TĐKT- Với truyền thống bất khuất, kiên cường một huyện anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng với tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng của cán bộ và nhân dân nơi đây, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đã đạt được những kết quả tích cực. Bộ mặt nông thôn thay đổi từng ngày. Xuân Lộc là huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh Đồng Nai.
Là một huyện miền núi của tỉnh Đồng Nai, Xuân Lộc bước vào xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp, ngoài lao động và đất đai, huyện không còn một thế mạnh nào khác. Nhận thức được những khó khăn đó, trên cơ sở nhận thức được những khó khăn, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện đã chú trọng huy động tối đa các nguồn lực, đặc biệt là sự đóng góp về tinh thần và vật chất của nhân dân cho xây dựng NTM.
Xác định vai trò chủ thể của người dân trong quá trình xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã đã tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và mục đích, ý nghĩa xây dựng NTM đến tận cán bộ, đảng viên và nhân dân để tích cực, tự giác, đồng sức, đồng lòng tham gia. 5 năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng NTM của huyện là hơn 12.700 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn do nhân dân đóng góp chiếm hơn 90%. Có kết quả đó, trong quá trình tổ chức thực hiện, Đảng bộ, chính quyền huyện đã nêu cao tinh thần phát huy dân chủ để có trí tuệ tập thể “khó trăm lần không dân cũng chịu...” làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những lệch lạc, tạo niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân chung sức trong quá trình xây dựng NTM tại địa phương. Huyện thường xuyên khuyến khích, động viên, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua xây dựng NTM.
Các công trình giao thông được Xuân Lộc thực hiện theo phương châm vừa làm vừa vận động nguồn vốn trong dân, từ đây nhân dân tận mắt thấy được kết quả thực tế nên nhiệt tình tham gia góp công, góp của, hiến đất để xây dựng cùng với Nhà nước. Đến nay, các tuyến đường do huyện quản lý đạt tỷ lệ nhựa hóa gần 90%; đường liên xã đạt trên 99,5% và đường ấp, ngõ xóm, trục chính nội đồng cứng hóa đạt 100%. Mỗi xã trong huyện còn có trên 10 tuyến đường tự quản trong khu dân cư đảm bảo các tiêu chí “sáng - xanh - sạch - đẹp”. Cùng với đó là hệ thống điện, thủy lợi, trường học, trạm y tế cũng được đầu tư xây dựng đồng bộ phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân. Hiện tỷ lệ hộ sử dụng điện trên địa bàn huyện đạt 99,7%; trên 95,52% số hộ có nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng. Hệ thống trường học được đầu tư ngày một hoàn thiện, hiện 100% trường học trên địa bàn huyện có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, 52/67 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 77,6%. 15/15 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập trung học phổ thông.
Bên cạnh đó, để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân, Xuân Lộc đã đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp chế biến, phát triển ngành nghề nông thôn gắn với sản xuất thị trường nên đã hình thành sự liên kết giữa nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ, đồng thời tiếp tục nhân rộng thêm các mô hình kinh tế hợp tác. Căn cứ quy hoạch nông nghiệp và quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi được ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, huyện đã tích cực chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ và ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất để hình thành các vùng chuyên canh. Đến nay, Xuân Lộc có gần 1.570 hécta cây xoài; trên 1.870 hécta cây hồ tiêu; trên 1.900 hécta cây ăn trái đặc sản chất lượng cao như chôm chôm nhãn, chôm chôm thái; sầu riêng G6; xoài cát Hòa lộc… Ngoài ra huyện còn có gần 280 hécta cây thanh long và trên 640 hécta cây rau các loại (hầu hết đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP). Trên 90% diện tích các loại cây trồng đều sử dụng giống mới. Đặc biệt, Xuân Lộc còn được xem là thủ phủ cây bắp lai với tổng diện tích gieo trồng hàng năm trên 12 ngàn hécta. Nhờ việc đầu tư mạnh trong việc nâng cấp các tuyến kênh mương nội đồng, đảm bảo phục vụ tưới tiêu ở các địa phương diện tích bắp đông - xuân ngày càng được người dân mở rộng theo mô hình “2 bắp và 1 lúa”, cho thu nhập hơn 120 triệu đồng/hécta/năm. Huyện cũng có 37 hợp tác xã (HTX), 2 quỹ tín dụng nhân dân và 437 câu lạc bộ (CLB) nông nghiệp, thu hút trên 12.200 hội viên tham gia với tổng diện tích cây trồng trên 12.400 hécta. Năng suất cây trồng, vật nuôi trong các CLB đều tăng từ 1,5-2 lần so với mức bình quân chung. Nhiều CLB năng suất cao như: CLB tiêu năng suất cao xã Xuân Thọ, CLB thanh long Xuân Hưng, HTX xoài Suối Lớn, HTX rau sạch Trường An, rau sạch Xuân Tiến... đều cho mức thu nhập trên 300 triệu đồng/héca.
Cùng với đó, huyện cũng quan tâm đến công tác đào tạo, hướng dẫn người dân áp dụng hoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi. Cán bộ huyện đã kịp thời giải quyết các kiến nghị của dân, nhất là trong việc thay đổi cơ cấu trồng, giải quyết khó khăn trong sản xuất.
Bảo Linh