TĐKT - Xã Thông Nguyên được chọn là xã điểm của huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Mặc dù điều kiện xuất phát còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ngay từ khi bắt đầu triển khai, Đảng ủy xã đã xác định muốn thực hiện chương trình thành công thì phải bắt đầu từ xây dựng đường giao thông nông thôn. Định hướng đúng kết hợp với cách làm hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương, Thông Nguyên đã trở thành xã đầu tiên của huyện cán đích NTM vào năm 2015.
Đảng ủy xã Thông Nguyên xác định đường giao thông nông thôn góp phần hết sức quan trọng cho việc thực hiện các tiêu chí khác trong công tác xây dựng NTM, là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của xã. Ông Vần Kim Đưởng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cho biết: Xã Thông Nguyên là một xã có địa hình tương đối phức tạp, có độ dốc cao và địa hình bị chia cắt mạnh bởi các con suối, có những thôn ở cách xa trung tâm xã gần 9 km; có hơn nửa số thôn của xã đường đi chủ yếu là đường đất chỉ có xe máy đi lại được trong mùa khô. Vì thế, chúng tôi đã tổ chức phong trào thi đua “Huy động nội lực trong xây dựng nông thôn mới” với mục tiêu như: Làm đường giao thông nông thôn để mở đường lên các thôn trong toàn xã, đảm bảo cho nhân dân đi lại thuận tiện để trao đổi, mua bán cũng như phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng các công trình phúc lợi, công trình công ích trên địa bàn xã.
Phong trào được triển khai ở 13/13 thôn bản, được bà con nhân dân đồng tình hưởng ứng, thực hiện. Kết quả trong 5 năm thực hiện làm đường giao thông nông thôn, xã Thông Nguyên đã nâng cấp 24,2 km đường từ 2,5 m lên 4,8 m, bê tông hóa 41,2 km đường giao thông các loại. Đến nay, 13/13 thôn đã có đường nhựa, đường bê tông đến trung tâm thôn. Bên cạnh đó, xã còn thường xuyên vận động nhân dân tu sửa các tuyến đường trục thôn, trục xã, đường nhóm hộ, đảm bảo thông suốt, phục vụ đi lại bốn mùa. Ngoài ra, xã được tỉnh, huyện quan tâm đầu tư, nhân dân đóng góp công sức, hiến đất góp phần dựng được 1 phòng khám đa khoa khu vực; 1 nhà lưu trú cho cán bộ, công chức, viên chức và 1 nhà ăn cho bệnh nhân; xây dựng được 2 điểm trường nhà cấp 4; 3 nhà văn hóa thôn; 1 bếp ăn cho học sinh trung học phổ thông; 1 nhà trụ sở xã; 3 cầu treo; 1 công trình chống sạt lở với tổng chiều dài là 1 km; lắp đặt 28 cống thoát nước đường giao thông thôn. Các gia đình hộ nhân dân đã xây dựng lò đốt rác, đạt 100% số hộ có lò đốt rác đảm bảo cho công tác vệ sinh môi trường. 100% hộ có nhà vệ sinh, nhà tắm, bể nước được xây dựng kiên cố. “Có được những kết quả trên cũng nhờ vào sự quan tâm, giúp đỡ từ cấp trên, đã đầu tư, hỗ trợ xi măng cho nhân dân. Chính quyền xã công khai hóa các chủ trương, cơ chế hỗ trợ của cấp trên cho nhân dân biết. Đồng thời chúng tôi làm tốt công tác vận động nhân dân, và biết khai thác tối đa nội lực trong nhân dân phục vụ công tác xây dựng đường giao thông nông thôn, được nhân dân đồng tình ủng hộ.” – Ông Đưởng chia sẻ.
Trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân xã, xã Thông Nguyên đã phát động phong trào thi đua “Thực hiện các mô hình kinh tế hiệu quả”. Qua đó, nhiều mô hình kinh tế được triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả về kinh tế, thu nhập cho các hộ gia đình. Tiêu biểu như nhằm phát huy thế mạnh về cây chè Shan tuyết, xã đã quy hoạch vùng trồng chè và quy hoạch vùng chè sạch để sản xuất chè sạch hữu cơ, chè sạch đảm bảo an toàn. Để thực hiện mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, xã lấy đội ngũ cán bộ chủ chốt gương mẫu thực hiện trước. Ban đầu, các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy xã thực hiện trước, mỗi đồng chí tự chọn một mô hình. Kết quả có 5/5 đồng chí thực hiện được 5 mô hình bước đầu cho kết quả tốt về chăn nuôi cá, dê, lợn, mỗi mô hình cho thu nhập bình quân trên 50 triệu đồng/năm. Từ kết quả đó, xã nhân rộng ra tất cả đội ngũ cán bộ xã và cán bộ thôn làm trước cho người dân học tập và làm theo. Đến nay, xã Thông Nguyên đã có 26 mô hình cho kết quả tốt, từng bước nâng cao nhận thức và tăng thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện đạt tiêu chí số 10 trong 19 tiêu chí NTM.
Để duy trì hiệu quả của phong trào thi đua, xã thường xuyên phát động các đợt thi đua giữa thôn với thôn, hộ với hộ, nhóm hộ với nhóm hộ; thường xuyên thi đua với nhau thực hiện và đến cuối năm tổ chức tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể thực hiện tốt.
Nhờ đó, đến nay, xã Thông Nguyên đã hoàn thành cơ bản 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 20,2 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo đến năm 2015 giảm xuống chỉ còn 2,96% (năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo là 32%). Số gia đình văn hóa là 544/666 hộ, chiếm 83% số hộ của xã. Các câu lạc bộ bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền được quan tâm thành lập tại các thôn, bản và hoạt động thường xuyên. Công tác vệ sinh môi trường được chú trọng. Các thôn, bản đều có quy ước cấm vứt rác bừa bãi, cấm bắt cá suối dưới mọi hình thức, cấm săn bắt thú rừng. Những thành tựu đạt được đã làm thay đổi toàn diện bộ mặt toàn cảnh của xã. Đến tháng 12/2015, xã Thông Nguyên được công nhận là xã đạt chuẩn NTM của tỉnh Hà Giang.
Chia sẻ về những kinh nghiệm trong xây dựng NTM, ông Đưởng nói: Công tác tổ chức, triển khai các phong trào thi đua phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất từ cấp ủy đến chính quyền và các tổ chức đoàn thể. Trong thực hiện, phải lấy sự gương mẫu đi đầu của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, của người đứng đầu để mọi người học tập và noi theo. Mỗi phong trào thi đua phải xác định được mục tiêu, tiêu chí thi đua cụ thể, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tế của địa phương mới huy động được sự hưởng ứng, tham gia của người dân và phong trào thi đua mới đạt được hiệu quả, mục tiêu đề ra. Cùng với đó, phải tổ chức sơ kế, tổng kết các đợt thi đua để đánh giá, rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp biện pháp khắc phục những hạn chế; đồng thời biểu dương, nêu gương, khen thưởng những nhân tố điển hình để động viên, khích lệ, tạo động lực cho phong trào thi đua trong thời gian tiếp theo.
“Trong những năm tới, xã chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả của các phong trào thi đua, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, đảm bảo tính bền vững trong xây dựng NTM và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.” – ông Đưởng khẳng định.
Trang Lê