TĐKT- 5 năm qua, thực hiện Chỉ thị 03/ CT-TW, của Bộ Chính trị về “ Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, huyện Ba Vì (TP Hà Nội) đã xây dựng nhiều mô hình, cách làm hay làm theo Bác.
Đầu tiên là thực hành tiết kiệm trong việc cưới, tang, mừng thọ. Việc cưới, trước đây, theo phong tục, tập quán cũ hầu hết các đám ở địa phương thường kéo dài ngày, ăn uống, mời khách tràn lan, thường trên 100 mâm cỗ, có những đám tới 200 mâm cỗ, để phô trương, hình thức, thể hiện tông to, họ lớn, quan hệ, địa vị xã hội lớn, gây ra những phiền hà, lãng phí thời gian, vật chất trong nhân dân. Từ khi đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Huyện ủy đã có Nghị quyết, lấy xã Tòng Bạt làm điểm, thực hiện đám cưới 50 mâm cỗ, tổ chức gọn nhẹ, trong vòng 1 ngày rưỡi. Đến nay, việc ăn uống ở các đám cưới đã cơ bản giảm, mỗi đám cưới chỉ 50 đến 70 mâm, không mời khách tràn lan, trong đám cưới không thuê nhạc sống, không mời thuốc lá, các thủ tục chạm ngõ, lại mặt đều đã được giảm.
Làm theo Bác, nhiều gia đình ở Ba Vì đã hiến đất, làm đường giao thông
Tính trung bình mỗi đám cưới trên địa bàn đã tiết kiệm được 10 đến 20 triệu đồng. Các xã làm tốt việc cưới là : Tòng Bạt, Vân Hòa, Tản Hồng, Châu Sơn, Phú Phương, Thuần Mỹ, Cổ Đô, Phong Vân…
Trong việc tang, việc làm theo lời Bác đã thực sự đi vào chiều sâu, mỗi thôn, mỗi dòng họ ở các xã, thị trấn đã thành lập một ban lễ tang, đều có quy định nơi chôn cất là các loại đất thùng đào, thùng đấu, không vào đất đang canh tác, việc chôn cất không kéo dài 48 tiếng sau khi người chết. Trước đây, người đến viếng đều được gia chủ mời ăn cơm, vì vậy có đám lên đến hàng trăm mâm cỗ. Giờ chỉ có con cháu nội ngoại thân thiết được mời cơm. Trên địa bàn nhiều xã đã thực hiện hỏa táng để tiết kiệm thời gian, tiết kiệm đất, tính đến năm 2015, toàn huyện đã có 34% số ca hỏa táng, nhiều địa phương thực hiện hỏa táng đạt 50% đến 70% như xã Tòng Bạt, Phong Vân…
Song song với đó, việc mừng thọ ở Ba Vì đã thực sự là điểm sáng, đó là quy định mừng thọ từ mùng 4 đến mùng 8, việc mừng thọ ở nhiều địa phương đã không tổ chức khao thọ mà chỉ mời trà nước, tiêu biểu như xã Phú Phương, Thuần Mỹ, việc ăn uống rất gọn nhẹ, chỉ 5 đến 7 mâm cỗ. Tiết kiệm mỗi việc mừng thọ từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Việc làm theo Bác ở Ba Vì còn có một mô hình nổi bật, tạo sức lan tỏa lớn, đó là việc thực hành tiết kiệm trong chi tiêu hàng ngày của hội viên phụ nữ. Để cuộc vận động ăn sâu vào tiềm thức, biến thành hành động cụ thể, phụ nữ Ba Vì đã đăng ký xây dựng nhiều mô hình làm theo gương Bác rất thiết thực, có hiệu quả. Hội Phụ nữ từ huyện đến cơ sơ thực hành tiết kiệm theo lời dạy của Bác hướng đến đối tượng phụ nữ nghèo, các mô hình tiết kiệm tại cơ sở ngày càng được nhân rộng. Hội Phụ nữ huyện thực hiện mô hình tiết kiệm chi, sử dụng tiết kiệm văn phòng phẩm, tiết kiệm chi tiêu trong sinh hoạt hàng ngày.
Mô hình Nuôi lợn nhựa của phụ nữ Ba Vì
Kết quả, trong năm 2015, Hội Phụ nữ huyện đã tiết kiệm được 50 triệu đồng để trao 2 mái ấm, tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng và hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Hội phụ nữ các xã, thị trấn đã triển khai tới 100% cơ sở hội tổ chức cho cán bộ, hội viên phụ nữ đăng ký việc làm theo Bác. Kết quả, đã có 31.634 người đăng ký thực hiện các mô hình: 22 cơ sở hội thực hiện Nuôi lợn nhựa, 03 cơ sở thực hiện mô hình Hũ gạo tiết kiệm, 06 cơ sở thực hiện tiết kiệm trong tổ chức việc cưới, việc tang, 03 cơ sở thực hiện tiết kiệm văn phòng phẩm, làm thêm giờ… Các mô hình này được triển khai tại 678 chi, tổ phụ nữ trong toàn huyện. Mô hình Tiết kiệm điện năng được triển khai ở 4 cơ sở hội, trong đó vận động mỗi gia đình hội viên sử dụng từ 2 bóng đèn compact trở lên, tự giác tắt các thiết bị điện khi không dùng.
Gắn việc học tập và làm theo Bác với thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương đã thành nét đẹp ở Ba Vì. Trong 5 năm qua, cán bộ, đảng viên ở Ba Vì đã cùng với quần chúng quyết tâm thực hiện về công tác dồn điền đổi thửa, toàn huyện đã dồn đổi được hơn 5.000 ha. Nhân dân đã hiến hàng trăm nghìn m2 đất để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng. Đặc biệt, những công trình cần đến sự đóng góp của nhân dân về đất thổ cư cũng đã được đông đảo nhân dân đóng góp, như ông Đinh Trọng Ly ở xã Minh Quang hiến hơn 1.200 m2 đất, ông Đỗ Văn Toán ở Thuần Mỹ hiến 800 m2 đất, Nguyễn Văn Thanh ở Cẩm Linh hiến 300 m2 đất. Từ đó, các công trình trên địa bàn huyện Ba Vì đều đã được thi công đúng tiến độ. Trong 5 năm học theo Bác, có nhiều tập thể ở Ba Vì đã có nhiều việc làm thiết thực: chi bộ thôn Tân Phong I xã Phong Vân đã vận động nhân dân giúp đỡ gia đình khó khăn số tiền gần 9 triệu đồng, xây dựng đường làng ngõ xóm trị giá 135 triệu đồng; Hội Phụ nữ xã Minh Quang xây dựng mô hình Nuôi lợn nhựa hơn 2,5 tỷ đồng; Hội Nông dân xã Sơn Đà vận động 31 gia đình hội viên hiến hơn 1.000 m2 đất để làm đường giao thông…
Nhìn lại 5 năm thực hiện Chỉ thị 03 về tiếp tục đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, huyện Ba Vì đã thành công trong xây dựng, lựa chọn các mô hình, các làm hay để nhân rộng góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp trong mỗi người, mỗi gia đình.
Trần Phương