TĐKT - Tối 2/11, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Mỹ Đình, Hà Nội đã diễn ra Lễ Công bố sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam lần thứ 8 năm 2022 với chủ đề “Kiến tạo tương lai”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại buổi lễ.
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và đông đảo doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao biểu trưng vinh danh các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Chương trình Thương hiệu Quốc gia là chương trình duy nhất của Chính phủ Việt Nam tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu hàng hóa và dịch vụ. Đây là một chương trình xúc tiến thương mại dài hạn nhằm xây dựng, quảng bá tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.
Qua gần 20 năm hình thành và phát triển, Chương trình đã trở thành bệ phóng vững mạnh giúp cho các doanh nghiệp vươn ra thế giới, kiến tạo sức cạnh tranh trên trường quốc tế, xứng đáng là những doanh nghiệp đi đầu trong tương lai, kiến tạo những giá trị, sức mạnh mới cho đất nước vì một Việt Nam hùng cường - thịnh vượng và hạnh phúc.
Triển khai Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai công tác xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022 từ hơn 1.000 doanh nghiệp đề cử.
Ban Tổ chức đã công bố công nhận 172 doanh nghiệp với tổng số 325 sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022 từ hơn 1.000 doanh nghiệp đề cử. So với năm 2020, năm nay, cả nước đã có thêm 48 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao và chúc mừng sự nỗ lực, những đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là sự đóng góp của những doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được vinh danh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước rất tin tưởng và kỳ vọng vào bản lĩnh, năng lực, trí tuệ, sự đoàn kết, nỗ lực vượt khó, năng động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong quá trình xây dựng, phát triển và hội nhập của đất nước, ngày càng phát huy sức sáng tạo để nâng cao vị thế, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ Việt Nam trên thị trường thế giới.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung trong thời gian tới tập trung khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh, tận dụng lợi thế để phát triển mạnh mẽ trong thị trường nội địa và thúc đẩy xuất khẩu thông qua các biện pháp nâng cao giá trị thương hiệu, kết hợp xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp với Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, tạo ra giá trị cho xã hội. Tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường quốc tế và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các doanh nghiệp cần đảm bảo và không ngừng củng cố, nâng cao uy tín, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm thương hiệu Việt thông qua hệ thống sản xuất, quản trị kinh doanh tiên tiến và hoạt động tài chính công khai, minh bạch, lành mạnh. Không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng các cải tiến kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh; tăng cường chủ động hội nhập thực chất, hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh kỷ nguyên số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cùng với đó, tập trung đào tạo đội ngũ người lao động có trình độ, kỹ năng, chuyên nghiệp, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ kịp thời yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hội nhập trên các lĩnh vực. Không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và đạo đức kinh doanh; tuân thủ đúng quy định, pháp luật của Nhà nước; xung kích, đi đầu trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh chuyển đổi số, chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Chú trọng hơn nữa công tác thông tin truyền thông; bảo vệ bản quyền, giá trị thương hiệu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, không ngừng xây dựng và nâng cao thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân; bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người lao động; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; tiếp tục thể hiện trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương tiếp thu đầy đủ các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia tham gia tích cực hơn nữa trong xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam; chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó, vì lợi ích của doanh nghiệp gắn với lợi ích quốc gia, dân tộc, nỗ lực vượt khó, đổi mới sáng tạo, không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và từng bước cải thiện vững chắc năng lực cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đóng góp cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Thủ tướng tin tưởng, trong thời gian tới, sẽ có nhiều doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí của Chương trình, phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam sẽ có trên 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế; hai tiếng “Việt Nam” gắn với hình ảnh sản phẩm, dịch vụ uy tín, chất lượng cao sẽ ngày càng phát triển và củng cố vững chắc vị thế, uy tín trên toàn thế giới.
Nguyệt Hà