tiền mặt cho các đối tượng qua đại lý chi trả.

Thứ hai, BHXH thành phố đã phát hành thẻ bảo hiểm y tế có mã vạch, với hơn 14,5 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hàng năm. Trước đó, khi tiếp nhận người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, các cơ sở y tế phải mất khá nhiều thời gian để nhập dữ liệu về thông tin cá nhân người bệnh như mã thẻ, họ tên, giới tính…nơi khám chữa bệnh ban đầu vào hồ sơ khám bệnh, làm cho thời gian chờ đợi được khám bệnh kéo dài, tình trạng quá tải tại các bệnh viện càng trở nên nghiêm trọng. Ngoài ra, do dễ nhập sai nên mất nhiều thời gian đối chiếu khi quyết toán. Xuất phát từ thực trạng trên, BHXH thành phố đã xây dựng đề án ứng dụng in mã vạch hai chiều trên thẻ bảo hiểm y tế, được BHXH Việt nam phê duyệt và triển khai toàn quốc. Cải tiến này khắc phục được sai sót do nhập liệu thủ công nên không cần photocopy thẻ bảo hiểm y tế; giảm thao tác nhập liệu đối với nhân viên cơ sở khám, chữa bệnh nên đã rút ngắn thời gian làm thủ tục khám, chữa bệnh cho người dân. Nếu như trước đây, phải mất ba phút để nhập thông tin trên thẻ của một cá nhân thì nay chỉ còn chưa đến một phút cho việc này.

Thứ ba là giải pháp giao dịch điện tử là bước tiến về cải cách hành chính giữa cơ quan BHXH và doanh nghiệp với phương thức giao dịch hồ sơ điện tử đã giúp các doanh nghiệp có được công cụ lập thủ tục BHXH  đúng quy định của BHXH và giám sát được quá trình thực hiện của cơ quan BHXH, xem được ngay kết quả giao dịch và nhận kết quả kịp thời. Đến nay, toàn thành phố đã có trên 45.000 đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch qua email và 12.286 đơn vị giao dịch điện tử có chữ ký số. Việc áp dụng phương thức giao dịch hồ sơ điện tử tại TP Hồ Chí Minh được phát triển để xây dựng hệ thống thông tin điện tử áp dụng toàn ngành, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai thực hiện.

Thứ tư là cung cấp thông tin kết quả đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động trên trang thông tin điện tử, BHXH thành phố là đơn vị đầu tiên trong cả nước thí điểm triển khai việc cung cấp thông tin kết quả đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động trên trang thông tin điện tử. Việc làm này đã giúp cho người lao động tra cứu dễ dàng, thuận tiện, nhanh chóng và chính xác nhưng vẫn đảm bảo tính bảo mật.

Thứ năm, BHXH TP Hồ Chí Minh đã chủ động phối hợp với các sở, ngành của thành phố xây dựng, thực hiện đề án liên thông về thủ tục hộ tịch, hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi. Gia đình chỉ cần đến UBND phường, xã nộp giấy chứng sinh và sổ hộ khẩu là được cấp giấy khai sinh, hộ khẩu và thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ.

Thứ sáu, ngoài đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, BHXH thành phố đã thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giao tiếp ứng xử đối với viên chức bộ phận 1 cửa, tiếp công dân nhằm nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người dân.

Phát huy những thành quả đạt được, BHXH TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là cải cách quy trình và thủ tục để đạt nhiều thành tích hơn nữa.

La Giang