TĐKT- 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã bám sát Nghị quyết 01 của Chính phủ và đạt được nhiều kết quả khả quan, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 651,7 nghìn tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán, tăng 14,3% so cùng kỳ năm 2017. Phát huy thành tích đã đạt được, 6 tháng cuối năm, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh tăng thu, chống thất thu thuế; đẩy mạnh hóa đơn điện tử, kết nối online trong thanh toán và thi đua thu vượt dự toán 5%.
Kết quả, thu nội địa lũy kế 6 tháng đầu năm ước đạt xấp xỉ 523,4 nghìn tỷ đồng, bằng 47,6% dự toán, tăng 5,5% so cùng kỳ năm 2017. Không kể các khoản thu có tính chất đặc thù (thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp nhà nước, thu hồi vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp), số thu nội địa ước đạt 402,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46,4% dự toán, tăng 13% so cùng kỳ năm 2017.
Cơ quan Thuế đã tích cực rà soát, kiểm tra, giám sát việc kê khai, quyết toán thuế của doanh nghiệp; đôn đốc thu đúng, thu đủ, thu kịp thời số phát sinh vào NSNN; đã thực hiện trên 22,6 nghìn cuộc thanh tra và kiểm tra thuế, kiến nghị xử lý thu vào NSNN 4,7 nghìn tỷ đồng (số đã nộp vào NSNN gần 2 nghìn tỷ đồng); thu hồi được 14,88 nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế.
Đồng thời, cơ quan Thuế tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kê khai, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, mở rộng áp dụng hóa đơn điện tử; tích cực triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, hỗ trợ tư vấn chính sách, pháp luật về thuế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh 10 nhiệm vụ trọng tâm của 6 tháng cuối năm
Việc thực hiện cam kết về khu vực kinh tế tự do ASEAN (ATIGA), với trên 90% dòng hàng được cắt giảm thuế suất nhập khẩu về còn 0%, trong đó có một mặt hàng có đóng góp số thu lớn cho ngân sách như ô tô nguyên chiếc và linh kiện, phụ tùng, sắt thép... đã ảnh hưởng đến số thu ngân sách.
Tổng chi NSNN 6 tháng đạt 649,2 nghìn tỷ đồng, bằng 42,6% dự toán, tăng 11,3% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 130 nghìn tỷ đồng, bằng 32,5% dự toán, tăng 42%; chi trả nợ lãi đạt 59,3 nghìn tỷ đồng, bằng 52,7% dự toán, tăng 6%, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ trả nợ đến hạn theo cam kết; chi thường xuyên đạt 455,8 nghìn tỷ đồng, bằng 48,5% dự toán, tăng 5%, theo đúng dự toán và tiến độ triển khai thực hiện của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
Song song với đó, Bộ Tài chính đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Phát huy thành tích đã đạt được, với chủ đề "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả", Bộ Tài chính đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, thi đua đạt thành tích cao trong 6 tháng cuối năm.
Thứ nhất, công tác xây dựng thể chế chính sách: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo các Nghị quyết của Chính phủ.
Thứ hai, tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2018; quyết tâm thu đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định; phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN 3% so với dự toán Quốc hội giao.
Thứ ba, tổ chức điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định; nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2018.
Thứ tư, tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nợ của chính quyền địa phương: Thực hiện huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN trong phạm vi 3,7% GDP theo dự toán Quốc hội quyết định; đảm bảo dư nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia trong phạm vi cho phép.
Thứ năm, tăng cường công tác quản lý giá, thị trường; tiếp tục phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính: Tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giá.
Thứ sáu, tiếp tục đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không cần nắm giữ cổ phần hoặc cổ phần chi phối theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII): Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước khẩn trương xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định phê duyệt phương án tái cơ cấu các DNNN trực thuộc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ bảy, đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công theo tinh thần Nghị quyết hội nghị Trung ương 6 (khóa XII): Tập trung xây dựng các nghị định về cơ chế tự chủ trong các lĩnh vực được giao; hoàn thành việc xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thuộc lĩnh vực quản lý…
Thứ tám, đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm đầu mối, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; kiện toàn đội ngũ cán bộ theo hướng tinh gọn, liêm chính, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết hội nghị Trung ương 6 (khóa XII).
Thứ chín, chủ động hợp tác, hội nhập tài chính quốc tế: Thực hiện đồng bộ các giải pháp hội nhập và hợp tác tài chính quốc tế. Tiếp tục thực hiện lộ trình cắt giảm thuế trong khuôn khổ các FTA đã ký. Chủ động đánh giá các tác động của các hiệp định thương mại tự do đến thu NSNN để chủ động giải pháp điều hành.
Cuối cùng là phải chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2019, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2019 - 2021 sát thực tiễn, khả thi.
Hồng Thiết