TĐKT - 5 năm qua (2017 - 2022), phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tiếp tục phát triển cả bề rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa, thu hút đông đảo nông dân tham gia. Phong trào đã khích lệ, động viên nông dân hăng hái thi đua lao động, đổi mới nếp nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu và giúp đỡ nhau thoát nghèo bền vững; khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển sản xuất.
Ông Nguyễn Minh Lộc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân (HND) tỉnh Ninh Bình cho biết: Đến nay, toàn tỉnh có hơn 138 nghìn hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó cấp tỉnh là 641 hộ, cấp trung ương 44 hộ; thu nhập trên 1 ha canh tác năm 2021 đạt 143 triệu đồng, tăng 32 triệu đồng so với năm 2015. Từ năm 2017 đến nay, các cấp HND đã xây dựng được 276 mô hình giảm nghèo bền vững, trực tiếp giúp đỡ 4.593 hộ nông dân vươn lên thoát nghèo. Nhiều mô hình có quy mô lớn, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương.
Người dân Ninh Bình tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất
Để đạt được kết quả trên, HND tỉnh đã tập trung tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo và có cơ chế, chính sách, hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển phong trào. Hội cũng tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trong triển khai các chính sách hỗ trợ liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân; kịp thời phối hợp, giúp đỡ giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, tạo điều kiện động viên hộ nông dân, chủ trang trại phát triển sản xuất, kinh doanh…
“Trong quá trình triển khai, Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở rộng liên kết “4 nhà”, tập trung hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật (KHKT), trong đó chú trọng tới yếu tố chất lượng sản phẩm, sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, bảo vệ môi trường và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.” - ông Lộc cho biết.
Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ nông dân có kiến thức khoa học phát triển sản xuất, kinh doanh, 5 năm qua, các cấp Hội trong tỉnh phối hợp tổ chức 4.533 lớp tập huấn KHKT cho 278.124 lượt nông dân; phối hợp tổ chức dạy nghề cho 28.252 lượt hội viên nông dân. Thông qua tập huấn, dạy nghề giúp nông dân nâng cao kiến thức KHKT áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao và sau khi học nghề có trên 80% lao động có việc làm, thu nhập ổn định.
Đồng thời, các cấp Hội đã chú trọng hoạt động tư vấn, hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển sản xuất từ nguồn vay Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách - Xã hội do các cấp Hội nhận ủy thác. Hiện nay số dư nợ của toàn tỉnh đã đạt trên 2.000 tỷ đồng. Các cấp Hội còn tích cực tuyên truyền, vận động và huy động các nguồn lực xây dựng Quỹ “Hỗ trợ nông dân” và Quỹ Hội để giúp hội viên có thêm nguồn vốn vay cũng như kịp thời hỗ trợ hội viên khi ốm đau, hoạn nạn, gặp rủi ro. Hiện tổng Quỹ “Hỗ trợ nông dân” của tỉnh đạt gần 40 tỷ đồng.
Ngoài ra, HND các cấp đã ký chương trình phối hợp với một số doanh nghiệp cung ứng phân bón, thức ăn chăn nuôi để cung ứng theo phương thức trả chậm, tạo điều kiện cho những nông dân khó khăn về vốn, phân bón để đầu tư phát triển sản xuất. Trong 5 năm, các cấp Hội trong tỉnh đã tín chấp cung ứng 1.936.085 tấn phân bón trả chậm cho nông dân.
Mô hình cửa hàng nông sản an toàn được Hội Nông dân triển khai trên địa bàn tỉnh
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được các cấp Hội Nông dân trong tỉnh phát động rộng khắp đã tạo mối liên kết giữa các hộ nông dân ngày càng chặt chẽ, tạo điều kiện để thực hiện tái cơ cấu và sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Đến nay, các cấp Hội đã vận động hội viên nông dân thành lập được 78 HTX, 133 tổ hội nghề nghiệp, 331 tổ hợp tác. Các tổ chức kinh tế tập thể này hoạt động ở đa dạng ngành nghề, xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu sản xuất theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường. Tiêu biểu như: HTX nuôi trồng thủy sản tại xã Yên Đồng (Yên Mô), HTX trồng đào (Xuân Chính, Kim Sơn); HTX chăn nuôi tại xã Như Hòa (Kim Sơn), Tổ Liên gia chăn nuôi dê xã Ninh Hòa (huyện Hoa Lư)....
Tiếp tục thực hiện Đề án “Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn”, các cấp Hội đã xây dựng được 473 mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Hội cũng xây dựng và duy trì hoạt động 25 “Cửa hàng nông sản an toàn”, gắn biển 15 “Điểm bán hàng hạn chế túi nilon và đồ thải nhựa” tại TP Ninh Bình, TP Tam Điệp, Hoa Lư…; gắn biển 2 “Điểm du lịch, dịch vụ thân thiện môi trường tại xã Ninh Hải huyện Hoa Lư; duy trì và xây dựng mới 313 mô hình “Dân vận khéo”...
Phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”, những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên giúp đỡ hộ nghèo. Theo đó, Hội Nông dân toàn tỉnh xây dựng được 276 mô hình giảm nghèo bền vững, đã trực tiếp giúp đỡ 4.593 hộ nông dân nghèo vươn lên thoát nghèo.
Kinh tế phát triển, bà con đã hăng hái tham gia xây dựng nông thôn mới, vận động hội viên góp trên 627 nghìn ngày công, hiến đất, đóng góp trên 498 tỷ đồng để làm các công trình thủy lợi nội đồng và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, góp phần vào kết quả trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Ngoài ra, hưởng ứng cuộc cách mạng về chuyển đổi số, HND tỉnh đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, hội viên, nông dân, giới thiệu sàn thương mại điện tử postmart.vn và lợi ích của bà con khi tham gia đăng sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, hướng dẫn cách thức tạo tài khoản, đăng sản phẩm và hướng dẫn bán hàng trên sàn postmart.vn.
Theo ông Lộc, việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm tiềm năng của các địa phương, hoạt động này sẽ góp phần nâng cao năng lực chuyển đổi số cho tổ chức Hội, HTX, THT và đặc biệt khuyến khích tinh thần “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đây là một trong những phương thức bán hàng hiệu quả trong giai đoạn phát triển xã hội số hiện nay.
Cùng với đó, cấp Hội cũng đẩy mạnh tuyên truyền, sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm, tiếp tục phổ biến, nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân về tầm quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp sạch có năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị sản xuất cao, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Tuệ Minh